Xây dựng thể chế chính sách cần được chú trọng như cơ sở hạ tầng giao thông

Giao thông 24h 08/03/2014 01:36

Ngày 7/03/2014, Bộ GTVT Việt Nam phối hợp với Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, GTVT và Du lịch Nhật Bản (MLIT) tổ chức Hội thảo cấp cao về “Cơ sở hạ tầng mềm cho sự phát triển mạng lưới giao thông an toàn và hiệu quả”. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Thứ trưởng Bộ MLIT Yaichi Nakahara chủ trì Hội thảo.


Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu khai mạc Hội thảo

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Để khai thác, vận hành và sử dụng có hiệu quả các kết cấu hạ tầng giao thông, chúng ta cần có các chính sách, các quy định về quản lý khai thác, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định về an toàn cho kết cấu hạ tầng giao thông được gọi là hạ tầng mềm.

Bộ GTVT đã tích cực xây dựng và ban hành nhiều quy định, các tiêu chuẩn ngành, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cả 5 lĩnh vực ngành GTVT để trình cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn này vẫn chưa đầy đủ và hoàn chỉnh. Vì vậy, Hội thảo sẽ là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà quản lý trao đổi về cơ sở hạ tầng phần mềm nhằm phát triển mạng lưới giao thông an toàn và hiệu quả. Từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực GTVT cả về phần cứng và phần mềm. Hơn nữa, Việt Nam cũng sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm của Nhật Bản để xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, thể chế trong quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông.

Đại diện 2 đoàn Bộ GTVT Việt Nam và Bộ MLIT chụp ảnh lưu niệm

Đại diện 2 đoàn Bộ GTVT Việt Nam và Bộ MLIT chụp ảnh lưu niệm

Về cơ sở “hạ tầng mềm”, Thứ trưởng Bộ MLIT Nakahara Yaichi nhấn mạnh: “Hạ tầng giao thông càng được đầu tư mạnh mẽ thì càng phải chú trọng đến hoạt động xây dựng những thể chế, chính sách, cơ chế quản lý vận hành để phát huy được hiệu quả và sử dụng an toàn”.

Đánh giá hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành GTVT, Vụ trưởng Vụ KHCN Hoàng Hà nhận định: Các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, chuyển đổi đều được cập nhật, tham chiếu các tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới nên đảm bảo tính hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường. Mặt khác, tính hội nhập quốc tế cao nên đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế của ICAO, IMO. Do kết hợp linh hoạt giữa hệ thống TCVN và tiêu chuẩn nước ngoài nên thuận lợi cho việc triển khai các dự án với nhiều nguồn vốn khác nhau, hợp tác liên doanh sản xuất sản phẩm.

Về các vấn đề tồn tại, ông Hoàng Hà cũng thẳng thắn chỉ rõ, Bộ GTVT đã chỉ đạo rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật, hiện đại hóa để hòa nhập phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng nảy sinh do nguồn gốc xuất xứ của nước ngoài nên chưa phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, vật liệu, trang thiết bị và trình độ thi công, quản lý chất lượng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, việc nắm bắt, tiếp thu làm chủ công nghệ mới, kỹ thuật phức tạp và một số tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ mới như ITS, công nghệ thẻ vé AFC… chưa được nghiên cứu tập huấn, tiếp thu đầy đủ. Các khâu khảo sát, thiết kế, thi công chế tạo, nghiệm thu, vận hành khai thác, bảo dưỡng chưa thực sự đồng bộ. Ngoài ra, đội ngũ kỹ sư, tư vấn, cán bộ kỹ thuật chưa thật sự chủ động, linh hoạt; nhà thầu còn chưa thật sự nghiêm túc chấp hành; hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật ở một số lĩnh vực còn thiếu về số lượng và mức độ cập nhật như hệ thống tiêu chuẩn xây dựng đường sắt đô thị, giao thông thông minh; chưa có cơ quan chuyên trách cập nhật hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn…

Những bài tham luận, kinh  nghiệm của Nhật Bản được trình bày tại Hội thảo sẽ được Việt Nam nghiên cứu để áp dụng vào điều kiện thực tiễn

Những bài tham luận, kinh nghiệm của Nhật Bản được trình bày tại Hội thảo sẽ được Việt Nam nghiên cứu để áp dụng vào điều kiện thực tiễn

Tại cuộc Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia của Nhật Bản đã trình bày các tham luận về các vấn đề như: Phương pháp tiếp cận phát triển cơ sở hạ tầng mềm cho mạng lưới giao thông an toàn và hiệu quả; Tiêu chuẩn kỹ thuật toàn diện cho khảo sát, thiết kế, xây dựng và bảo trì cảng biển; VTS: Giải pháp toàn diện cho bảo đảm an toàn và hiệu quả trong hàng hải; Quản lý lưu lượng hàng không; Các kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc tái cơ cấu đường sắt quốc gia…

Việt Cường

Ý kiến của bạn

Bình luận