Xe buýt và đường sắt đô thị:“Cặp đôi”phát triển giao thông công cộng Thủ đô

Tác giả: Hiểu Minh

saosaosaosaosao
07/04/2019 08:22

Để thực hiện mục tiêu giao thông công cộng đáp ứng 27 - 31% nhu cầu đi lại của người dân vào năm 2025, ngành giao thông Thủ đô đang hướng tới phát triển đa dạng loại hình giao thông công cộng.

 

1_125762
Ngoài xe buýt, tới đây hành khách có thể chọn ĐSĐT cho hành trình của mình

 Tối ưu hóa tính kết nối

Sau hơn 10 năm loay hoay tìm kiếm thì đến tháng 7/2017, Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm UTGT trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030” đã được HĐND TP. Hà Nội thông qua với tỷ lệ phiếu cao.

Đề án được thông qua đã giúp TP. Hà Nội có lộ trình từng bước kiểm soát phương tiện giao thông, đến năm 2030 chính thức dừng hoạt động của xe máy tại các quận. Mục tiêu của đề án này là giúp giao thông Thủ đô giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường và phát triển Thành phố theo hướng văn minh, hiện đại. Để cụ thể hóa các nội dung, Đề án đã vạch ra 41 nhóm giải pháp, trong đó có các nhóm được ưu tiên phát triển trước như: Vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ứng dụng công nghệ phát triển thành phố theo hướng “đô thị thông minh”… Với nhóm giải pháp VTHKCC sẽ thúc đẩy phát triển song song các loại hình vận tải khối lớn như đường sắt đô thị, metro, BRT và xe buýt… Tuy nhiên từ nay đến năm 2025, tầm nhìn 2030, VTHKCC bằng xe buýt được xác định vẫn là phương tiện chủ công.

Theo đó, trong tổng số 27 - 31% thị phần VTHKCC đáp ứng nhu cầu người dân vào năm 2025 thì xe buýt chiếm 18 - 19%; đến năm 2030 (năm dự kiến bắt đầu dừng hoạt động xe máy tại các quận), VTHKCC sẽ đáp ứng được 35 - 40% nhu cầu thì xe buýt chiếm 20 - 21%.

Ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC Hà Nội cho rằng, sau nhiều sự chủ động và nỗ lực, trong những năm vừa qua xe buýt Thủ đô đã đạt được những thành quả vượt bậc. Từ chỗ Thành phố còn nhiều “điểm trắng” về xe buýt, sau hơn 10 năm phát triển hiện xe buýt Thủ đô đã phủ đến tất cả các quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa không đồng bộ (giữa nội và ngoại thành), đặc biệt là về hạ tầng nên mạng lưới các tuyến buýt chủ yếu tập trung ở khu vực nội đô. Gần đây, bằng sự linh động, đơn vị vận hành đã chuyển hướng đưa được nhiều tuyến buýt ra ngoại thành để khép kín mạng.

Nếu như năm 2017 toàn Thành phố có 111 tuyến buýt thì trong lộ trình phát triển từ nay đến năm 2020, TP. Hà Nội đã cho phép buýt phát triển lên đến 150 tuyến (trung bình mỗi năm mở mới 13 tuyến, tăng 11%); lượng phương tiện từ trên 1.200 xe như hiện nay sẽ tăng lên khoảng 2.000 xe (trung bình mỗi năm đầu tư thêm khoảng 200 xe, tăng 16%).

Đến hết năm 2018, sản lượng vận chuyển hành khách của xe buýt ước đạt 804 triệu lượt hành khách/năm. Mạng lưới đã bao phủ khắp 30 quận, huyện, 438/584 xã, phường, thị trấn; xóa “vùng trắng” xe buýt trợ giá trên toàn thành phố. Song song với các tuyến buýt truyền thống, Hà Nội cũng đã đưa vào vận hành tuyến buýt nhanh BRT01 (Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã) và đang tính tới việc đưa xe buýt mi-ni vào khai thác để giải quyết nhu cầu của người dân trong các khu dân cư.

Thêm sự lựa chọn cho hành khách

Ảnh 1- Với hạ tầng đồng bộ và tập trung nhiều loại

Với hạ tầng đồng bộ và tập trung nhiều loại hình vận tải công cộng, đường Nguyễn Trãi đủ điều kiện để tổ chức thành một tuyến giao thông kiểu mẫu

 Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 xác định, mạng lưới đường sắt đô thị (ÐSÐT) đóng vai trò tạo nên bộ khung xương sống hoàn chỉnh cho hệ thống giao thông của Thủ đô, tạo cơ hội phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, văn hóa, chính trị. Đại diện Ban Quản lý ÐSÐT Hà Nội cho biết, theo quy hoạch Hà Nội sẽ có 10 tuyến ÐSÐT với tổng chiều dài 417,8km gồm 5 tuyến đi trong khu vực trung tâm, 5 tuyến kết nối đến các đô thị vệ tinh và vùng ven.

Trong số này, Bộ GTVT làm chủ đầu tư hai tuyến số 1 và 2A, còn tuyến số 2 và số 3 là do TP. Hà Nội làm chủ đầu tư. Riêng tuyến số 2A Cát Linh - Hà Ðông dài 13km đã hoàn thành 98% khối lượng xây dựng; 88% khối lượng lắp đặt thiết bị; đang chạy thử liên động toàn tuyến. Dự kiến, tuyến ÐSÐT số 2A sẽ được bàn giao về cho Hà Nội vận hành, khai thác thương mại năm 2019. 3 đoạn tuyến ÐSÐT đang làm thủ tục nghiên cứu báo cáo tiền khả thi gồm: Tuyến số 2 (đoạn Trần Hưng Ðạo - Thượng Ðình); tuyến số 5 (đoạn Văn Cao - Hòa Lạc - Ba Vì); tuyến số 3 (đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai) dài 8,7km với 8,13km đi ngầm. Các dự án đang được gấp rút chuẩn bị đầu tư, có thể đưa vào vận hành, khai thác thương mại năm 2026…

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đã có phương án chuẩn bị cho kế hoạch vận hành khi tuyến ÐSÐT đi vào hoạt động và đã báo cáo TP. Hà Nội. Bên cạnh đó, Sở đã chuẩn bị kế hoạch liên quan tới công tác tích hợp các phương tiện công cộng với tuyến ÐSÐT, trong đó phương tiện xe buýt đóng một vai trò quan trọng trong việc cung ứng và giải tỏa hành khách chính cho tuyến đường sắt.

Ðể tạo thuận lợi cho người tham gia dịch vụ này, trên hành lang tuyến đường sắt sẽ có khoảng hơn 30 tuyến xe buýt, trong đó các tuyến đầu cuối sẽ được tăng cường lượng xe. Nếu kết nối 12 ga của đường sắt với các tuyến xe buýt sẽ tăng mạnh hiệu quả đi lại của người dân. Ðồng thời, phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô... sẽ có vị trí thuận lợi để gửi xe, tạm thời có thể bố trí 8 nhà ga cho các phương tiện dừng, đỗ và sẽ mở rộng trong tương lai. Theo thiết kế, tuyến ÐSÐT này sẽ thực hiện 144 chuyến/ngày với 960 hành khách/chuyến, theo ước tính một ngày có khoảng 160 - 180 nghìn lượt hành khách sử dụng dịch vụ, gấp 10 lần tuyến BRT. Số lượng hành khách ÐSÐT dự báo tăng sẽ kéo theo khách sử dụng các phương tiện công cộng khác như xe buýt cũng sẽ tăng với tốc độ nhanh.

Các chuyên gia giao thông nhìn nhận, với những ưu điểm riêng biệt, trong tương lai gần, hai phương tiện ĐSĐT và xe buýt sẽ bổ sung cho nhau, là “cặp đôi” tăng sức tải đáng kể cũng như tính tiện dụng cho hệ thống vận tải công cộng của Thành phố, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô. Ngoài ra, ĐSĐT còn giúp cải thiện môi trường sống xanh, nâng cao chất lượng cuộc sống khi góp phần giảm bớt lượng xe cá nhân.

Ý kiến của bạn

Bình luận