Xe quá tải băm nát Tỉnh lộ 243: Dân kêu cứu Bộ GTVT

Giao thông 24h 29/07/2015 06:00

Tuyến đường tỉnh lộ 243 nối với QL1A huyện Hữu Lũng, (Lạng Sơn) đang xuống cấp nghiêm trọng bởi sức nặng của những đoàn xe quá tải


 

 (Đây là Cip PV ghi lại hoạt động của xe quá tải ở tỉnh lộ 243)

Nhận được phản ánh của người dân, những ngày cuối tháng 7, chúng tôi tìm về tuyến đường tỉnh lộ 243 chạy qua địa phận các xã Yên Vượng, Yên Thịnh, Đồng Mỏ của huyện Hữu Lũng nối với đường QL1A, thị trấn Hữu Lũng (Lạng Sơn) để ghi nhận tình trạng xe quá tải chở đất, đá đang hoành hành tại đây.

Theo quan sát của PV, trên tuyến đường này mỗi ngày có hàng trăm lượt xe quá tải vận chuyển đất đá, làm cho mặt đường bị hư hỏng, bong tróc nham nhở. Thậm chí, có những đoạn mặt đường nhấp nhô như ruộng bậc thang.

Cùng chung số phận bị “băm nát” như tuyến đường tỉnh lộ 243, hiện các cây cầu: Gốc Sau 1, Gốc Sau 2 và cầu Đèo Phiếu cũng đang đứng trước giờ “G” xóa sổ vì bị xe quá tải “bức tử”.

xe98
Cầu Đèo Phiếu có thiết kế tự trọng là 13 tấn, tuy nhiên xe tải trọng xấp xỉ 50 tấn vô tư đi qua đây

Ghi nhận của PV Tạp chí GTVT cho thấy, đoạn đường dài gần 7km thuộc tỉnh lộ 243 chạy qua Giốc Me – Yên Thịnh – Hữu Liên hiện đang bị băm nát bởi các xe chở đất, đá phục vụ cho dự án nâng cấp, cải tạo và mở rộng QL1 đoạn qua Bắc Giang và dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, cũng như phục vụ việc sản xuất của một số nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn.

Mặt khác, các xe chở đất, đá hoạt động trên tuyến đường tỉnh lộ 243 đa phần là xe của Bắc Giang và mang biển kiểm soát (BKS) đầu số 98.

Mặt đường bị công phá tới mức biến dạng hoàn toàn; ổ trâu, hố tròn xuất hiện chi chít, gây nhiều bất tiện cho người tham gia giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT.

IMG_8906
Tuyến đường tỉnh lộ 243 được mở ra chỉ để phục vụ cho xe quá tải mang BKS 98?

 Qua tìm hiểu, PV được người dân địa phương cho biết, tình trạng đường xuống cấp đã tồn tại nhiều năm nay mà vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng có động thái khắc phục triệt để. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân. Đặc biệt, những tiếng nổ mìn “vô tội vạ” và những tiếng “gầm rú” của các đoàn xe quá tải khiến cuộc sống yên bình của vùng quê này bỗng chốc bị đảo lộn hoàn toàn.

 Xác nhận thực trạng này với PV, đại diện chính quyền địa phương cấp cơ sở cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện Hữu Lũng và các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn khắc phục tình trạng mặt đường bị băm nát và tu sửa, làm mới 3 chiếc cầu có nguy cơ đổ sập sớm. Tuy nhiên, tới thời điểm này các đơn vị trên vẫn “án binh bất động.”

xe981
Đoàn xe này đi ra từ các mỏ đá Đạt Anh, Hoàng Khánh, Nhật Tiến ở xã Yên Vượng

Bức xúc trước lượng xe quá tải ngày, đêm "băm nát" hệ thống đường xá, cầu cống từ KM0 đến Km7 tỉnh lộ 243, người đứng đầu chính quyền xã Yên Vượng cho rằng: "theo tự trọng thiết kế của con đường đường này là 10,5 tấn và các cây cầu Đèo Phiếu, Gốc Sau 1, Gốc Sau 2 là 13 tấn, tuy nhiên các xe chở đất, đá từ các mỏ chạy ra thì tải trọng luôn xấp xỉ khoảng 50 tấn. Như vậy, đường xá, cầu cống xuống cấp đều bắt nguồn từ xe quá tải gây nên".

Đồng tình với quan điểm của người đứng đầu xã Yên Vượng về tình trạng xe quá tải đang có diễn biến phức tạp tại địa phương, người dân tại đây tỏ hoang mang, xót xa khi nhìn 3 cây cầu bị "bức tử" một cách nghiêm trọng. “Cứ cái đà để xe xấp xỉ 50 tấn lộng hành như thế này, tôi e rằng 3 cây cầu bê tông trên tuyến đường 243 sẽ bị sập trong nay mai thôi...”, đó là ý kiến của người dân xã Yên Vượng.

13t
Cầu Đèo Phiếu đứng trước nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào

Những lo ngại của người dân về tình trạng xuống cấp của 3 cây cầu nằm trên tỉnh lộ 243 là hoàn toàn có cơ sở. Bởi qua tìm hiểu, các cây cầu Giốc Sau 1, Giốc Sau 2, Đèo Phiếu đang phải chịu những trận “tra tấn” liên tục của các xe tải chở đá, khiến cả 2 bên thành cầu và dầm cầu đều hư hỏng. Điều đáng nói, các cây cầu này mới được đưa vào sử dụng khoảng 10 năm nay.

Được biết, trong gần 1 năm trở lại đây, tính trung bình mỗi tháng tuyến đường này phải “oằn mình” phục vụ hàng ngàn lượt xe tải các loại liên tục đi lại. Mỗi khi các “tập đoàn” xe tải nối đuối nhau vào ra các mỏ đá: Đạt Anh, Hoàng Khánh, Mỏ 79, Nhật Tiến... để vận chuyển đá và vật liệu xây dựng thì bụi, vụn đất, đá lại bay tung tóe, mù mịt cả một góc trời.

 “Đoạn đường này chủ yếu phục vụ cho các loại xe tải vào ra để vận chuyển đá từ các mỏ đá vôi của các công ty, chủ mỏ bên trong. Việc khai thác, buôn bán và vận chuyển đá quá tải diễn ra liên tục nên mới gây nên tình trạng cầu đường đoạn này xuống cấp như thế”, anh Nguyễn Mạnh Hồng bức xúc trước thực tế đang diễn ra tại Hữu Lũng.

IMG_8905
Người dân khốn đốn vì đường xá hỏng, cầu cống xuống cấp và bụi thì bủa vây cả ngày lẫn đêm

 Theo lời anh Hồng, người dân địa phương đã nhiều lần có ý kiến và ngăn cản các phương tiện chở đá vì gây bụi, ảnh hưởng đến đời sống của người dân hai bên tuyến đường.

 “Sau khi có ý kiến, các chủ mỏ mới chỉ giãn thời gian chạy xe, tưới nước lên đường để chống bụi. Còn việc khắc phục đường hỏng, cầu hỏng thì chưa thấy đâu?!” - Anh Hồng giãi bày.

Đi tìm hiểu nguyên nhân trên, PV Tạp chí GTVT được ông Trần Văn Cương - Trưởng phòng Kết cầu hạ tầng, Sở Giao thông vận tải tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện tượng tuyến đường bị “băm nát” và 3 cây cầu tại tỉnh lộ 243 bị xuống cấp là có thật.

Theo ông Cương, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là là do có nhiều phương tiện tham gia liên tục trên tuyến đường, chủ yếu là các phương tiện chở vật liệu xây dựng quá tải.

IMG_8913
Xe tải mang BKS 98C.042.47 chạy lặc lè trên tỉnh lộ 243 

Theo văn bản báo cáo số 09/BC-CT về việc tổng hợp kết quả đếm xe trên tuyến tỉnh lộ 243, tính bình quân 1 tháng thì có đến 960 chiếc xe tải hạng nặng, trên 700 xe tải hạng trung và hạng nhẹ, cùng hơn 3.000 phương tiện khác tham gia lưu thông, hoạt động đi lại trên tuyến đường này.

 Đại diện Sở Giao thông vận tải cũng cho biết, trước mắt Sở đã yêu cầu các chủ mỏ, các công ty khai thác, kinh doanh đá vôi trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với Sở để khắc phục một số đoạn xuống cấp do chính những doanh nghiệp này gây nên.

Đồng thời, phía Sở Giao thông vận tải cũng đã thực hiện kiểm tra thực tế để đánh giá tổng thể cho việc khắc phục sự xuống cấp của tuyến đường, trình lên UBND tỉnh Lạng Sơn để xin phê duyệt kinh phí duy tu, sửa chữa.

Theo con số ước tính sơ bộ của ông Cương, để sửa chữa, nâng cấp đoạn đường dài gần 7km trên tỉnh lộ 243 thì đơn vị phải cần tới số tiền hơn 30 tỉ đồng.

IMG_8912
Để sửa chữa tuyến đường này thì phải cần ít nhất là 30 tỉ đồng

 “Hiện ngân sách của địa phương có phần hạn chế nên chúng tôi đang chờ tỉnh báo cáo về Bộ Giao thông vận tải xin hỗ trợ kinh phí. Khi có nguồn kinh phí thì việc khắc phục mới thực hiện được” - ông Trần Văn Cương cho biết.

Như vậy, dù chính quyền địa phương đã báo cáo, đề nghị các cấp chức năng liên quan sớm khắc phục sự việc từ nhiều tháng nay nhưng đến bây giờ, mọi việc vẫn còn phải chờ cấp trên phê duyệt nguồn kinh phí, trong khi hàng ngày người dân mọi tầng lớp tại địa phương vẫn phải lưu thông qua lại trên tuyến đường xuống cấp rất nghiêm trọng này.

IMG_8924
Sau khi băm nát tỉnh lộ 243, các xe quá tải ra QL1A và xuôi về Bắc Giang

 Do đó, UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải tỉnh Lạng Sơn cần phải nhanh chóng xúc tiến việc đề nghị kinh phí để sớm hoàn thành việc khắc phục tuyến đường, phục vụ nhu cầu đi lại, tham gia giao thông chính đáng của người dân.

(Còn tiếp)

Ý kiến của bạn

Bình luận