Xây lại phà Rạch Miễu “chia lửa” cho giao thông đường bộ

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 08/04/2021 09:26

Những năm qua, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có rất nhiều cây cầu lớn được đưa vào sử dụng như: Cao Lãnh, Vàm Cống... Thế nhưng trên thực tế, giao thông tại đây vẫn đang còn nhiều bất cập. Trước sức ép của hệ thống giao thông lên hạ tầng đường bộ, nhiều địa phương đã phát triển giao thông đường thủy nhằm giảm tải ùn tắc và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.


dt
Phà Tân Châu - Hồng Ngự nối hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang 

Những ngày đầu năm 2021, người dân các tỉnh miền Tây không khỏi bất ngờ khi phà Rạch Miễu bắc qua sông Tiền nối hai tỉnh Bến Tre và Đồng Tháp chuẩn bị hoạt động trở lại. Trước đó, khi cây cầu Rạch Miễu được hoàn thành, người dân đã phải “tiễn biệt” một bến phà lớn đã đồng hành cùng người dân mấy chục năm qua.

Theo đó, bến phà Rạch Miễu tạm được xây dựng cách cầu Rạch Miễu khoảng 10 km về phía thượng nguồn. Bến phà sẽ kết nối từ Đường tỉnh 864 phía bờ tỉnh Tiền Giang và QL57B phía bờ tỉnh Bến Tre. Năm 2009, phà Rạch Miễu đã ngừng hoạt động và nhiệm vụ đưa khách qua sông Tiền được thay thế bởi cầu Rạch Miễu.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, lượng phương tiện di chuyển qua lại cầu Rạch Miễu tăng nhanh, dao động từ 18.000 - 24.000 lượt phương tiện trong ngày. Cùng với đó, cầu Rạch Miễu chỉ lưu thông một làn xe nên tình trạng kẹt xe tại khu vực trạm thu phí thường xuyên diễn ra.

Ông Cao Minh Đức - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bến Tre cho biết, phà Rạch Miễu quay trở lại hoạt động là phương án tối ưu nhất nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong khi chờ đợi cầu Rạch Miễu 2 được xây dựng. Hiện thời gian hành trình của mỗi chuyến phà khoảng 10 phút. Tần suất hoạt động của phà Rạch Miễu sẽ phụ thuộc vào tình hình UTGT khu vực cầu Rạch Miễu.

Phà Rạch Miễu tạm được xây dựng tại bến đò Song Thuận (nối xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang với xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), đặt cách cầu Rạch Miễu khoảng 10 km về phía thượng lưu. Tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 100 tỷ đồng do ngân sách tỉnh Bến Tre chi trả, trong đó, đầu tư phần cầu phà, đường phía tỉnh Bến Tre khoảng 70 tỷ đồng, còn lại 30 tỷ đồng đầu tư xây dựng cho phía tỉnh Tiền Giang.  

Việc đầu tư và đưa bến phà Rạch Miễu đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ giải quyết UTGT cầu Rạch Miễu và phục vụ cho tất cả các loại phương tiện có tải trọng dưới 30 tấn. Hiện tại, Tổng cục ĐBVN đã có quyết định điều chuyển 3 phà đang hoạt động ở bến phà Tân Phú về phà Rạch Miễu. Thời gian tới, UBND tỉnh Bến Tre sẽ phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh để xin thêm 1 phà 200 tấn và 2 phà 60 tấn về bến phà Rạch Miễu.

Phà Rạch Miễu sẽ miễn phí hoàn toàn cho người đi bộ và xe 2 bánh, trong khi tất cả các phương tiện còn lại sẽ thu phí bằng với mức phí đang áp dụng ở trạm thu phí cầu Rạch Miễu.

Bên cạnh việc hoạt động trở lại phà Rạch Miễu, UBND tỉnh Đồng Tháp và UBND tỉnh An Giang đã thống nhất chủ trương thực hiện dự án phà Tân Châu - Hồng Ngự. Mục tiêu của dự án là đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông qua phà trong bối cảnh lưu lượng người qua lại bến phà hiện đang tăng cao. Hiện tại, Công ty TNHH MTV Phà An Giang và Phà Đồng Tháp sẽ liên doanh để quản lý, vận hành bến phà này.

Ông Trần Trí Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự quan tâm hỗ trợ nhiệt tình của bộ, ngành Trung ương và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, trên cơ sở phát huy nội lực của tỉnh nhà. Tuy nhiên, hạn chế của địa phương là nhiều sông ngòi kênh rạch, cho nên việc phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông thủy - bộ cần được ưu tiên. Do đó, việc đầu tư và làm mới phà Tân Châu - Hồng Ngự sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao của người dân, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương.

Ý kiến của bạn

Bình luận