Xây dựng mạng lưới đường bộ Việt Nam đồng bộ - kết nối

Giao thông 24h 29/04/2017 08:58

GTVT đường bộ có vị trí trọng yếu trong hệ thống GTVT quốc gia, đóng vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ lớn nhất so với các phương thức vận tải khác. Hàng năm, 70% khối lượng hàng hóa và 90% lượng hành khách được vận chuyển bằng đường bộ. Do đó, vận tải đường bộ có ý nghĩa quan trọng nhất, phổ biến nhất, chiếm khối lượng lớn nhất trong lưu thông hàng hóa và hành khách trong nội địa.

tan vu - lach huyen 1
Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện

Theo dữ liệu thống kê từ Tổng cục ĐBVN, mạng lưới đường bộ bao gồm hệ thống quốc lộ với 21.100km, chiếm tỉ lệ 4%; đường đô thị có 26.950km, chiếm 5%; đường tỉnh 28.910km, chiếm 5,1%; đường huyện 58.430km, chiếm 10%; đường liên xã 144.670km, chiếm 25%; đường thôn xóm, đường trục nội đồng 289.790km, chiếm 51% và 741km đường cao tốc. Trong những năm vừa qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có những bước phát triển mạnh, theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng vận tải đường bộ ngày một nâng cao, bước đầu góp phần thực hiện mục tiêu GTVT đi trước một bước trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 25/02/2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định 355/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định GTVT là bộ phận quan trọng, một trong 3 khâu đột phá cần ưu tiên đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng tâm, các giai đoạn thực hiện phù hợp, theo định hướng hiện đại; đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; coi trọng công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; mục tiêu là vận tải đường bộ khối lượng vận tải hành khách chiếm 86% - 90%, vận chuyển đường bộ chiếm 65% - 70%.

Trong đó, phát triển đường bộ ưu tiên: Trục dọc - đầu tư xây dựng QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc- Nam; đầu tư một số đoạn đường bộ ven biển gắn với đê biển.

Phía Bắc: Xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc thuộc hai hành lang và một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, một số cao tốc nối Hà Nội với các khu vực…; miền Trung: Xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây, nối ven biển với Tây Nguyên và kết nối với Lào, Campuchia; phía Nam: Xây dựng các tuyến đường cao tốc khu vực TP. Hồ Chí Minh, các tuyến đường bộ nối với các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long…

Trước năm 2013, Việt Nam chỉ có 167km đường cao tốc đưa vào khai thác. Đến nay, tổng số đường cao tốc đã đưa vào khai thác là 741km, tăng hơn 4 lần; hiện nay đang xây dựng đường ô tô cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 127km, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 55km, Hòa Lạc - Hòa Bình dài 26km, Hải Phòng - Hạ Long dài 29km, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 64km và một phần của đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn mới được hoàn thành. Trong thời gian tới sẽ xây dựng đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Ninh Bình - Thanh Hóa (75km), Thanh Hóa - Hà Tĩnh (160km), Dầu Giây - Phan Thiết (98km), Phan Thiết - Nha Trang (160km)… Số vốn dành cho đường cao tốc giai đoạn đến 2020 ước tính khoảng 392.300 tỷ VND (khoảng 18 tỷ USD).

Hai tuyến đường bộ được Chính phủ ưu tiên là nâng cấp mở rộng QL1 từ Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã được đưa vào sử dụng sớm hơn dự kiến có nhiều đoạn tuyến hoàn thành trước hơn 1 năm hiện đang phát huy hiệu quả khi hàng hóa được lưu thông, tốc độ được nâng lên giao thương giữa các vùng miền được thúc đẩy, góp phần phát triển kinh tế - xã hội phát triển của từng địa phương, khu vực và đất nước.

Bên cạnh đó, các tuyến quốc lộ qua các khu vực khác như: Nam bộ đã hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng các cầu rất lớn, gồm; cầu Cổ Chiên bắc qua sông Mê Kông, cầu Mỹ Lợi. Cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh đang được xây dựng - 2 cầu rất lớn bắc qua sông Tiền và sông Hậu là 2 dòng chính của sông Mê Kông. Tuyến đường từ Đà Lạt đến Dầu Giây để đi TP. Hồ Chí Minh đã được xây dựng cơ bản hoàn thành. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã xây dựng cải tạo QL19, QL24, QL25, 26, QL27, xây dựng nút giao thông ở Đà Nẵng… Khu vực phía Bắc đã xây dựng QL7, QL8 và nhiều quốc lộ khác.

Mạng lưới đường bộ được xây dựng đồng bộ, tính kết nối, liên kết vùng được đảm bảo và GTVT có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ý kiến của bạn

Bình luận