Xe tự lái thà đâm đứa trẻ còn hơn gây nguy hiểm cho người lái

Ứng dụng 21/10/2016 04:37

Câu trả lời của phát ngôn viên hãng Mercedes-Benz về ô tô tự lái đã lập tức gây tranh cãi trên mạng xã hội.

autopro-xe-tai-lai-mercedes-1476504487829-crop1476
Xe tự lái của Mercedes-Benz. Ảnh minh họa

Trong một cuộc phỏng vấn, ông David McCarthy, phát ngôn viên của Mercedes-Benz Úc, đã được hỏi ô tô tự lái sẽ làm gì khi phải chọn giữa việc cán qua một đứa trẻ và chuyển hướng, đâm vào phương tiện khác rồi gây nguy hiểm cho hành khách ngồi bên trong xe. Câu trả lời của ông McCarthy khá vòng vo nhưng cũng ngầm khẳng định ô tô tự lái thà đâm một đứa trẻ còn hơn gây nguy hiểm cho người ngồi bên trong xe.

"Nếu có ai đó bất ngờ xuất hiện trước đầu xe, công nghệ hiện đại đến mấy cũng chẳng thể làm gì ngoài việc giảm tốc độ va chạm", ông McCarthy cho biết. "Nếu không tránh được nguy cơ va chạm, ô tô tự lái sẽ giảm tốc độ, thắt chặt dây an toàn và tự động nhấn phanh. Hệ thống an toàn và tránh va chạm rõ ràng sẽ hoạt động hiệu quả hơn bên trong xe. Tôi phải nói rằng, ô tô tự lái được thiết kế để bảo vệ người ngồi bên trong xe".

Trước đó, ông Christoph von Hugo, giám đốc mảng phát triển các hệ thống hỗ trợ người lái của hãng Mercedes-Benz, đã từng đưa ra câu trả lời tương tự trong cuộc phỏng vấn với tạp chíCar and Driver. "Nếu biết rõ có thể cứu ít nhất 1 người thì xe tự lái sẽ làm như vậy. Ô tô tự lái sẽ cứu người ngồi bên trong xe. Nếu biết rõ có thể ngăn cái chết của một người, bạn chắc chắn sẽ ưu tiên bản thân mình trước", ông Hugo nói. Tuy nhiên, ông Hugo cũng khẳng định kỹ sư tại các hãng lớn "sẽ ngăn những tình huống phải lựa chọn như vậy xảy ra".

Những câu trả lời của hai lãnh đạo hãng Mercedes-Benz đã trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên mạng. Phần lớn mọi người đều cảm thấy đây là những câu trả lời trung thực và đúng đắn. "Nếu một đứa trẻ nhảy ra giữa đường, tôi sẽ đạp phanh. Tuy nhiên, tôi sẽ không đánh lái vào bất kỳ đâu và gây nguy hiểm cho bản thân mình. Tôi không thể lấy mạng sống của mình ra để trả giá cho sai lầm của người khác", một cư dân mạng cho biết.

"Đây là những câu trả lời đúng. Tôi không hiểu vì sao mọi người lại nghĩ mình nên đánh lái. Đã bỏ tiền ra mua xe, tôi muốn bản thân mình được bảo vệ", người khác nói. "Nếu tôi trả hàng chục nghìn USD cho hãng Mercedes-Benz, tôi muốn bản thân mình được ưu tiên hàng đầu", người khác đồng tình.

"Tất nhiên xe tự lái sẽ đâm vào vật cản trên đường đi. Bạn có mua một chiếc xe khiến bản thân và gia đình mình tử vong chỉ để bảo vệ một quả bóng, con sóc, con mèo, con chó hay đứa trẻ không? Bạn kỳ vọng xe tự lái sẽ làm gì? Bạn sẽ chọn giữa việc tự giết chết gia đình mình hay đâm một đứa trẻ mà bố mẹ chúng không thể kiểm soát hay dạy dỗ? Đây là câu hỏi dành cho những ai không thích xe tự lái nhưng lại là việc mà mọi người đều phải đối mặt hàng ngày. Hãy suy nghĩ thực tế một chút đi", một người nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, cũng có một số người phản đối câu trả lời của lãnh đạo hãng Mercedes-Benz. "Những câu trả lời này đều sai rồi. Nói như vậy có nghĩa là những con vật nhỏ bé tội nghiệp cũng không có cơ hội sống sót", một người nói. "Không! Xe phải được lập trình để tránh những đứa trẻ và nguy cơ va chạm. Người ngồi bên trong xe đã được túi khí bảo vệ rồi", người khác nói.

"Xe tự lái có thể là một thảm họa. Với xe tự lái, bạn sẵn sàng liều mạng để chứng minh một phát minh tiến bộ. Bạn cũng sẵn sàng mạo hiểm cả mạng sống của người khác", một người kết luận.

Vấn đề an toàn của xe tự lái hiện vẫn là đề tài tranh cãi sôi nổi trên mạng. Lo ngại về an toàn của xe tự lái đã được đẩy lên cao khi người đàn ông 40 tuổi có tên Joshua Brown sống tại bang Ohio, Mỹ, tử vong vì tin tưởng vào hệ thống Autopilot trên xe Tesla vào hồi tháng 5 năm nay. Cả ông Brown lẫn hệ thống Autopilot của xe Tesla đều không nhìn thấy chiếc xe tải màu trắng đang đến gần do ánh nắng mặt trời gây lóa.

Ý kiến của bạn

Bình luận