Xây dựng, phát triển cảng biển xanh tại Việt Nam

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
07/08/2019 20:37

Chiều 7/8, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý bộ tiêu chí về cảng xanh thân thiện với môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam, xây dựng đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam.


nghien-cuu-phat-trien-cang-bien-theo-huong-cang-xa
(Ảnh minh họa)

Báo cáo tại Hội thảo, bà Trần Thị Tú Anh – Phó trưởng Phòng Khoa học công nghệ và môi trường, Cục Hàng hải Việt Nam, đại diện nhóm nghiên cứu đề án cho biết, hiện nay, hoạt động của lưu thông của tàu thuyền và hệ thống cảng biển ở Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo xuất nhập khẩu hàng hóa và giao lưu giữa các vùng miền trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển ngày càng nhanh của nền kinh tế, số lượng tàu biển ra các cảng biển Việt Nam, đặc biệt là các cảng biển khu vực Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, và TP Hồ Chí Minh ngày một tăng, từ đó dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn về ô nhiễm môi trường tại vùng biển và vùng nước cảng biển của Việt Nam. Các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động hàng hải thực sự đã trở thành nguy cơ vô cùng to lớn đối với môi trường biển, gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái biển, hủy hoại các nguồn tài nguyên biển, gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người và góp phần không nhỏ vào biến đổi khí hậu toàn cầu.

Một cảng xanh, hay còn gọi là cảng sinh thái, đại diện cho mô hình phát triển cảng bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu của môi trường mà còn làm tăng lợi ích kinh tế của cảng. Việc đưa thuật ngữ này vào quy hoạch phát triển cảng có ý nghĩa đối với các cải tiến công nghệ trong sản xuất hiệu quả năng lượng (đổi mới công nghệ, thiết bị cải tiến mới, v.v.) cho phép phối hợp bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững. Xây dựng cảng xanh theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế đang là xu hướng chiến lược trong sự phát triển cảng biển trên thế giới.

“Chính vì vậy việc thực hiện Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam là yêu cầu cấp thiết trong thời kỳ hội nhập, hoàn toàn phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật Nhà nước về bảo vệ môi trường, sẽ góp phần to lớn cho việc xây dựng và hoàn thiện khung chính sách, pháp luật, thúc đẩy và xây dựng ý thức pháp luật về bảo vệ môi trường biển”, bà Tú Anh khẳng định.

Theo đó, mục tiêu tổng thể của đề án này là hỗ trợ bảo vệ môi trường tại cảng biển Việt Nam và hiện đại hóa hệ thống quản lý chất thải và cơ sở vật chất trong cảng biển; xây dựng hệ thống cảng xanh tại Việt Nam đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường biển và hệ sinh thái; bảo vệ cộng đồng khỏi các tác động tiêu cực từ môi trường do quá trình khai thác cảng phát sinh; đẩy mạnh tính bền vững; Sử dụng công nghệ tiên tiến để chống lại hoặc làm giảm các tác động tiêu cực tới môi trường... Hướng các cảng biển của nước ta hội nhập với quốc tế.

Tại hội thảo, Tiến sỹ luật học Nguyễn Thị Như Mai – nguyễn hàm Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ và Thạc sỹ Nguyễn Đức Thuyết – Chuyên viên Vụ Môi trường, Bộ GTVT đã trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến cho đề án về nhiều vấn đề như cấu trúc đề án, trích dẫn số liệu trong đề án, cần bổ sung những đánh giá về việc sử dụng năng lượng, rác thải tại các cảng biển hiện nay, việc xây dựng cảng biển xanh có ích lợi gì cho các doanh nghiệp đầu tư cảng…

IMG-5941
Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Hoàng phát biểu tại Hội thảo.

Kết luận Hội thảo, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Hoàng đánh giá hiện nay vấn đề bảo vệ môi trường đang rất nóng, được cả hệ thống chính trị quan tâm. Việc xây dựng cảng xanh tại Việt Nam là cần thiết nhưng để thực hiện được và thực hiện hiệu quả thì cần xây dựng theo một lộ trình cụ thể, nhóm nghiên cứu đề án cần hoàn thiện lại đề án và cần xây dựng dựng kế hoạch thí điểm tại 1-2 điểm cảng từ đó rút ra kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế để hoàn thiện.

Ý kiến của bạn

Bình luận