Xuân Minh - mảnh đất truyền thống cách mạng

Xã hội 31/08/2015 15:57

Phát huy truyền thống, nhân dân xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã và đang ra sức thi đua lao động dựng xây quê hương ngày một giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống anh hùng trong chiến đấu và sản xuất.


 

IMG_1602
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước gắn Huy hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ Kháng chiến chống Pháp lên lá cờ truyền thống xã Xuân Minh.

Trong đấu tranh - anh dũng

Xã Xuân Minh nằm bên vùng tả sông Chu của huyện Thọ Xuân, từ ngàn xưa các làng trên vùng đất Xuân Minh đã được hình thành gắn với vùng Thọ Xuân địa linh nhân kiệt nơi phát tích hai triều đại tiền Lê và hậu Lê. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân Xuân Minh thể hiện lòng trung kiên với Đảng, bền bỉ chịu đựng trước sự đàn áp dã man của giặc. Ngày 29/7/1930, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã tổ chức hội nghị đảng viên của ba chi bộ cộng sản đầu tiên (Hàm Hạ, Thiệu Hóa và Thọ Xuân), tuyên bố thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa… Xuân Minh trở thành cái nôi của phong trào cộng sản, chính quyền thực dân coi đây “Sào huyệt cộng sản” là “Trung tâm sự chống đối và lật đổ chính phủ”. Chúng đã tập trung lực lượng, nhằm khống chế và dập tắt phong trào cách mạng ở đây, chúng cho xây dựng đồn bốt kiên cố, điều đến những tên ác ôn tàn bạo nhất trong vùng, cùng với một lực lượng tinh nhuệ để đàn áp, bắt bớ những chiến sĩ cộng sản. Đã có hơn 20 ngôi nhà ngói, nhà tranh bị chúng tháo dỡ làm đồn bốt, hàng trăm trâu, bò, lợn bị tịch thu, hàng chục tấn lương thực bị chúng chiếm đoạt, hàng trăm chiến sĩ cách mạng và quần chúng cách mạng bị địch bắt bớ, tra tấn, giam cầm, trong đó có 105 chiến sĩ cách mạng bị thực dân tuyên án với tổng cộng hơn 500 năm tù và thực tế đã bị cầm tù hơn 300 năm song, với người dân Xuân Minh vẫn bám đất, bám làng xây dựng phong trào.

Cụ Đỗ Xuân Ân, lão thành cách mạng năm nay 96 tuổi, với 69 năm tuổi đảng vẫn nhớ rõ, những năm đó, địch tăng cường khủng bố, lục soát gắt gao nhất, đối với các chiến sĩ cách mạng trong toàn tỉnh, thì Xuân Minh vẫn là nơi đứng chân tin cậy và an toàn, để các chiến sĩ cách mạng ưu tú của Đảng, tìm đến xây dựng phong trào, hầu hết cán bộ của Tỉnh, của Xứ ủy đều đã công tác hoạt động trên mảnh đất Xuân Minh được Đảng và nhân dân che chở nuôi dấu an toàn. Như đồng chí Tố Hữu, Lê Văn Thiệp, Lê Chủ, Trịnh Khắc Sản, Trịnh Hữu Thường, Bùi San, Hoàng Tiến Trình… và nhiều các đồng chí khác, điều đặc biệt là không có đồng chí nào bị địch bắt trên đất Xuân Minh.

2015-08-30 09.49.29
Bảng chế độ ăn của Bệnh viện K71  sơ tán tại nhà ông Trịnh Văn Đằng, thôn Ngọc Trung  thời kỳ chống Pháp còn lưu lại trên bức vách

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Xuân Minh cho biết, tự hào với truyền thống, những đóng góp to lớn của Xuân Minh trong giai đoạn lịch sử đó đã góp phần cùng với cả tỉnh, cả nước thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng tháng 8/1945 đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới. Ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân Xuân Minh, Đảng và Nhà nước đã tặng kỷ niệm chương “Bằng có công với nước” cho ba làng: Phong Cốc, Thuần Hậu và Xá Lê, trên 50 gia đình được công nhận là gia đình ân nhân cách mạng, được tặng Bằng có công với nước, 95 đồng chí được công nhận là cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8/1945, ngày 23/7/1993 cụm di tích lịch sử xã Xuân Minh vinh dự được công nhận là Cụm di tích Lịch sử cách mạng cấp quốc gia gồm 13 điểm, đây là minh chứng cho mảnh đất anh hùng trong kháng chiến của đất và người Xuân Minh, ông Sơn nhấn mạnh.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, hàng năm Xuân Minh đóng góp cho Nhà nước lương thực thực phẩm 9.425 tấn, bình quân đầu người 1.650 kg. Đóng góp 27.500 ngày công làm công sự, ụ pháo, ra đa, đào 7,8 km giao thông hào, 1.750 hầm chữ A, đào đắp 1.500m3 đất đắp thành lũy, hào giao thông cho hàng chục lớp học sinh dã chiến, đắp 1 con đê dài 350m  với 14.600m3 đất (đê anh Trỗi), xây dựng 1 đội xe thồ 45 chiếc để vận chuyển, sơ tán hàng ngàn tấn hàng hóa cho chiến trường. Xã đón tiếp hàng ngàn lượt bộ đội hành quân, huấn luyện, tạm trú tại địa phương trên đường vào Nam đi chiến đấu. Giúp đỡ hàng ngàn ngày công cho các cơ quan, nhà trường và đơn vị bộ đội sơ tán chuyển quân sẵn sàng chiến đấu...

Trong lao động cũng anh hùng

Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Minh được sự lãnh đạo trực tiếp của huyện ủy Thọ Xuân, vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ trương đổi mới của Đảng, nhân dân Xuân Minh đã vượt qua những khó khăn, xây dựng quốc phòng an ninh vững chắc, chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đến năm 1997 đã không con hộ đói, điện, đường, trường, trạm được đầu tư nâng cấp, chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất, văn hóa, giao thông thủy lợi, nhà ở được chính quyền  nhân dân đầu tư đúng mức. Năm 2007 đã được Ủy ban MTTQ tỉnh công nhận xã không còn nhà tranh tre dột nát tạm bợ.

IMG_1629
Đường thôn xóm đã được bê tông hóa, góp phần phát triển hoạt động sản xuất của địa phương

Bà Trịnh Thị Biết, thôn Thuần Hậu cho biết, nông thôn đổi mới, làm đường ra đến tận đồng nên thu hoạch mùa màng thuận lợi lắm, nông sản vận chuyển về đến tận nhà… hàng hóa nhiều lắm, thay đổi lắm rồi.

Cụ bà Nguyễn Thị Thanh, thôn Vinh Quang, 97 tuổi, là gia đình có công với Cách mạng, chồng bà là ông Trịnh Đốc, cán bộ tiền khởi nghĩa, minh mẫn kể lại ngày xưa đi lại khó khăn bao nhiêu, nay đi lại thuận tiện bấy nhiêu, con cháu đi làm, đi học thuận tiện, xe khách giường nằm ngày mấy chuyến đi Hà Nội, thuận tiện lắm.

IMG_1606
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, trao bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới 2015.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch xã chia sẻ, trong những năm qua bằng nguồn vồn ngân sách, sự đóng góp tự nguyện của nhân dân, kết hợp với sự hỗ trợ của ngân sách các cấp và lồng ghép các dự án khác, xã đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp được nhiều công trình phúc lợi, phục vụ dân sinh. Trong đó bổ sung 4 trạm biến áp, thay thế bổ sung 30 cột điện xương cá, 3 km đường dây 0,4kv, làm mới trạm y tế có 13 phòng và khuôn viên đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Bên cạnh đó xây dựng 6 phòng học và sân trường tiểu học, sân trường trung học cơ sở, tu sửa khuôn viên và làm mới 8 phòng học trường mầm non, làm mới 3 nhà văn hóa, khôi phục làm mới 2 đình làng, 3 cổng làng, 16 km mương thoát nước trong thôn, 10 km mương nội đồng, 2.000m3 bê tông lề đường, 300 nhà vệ sinh tự hoại, làm mới nâng cấp cải tạo 210 nhà ở khu dân cư. Đến nay cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, đường giao thông thủy lợi, nhà văn hóa các thôn cơ bản đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Là người con của xã, anh Mai Văn Cao hiện đang làm việc tại TP Thanh Hóa cho biết, quê hương nay đổi mới lắm rồi, là người xa quê nhưng chúng tôi vẫn dõi theo sự phát triển của quê hương, mảnh đất giầu truyền thống cách mạng.

Ngày 30/8, UBND xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân đã đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước trao tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp và công nhận "Xã đạt chuẩn nông thôn mới" do tỉnh Thanh Hóa trao tặng.

Ý kiến của bạn

Bình luận