Xóa 5.000 đường ngang dân sinh không thể ngày một, ngày hai

Ý kiến phản biện 07/02/2017 14:40

Ngày 6.2, Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc TCty Đường sắt Việt Nam - về thực trạng đáng báo động về tai nạn đường sắt trong dịp tết vừa qua cũng như việc triển khai công điện khẩn của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình về các giải pháp cấp bách kéo giảm TNGT tại đường ngang qua đường sắt. Ông Hoạch cho biết:

 

2-1_opt_YEBY
Ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc TCty Đường sắt Việt Nam.

- Trong những ngày tết vừa qua, tổng số vụ TNGT đường sắt giảm 2 vụ so với cùng kỳ nhưng số vụ tai nạn mang tính chất phức tạp gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản lại tăng và chủ yếu xảy ra tại các đường ngang giao cắt giữa đường sắt và các đường dân sinh, làm chết 6 người. Tất cả các vụ TNGT đường sắt đều do người tham gia giao thông và các phương tiện gây ra mà điển hình nhất là vụ tai nạn ở Nam Định khi người lái xe đã chạy song song với đoàn tàu và đến đường ngang thì va chạm với đoàn tàu chạy cùng chiều. Ngoài ra, còn có hai vụ người dân có hành động lao vào đường sắt để tự tử. Đây là hiện tượng rất đáng lo ngại.

Nếu nguyên nhân là do người dân, thì theo ông, trách nhiệm của ngành đường sắt ở đâu?

- Dù nguyên nhân là do ý thức của người tham gia giao thông nhưng ngành đường sắt có trách nhiệm trong việc phối hợp với địa phương trong việc quản lý hành lang cũng như hệ thống đường giao cắt giữa đường sắt và đường dân sinh chưa hiệu quả.

Vì sao việc quản lý này chưa hiệu quả, thưa ông?

- Chưa hiệu quả là vì đã có các quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT với UBND các tỉnh về công tác đảm bảo hành lang an toàn đường sắt (ATĐS) tại các địa phương có đường sắt đi qua và đến năm 2016 TCty đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hành lang ATĐS phối hợp với địa phương thống kê và bàn giao tình trạng đường ngang đường sắt với các tỉnh và đã có họp thống nhất về giải pháp. Tuy nhiên, đến nay việc giảm các giao cắt giữa đường sắt và đường bộ là chưa thực hiện được mà mới quản lý được số điểm và không để phát sinh. Bên cạnh đó, việc vi phạm hành lang an toàn đường sắt vẫn xảy ra và số lượng đường giao cắt nguy cơ cao mà chưa có sự cảnh giới còn nhiều .

Hiện nay, trên toàn quốc thực trạng đường giao cắt ra sao?

- Ngoài các điểm ngành đường sắt đang quản lý theo quy định của đường ngang, mới có hơn 180 điểm có sự cảnh giới của địa phương trong khi có tới trên 5.000 đường giao cắt và trong dịp tết ngành đường sắt chỉ có thể hỗ trợ cảnh giới 40 điểm. Trong hai năm 2015-2016, ngành đường sắt đã cùng các địa phương rà soát thống kê hiện trạng các điểm đường ngang, điểm giao cắt với đường bộ cuối 2016 thống nhất bàn giao danh sách lý trình, hiện trạng cụ thể các đường ngang cho UBND xã, phường, huyện, báo cáo UBND các tỉnh nhưng do kinh phí có hạn nên hiện mới quản lý hiện trạng chứ chưa thể giải quyết các điểm bất cập như giảm lối đi dân sinh vì cần sự đầu tư và kinh phí của ngân sách nhà nước và các địa phương.

Như vậy, để thực hiện công điện của Phó Thủ tướng, ngành đường sắt sẽ triển khai thế nào?

- Trách nhiệm của ngành đường sắt phải chủ động cùng với các cấp chính quyền địa phương thực hiện các chỉ đạo của Bộ GTVT cũng như của chính phủ. Tuy nhiên, riêng ngành đường sắt thì không thể một mình hoàn thành tất cả các yêu cầu đó mà phải có sự phối hợp cho nên sắp tới đường sắt sẽ báo cáo với Bộ GTVT và UB ATGT những khó khăn vướng mắc để tháo gỡ và tiếp tục cùng các địa phương triển khai chỉ thị của Chính phủ.

Chiều 6.2, TCty đã họp trực tiếp với Bộ GTVT về các giải pháp trước mắt để thực hiện các nội dung trong công điện như báo cáo cụ thể lộ trình thực hiện các dự án nâng cấp đường ngang, xây dựng lộ trình cân đối vốn thực hiện nâng cấp các đường ngang có biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động với gần 500 điểm từ nay tới hết năm 2019, xây dựng lộ trình triển khai giảm thiểu lối đi dân sinh bằng những đường gom dẫn ra đường ngang hợp pháp.

Mặt khác, ngành đường sắt sẽ cùng với địa phương sẽ thu hẹp các đường ngang dân sinh trên 3m để hạn chế ôtô và phương tiện cơ giới qua lại đảm bảo an toàn và phối hợp với địa phương thống nhất những điểm cần phải cử người cảnh giới vào những thời gian cao điểm hoặc cảnh giới 24/24h nếu cần thiết và giải toả đường ngang hành lang mới phát sinh thì sẽ thực hiện ngay khi có sự phát sinh và đề nghị chính quyền địa phương phối hợp thực hiện ngay.

Thừa nhận trách nhiệm trong việc phối hợp và quản lý hệ thống đường ngang nhưng lãnh đạo TCty Đường sắt Việt Nam cho rằng, để xoá sổ hệ thống gần 5.000 đường ngang dân sinh trên toàn quốc “không thể thực hiện ngày một ngày hai” do thiếu kinh phí và đây là một “tồn tại của lịch sử”.

Ý kiến của bạn

Bình luận