"Xe dù" tung hoành sân bay Cát Bi: Vì sao "trên bảo, dưới không nghe"?

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 20/04/2018 15:21

Tình trạng các xe hợp đồng “ngang nhiên” lập chốt chặn, chạy "dù" diễn ra phổ biến tại cảng hàng không quốc tế Cát Bi.


 

unnamed (8)
Hãng xe Phương Huy "nằm" chờ xếp khách tại cảng hàng không quốc tế Cát Bi

Thật khó hiểu, khi những chiếc xe “trá hình” ngang nhiên lập “bến ngầm” trong khu vực sân bay quốc tế Cát Bi “chèo kéo” khách  đi các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương… tuy nhiên không thấy nhân viên an ninh hàng không cũng như các cơ quan chức năng có động thái xử lý dứt điểm.

Cảng hàng không thành “bến xe”?

Ghi nhận tại ga quốc nội – sân bay quốc tế Cát Bi, từ trong khu băng chuyền hành lý ra tới khu sân đỗ xe luôn có sự mời chào đi xe về các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương với các mức giá dao động từ 100.000 tới 300.000 đồng/người/lượt.

Các nhân viên này nhà xe giới thiệu rằng, đây là các xe “chuyên tuyến”, được các cơ quan chức năng “tạo điều kiện” cho khai thác tuyến vận tải hành khách từ sân bay đi các tỉnh.

Trong vai những hành khách vừa trên chuyến bay từ TP.Hồ Chí Minh về Hải Phòng, nhóm PV chúng tôi đã tiếp cận nhà xe Phương Huy, chuyên tuyến Cát Bi – Móng Cái (Quảng Ninh). Vừa bước chân đến ga quốc nội, chúng tôi nhận ngay được lời mời chào khách của nhân viên nhà xe này. Không khó để nhận thấy, tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Cát Bi có một số xe của Phương Huy đang chờ đón khách, việc chào khách diễn ra công khai trước “thanh thiên bạch nhật”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dưới mác xe hợp đồng và xe dịch vụ du lịch tuyến, nhà xe Phương Huy “lách luật” bằng cách thu tiền trực tiếp của từng hành ngay khi lên xe, rồi hỏi họ tên và địa chỉ của khách để điền vào danh sách trong hợp đồng.

unnamed (7)
Hoạt động chèo kéo, xếp khách diễn ra công khai ngay tại khu vực sân bay

Việc bán vé, thu tiền của khách được diễn ra ngang nhiên, công khai ngay tại khuân viên Cảng hàng không sân bay Cát Bi.

Ngoài ra, để hợp thức hóa hoạt động dừng đỗ, bắt khách tuyến cố định của mình, nhà xe Phương Huy “biến tướng” điểm đỗ xe tại sân bay có chức năng như một  bến “cóc” với đẩy đủ điểm đón, xếp chỗ và vận chuyển hàng hóa cho khách.

Để ghi nhận lại hình ảnh về hoạt động “trá hình” của nhà xe này, khoảng 11h20 phút ngày 16/4, chúng tôi tiếp cận chiếc xe ô tô loại 10 chỗ BKS 15B-031.12, thân xe ghi rõ “Hải Phòng  - Móng Cái”. Lúc này, trên xe đã có vài khách, nhân viên nhà xe lỉnh kỉnh đồ đạc cho khách. Sắp tới giờ xe lăn bánh, thấy chúng tôi có vẻ chần chừ không muốn đi xe, lái xe trấn an: “Nếu không đi chuyến này phải đợi tới 13 giờ chiều mới có xe. Ở đây không có xe nào đi Móng Cái như xe này đâu”.

Để làm lộ trình hoạt động nhà xe này, với 300 nghìn đồng, chúng tôi quyết định mua vé từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) đi Móng Cái (Quảng Ninh). Sau khi xếp đủ hành khách, chiếc xe bắt đầu khởi hành theo hướng Lê Hồng Phong -  quốc lộ 10 – quốc lộ 18.

Cũng tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, nhóm PV chúng tôi ghi lại được cảnh tượng “lạ”, mặc dù nhà xe Phương Huy là xe “trá hình” vận chuyển hành khách tuyến cố định, nhưng các nhân viên an ninh sân bay dường như làm ngơ, không hề đả động gì đến các xe “trá hình”, để mặc cho nhà xe này tung hoành ngang dọc.

unnamed (9)
Nhà xe Kết Đoàn tham gia khai thác tuyến sân bay Cát Bi đi các tỉnh Thái Bình, Nam Định

Tiếp tục làm rõ những chiếc xe “vua” chạy tuyến cố định núp bóng xe hợp đồng tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, nhóm PV Tạp chí GTVT tiếp cận hãng xe Kết Đoàn. Theo ghi nhận của chúng tôi, hãng xe Kết Đoàn  không ồn ào như nhà xe Phương Huy. Trên thân xe Kết Đoàn thể hiện đây là các phòng vé Vĩnh Bảo, Thái Bình, Nam Định… đưa đón khách đi sân bay. Khác với những chiếc xe bình thường, các xe của Kết Đoàn được bố trí một vị trí điểm đón trả khách “độc quyền” cách sảnh ga quốc nội gần 50 mét. Được biết, sở dĩ hãng xe Kết Đoàn được quyền “ưu tiên” đó là dựa vào bản hợp đồng thuê điểm đỗ được kí kết với Cảng HK quốc tế Cát Bi.

Theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, khoảng 12h30 phút ngày 16/4, chiếc xe BKS 15B-016.87 chở theo 30 hành khách cập cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Và ngay sau đó, chiếc xe này nhanh chóng di chuyển về vị trí điểm đỗ được cấp phép, tổ chức xếp khách đi Thái Bình, Nam Định. Tất cả đều diễn ra công khai, nhộn nhịp như một bến xe chính quy.

Hiện nay tại sân bay quốc tế Cát Bi thường xuyên xuất hiện các xe chở khách theo hợp đồng, nhưng thường xuyên đón khách, xác nhận đặt chỗ, thu tiền tại khu vực sân bay. Hoạt động đón trả khách từ sân bay đi các tỉnh công khai, chẳng khách gì xe khách tuyến cố định. Đáng nói, tần suất hoạt động rất dày, từ 5 giờ sáng đến 20 giờ tối hàng ngày.

Trong khi đó, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GGTVT quy định, xe chở khách theo hợp đồng và xe vận chuyển khách du lịch chỉ được thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết cho cả chuyến xe; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức...; không được hoạt động thường xuyên trên một tuyến như xe khách đăng ký chạy tuyến cố định.

unnamed (11)
Căn cứ vào bảng công bố giờ bay này, các nhà xe thường bố trí xe và nhân viên vào sân bay để chèo kéo khách

 “Phớt lờ” chỉ đạo cấp trên

Sân bay là nơi quản lý rất nghiêm ngặt các phương tiện ra vào. Các nhà xe khai thác tại đây đều có hợp đồng nhượng quyền và phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiều quy định của sân bay Nội Bài. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, các nhà xe lại ngang nhiên đón khách tại khu vực sân bay Cát Bi mà không bị phát hiện, xử lý.

Đặc biệt, thời gian qua, Thủ tướng và Phó thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã ban hành nhiều Chỉ thị, Công điện chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý dứt điểm tình trạng xe khách trá hình, “xe dù, bến cóc”. Đặc biệt là các khu vực sân bay. Song vấn nạn này vẫn không được khắc phục mà còn nhức nhối tới mức nhiều nhà xe chân chính và các hiệp hội vận tải phải gửi đơn “kêu cứu” tới Thủ tướng. Đây là điều hết sức bất thường, trái với chủ trương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển theo đúng pháp luật; thậm chí có biểu hiện của việc “trên bảo, dưới không nghe”. 

Câu hỏi đặt ra là vì sao Thủ tướng và Phó thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo, nhưng đến nay vấn nạn “xe dù, bến cóc” tại cảng hàng không quốc tế Cát Bi vẫn không được xử lý dứt điểm? Những ai phải chịu trách nhiệm trong việc này? 

Tạp chí GTVT tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn

Bình luận