Xóa "điểm nghẽn" QL1 bằng dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và tuyến tránh TP Long Xuyên

Tác giả: Sơn Khê

saosaosaosaosao
Bạn đọc 29/03/2020 08:11

Nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực .

Lộ tẻ 2
 Ảnh: Tư Doãn

Hiện nay, các quy hoạch về GTVT của ĐBSCL về cơ bản đã phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng, chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT quốc gia. Tuy nhiên, do điều kiện nguồn lực còn khó khăn nên việc triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực chưa đạt được theo mục tiêu quy hoạch và kế hoạch đã đề ra, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải, yêu cầu phát triển của vùng.

Theo thống kê của Bộ GTVT, tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL giai đoạn 2011 - 2015 là 67.552 tỷ đồng, chiếm 12,26% tổng vốn đầu tư thực hiện của cả nước. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng số vốn đầu tư là 65.056 tỷ đồng, chiếm 15,15% tổng vốn đầu tư thực hiện cả nước.

Chỉ tính riêng khu vực phía Tây của ĐBSCL hiện nay, trục kết nối vẫn đang bị đứt quãng. Trong khi đó, tiềm lực kinh tế của liên kết vùng Kiên Giang - Cần Thơ - An Giang - Đồng Tháp là thế mạnh của vùng. Tuy nhiên, hiện chỉ có một phần của dự án kết nối trung tâm ĐBSCL đã được đưa vào sử dụng đó là cầu Vàm Cống - cầu Cao Lãnh và tuyến nối. Hai dự án trọng điểm khác gồm Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang triển khai và Dự án Đầu tư xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên vẫn đang chờ hiệp định vay vốn.

Được biết, Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang được đầu tư theo hướng cao tốc, khi hoàn thiện sẽ kết nối với hai cầu Vàm Cống - Cao Lãnh; trục QL30 đang được đầu tư và đi vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đây sẽ là tuyến thông suốt cho khu vực phía Tây, kết nối trực tiếp với TP. Hồ Chí Minh trong tương lai, xóa bỏ điểm nghẽn QL1A hiện đang quá tải trầm trọng. 

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài hơn 51km, rộng 17m, quy mô 4 làn xe. Công trình được khởi công giữa năm 2016, điểm đầu kết nối với cầu Vàm Cống (TP. Cần Thơ), điểm cuối nối với tuyến tránh TP. Rạch Giá (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang). Dự án được đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó vốn vay Hàn Quốc hơn 4.500 tỷ đồng (200 triệu USD), còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước. Ông Diệp Bảo Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết, đến nay tiến độ xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đạt 80% khối lượng. Đơn vị thi công đang tập trung láng nhựa mặt đường, cố gắng hoàn thành trong mùa khô này. Công trình dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 9 và hoàn thành trong năm nay.

Theo UBND tỉnh An Giang, Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên là dự án quan trọng của tỉnh, đảm bảo giao thông đường bộ thông suốt, liên tục trên QL91, góp phần giảm ùn tắc, TNGT trên tuyến đường hiện hữu đi qua trung tâm TP. Long Xuyên, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực ĐBSCL theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án tạo nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cho tỉnh An Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. Dự án có tổng chiều dài 17,3km (trong đó có 02km nâng cấp đoạn nối QL80B), quy mô xây dựng đường cấp III đồng bằng, hai làn xe, nền đường 12m. Trên tuyến có 16 cây cầu cùng hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng; tổng mức đầu tư là hơn 2.106 tỷ đồng.

Ông Phạm Thành Thái - Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên cho biết thêm, hiện thành phố đã phê duyệt kế hoạch thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên. Theo ông Thái, chính vì tầm quan trọng của dự án nên việc giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án là hết sức quan trọng, khởi đầu toàn dự án. Long Xuyên sẽ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo theo khung chính sách bồi thường được duyệt. Dự kiến, công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian 12 tháng, bắt đầu từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020. Tuy nhiên, do tính chất quan trọng của dự án nên tiến độ sẽ được đẩy nhanh. Các bên liên quan đang phấn đấu trong hai năm 2020 - 2021 sẽ thi công xây dựng hoàn thành 17,3km đường và 19 cây cầu trên tuyến, đến đầu năm 2022 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. 

Như vậy, chỉ vài năm nữa, trục giao thông phía Tây của ĐBSCL cơ bản sẽ được hoàn thiện. Người dân tỉnh Kiên Giang và TP. Cần Thơ rất vui mừng khi được tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sắp đưa vào khai thác. Đây cũng là niềm vinh dự cho các đơn vị như Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, hai địa phương Kiên Giang và Cần Thơ cùng các nhà thầu thi công... Sự kết nối thông suốt của các tuyến không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế mà còn giúp người dân vùng ĐBSCL giảm áp lực tham gia giao thông khi trục chính QL1A đã quá tải bấy lâu nay

Ý kiến của bạn

Bình luận