Xây dựng đề án tổng thể: Nối thông và khai thác hiệu quả đường Hồ Chí Minh

Bạn đọc 13/06/2012 11:31

Bộ GTVT mới đây đã yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh xây dựng đề án tổng thể để đầu tư nối thông hoặc nâng cấp, cải tạo các đoạn xuống cấp, các tuyến đường ngang bảo đảm kết nối với các tuyến quốc lộ huyết mạch. Đây là việc làm hết sức cấp thiết để khai thác hiệu quả đường Hồ Chí Minh, chia sẻ gánh nặng quá tải cho QL1A.


Nguồn vốn nào để nối thông đường Hồ Chí Minh?
Theo báo cáo của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện Nghị quyết 38/2004/QH11của Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường Hồ Chí Minh và các quy hoạch tổng thể, cũng như chi tiết được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì giai đoạn 1 (2000- 2007) của đường Hồ Chí Minh từ Hòa Lạc đến Tân Cảnh đã hoàn năm 2008. Hiện nay, chỉ còn vướng một vài hạng mục do vướng GPMB và dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2012. Giai đoạn 2 (2007- 2015) nối thông 2 làn xe từ Pác Bó- Đất Mũi sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2015, trừ một số cầu lớn hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020. Hiện tại có 17 dự án đã có vốn để triển khai, còn lại 10 dự án khác chưa được bố trí vốn. Giai đoạn 3 đầu tư tuyến đường theo tiêu chuẩn cao tốc, trong đó từ năm 2012 đến năm 2020 đầu tư khoảng 313km Cam Lộ – La Sơn – Túy Loan, Đoan Hùng – Chợ Bến bằng nguồn vốn ngân sách kết hợp BT, BOT. Trong đó, tuyến Cam Lộ – La Sơn – Túy Loan đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai theo hình thức BT. Sau năm 2020 sẽ xây dựng các đoạn tuyến còn lại và hoàn chỉnh toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt.
Như vậy, mục tiêu chính của đường Hồ Chí Minh từ năm 2012 trở đi là phấn đấu hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó đến Đất Mũi theo quy mô 2 làn xe trước năm 2015 và tập trung xây dựng tuyến cao tốc theo khả năng thu xếp, bố trí được nguồn vốn.
Về các nguồn vốn đầu tư, theo ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 13.312 tỷ đồng, đã cơ bản hoàn thành và được bố trí đủ từ nguồn ngân sách và trái phiếu Chính phủ. Giai đoạn 2, tổng kinh phí là 120.724 tỷ đồng, đã bố trí đến 2015 là 10.472 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ. Hiện tại còn thiếu 110.187 tỷ đồng. Dự kiến số vốn này sẽ huy động bằng các nguồn vốn ODA, vay lãi suất thấp có bảo lãnh hoặc theo các hình thức nhà thầu ứng vốn thi công hoàn thành trước, BT, BOT. Còn với giai đoạn cao tốc và hoàn chỉnh toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt thì nhu cầu vốn khoảng 329.521 tỷ đồng.
Cần khai thác hiệu quả đường Hồ Chí Minh.
Giai đoạn 1 của dự án, đoạn từ Hà Nội đến Kon Tum đã đưa vào khai thác, bước đầu mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế – xã hội cho những địa phương có con đường đi qua. Tuy nhiên, sau thời gian đưa vào khai thác, sử dụng tuyến đường này vẫn chưa thật sự phát huy hết tiềm năng, lợi thế…
Chưa có dự án đường giao thông nào ở nước ta có quy mô lớn, chiều dài và đi qua nhiều tỉnh, thành phố với nhiều địa hình phức tạp như đường Hồ Chí Minh. Giai đoạn 1 của dự án dài 1.350 km, vốn đầu tư hơn 13.300 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Cách đây mười hai năm, ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) một trọng điểm bom đạn ác liệt trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại năm xưa, Thủ tướng Phan Văn Khải đã phát lệnh khởi công đường Hồ Chí Minh, trục đường xuyên Việt thứ hai. Với khí thế “xẻ dọc Trường Sơn”, các lực lượng thi công đã đồng loạt ra quân, “viết tiếp” kỳ tích mới trong thời bình, trên chính nền con đường đạn bom cày xới. Tuyến đường hiện đại tiêu chuẩn cấp 3 miền núi, với hai làn xe, bảo đảm lưu thông cho xe siêu trường, siêu trọng đã hiện lên nhanh chóng. Gần 1.000 km đường từ Khe Cò (Hà Tĩnh) đến Ngọc Hồi (Kon Tum) gồm 24 cây cầu lớn, 172 cầu trung đã được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2003. Trung bình mỗi ngày, các đơn vị thi công làm được gần 1 km, một kỷ lục về tiến độ của ngành giao thông.
Tại Nghệ An, đường Hồ Chí Minh dài 133 km, đi qua 29 xã của năm huyện, thị xã, đã tạo nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội trong vùng, đồng thời kết nối các tuyến tạo thành mạng lưới giao thông giữa phía Tây Nam và Tây Bắc, nối các trục dọc giữa đồng bằng và miền núi. Các vùng có tuyến đường đi qua có cơ hội khai thác tiềm năng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phục vụ chế biến; hình thành các cụm công nghiệp; kết nối các khu kinh tế cửa khẩu như Thanh Thủy, Nậm Cắn, Thông Thụ với nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Tháilan. Ngoài việc tạo cơ hội đổi đời cho người dân, đường Hồ Chí Minh còn thu hút các dự án đầu tư lớn để hình thành những khu công nghiệp như xi-măng Anh Sơn, Tân Kỳ; nhà máy chế biến gỗ ván ép hay chế biến sữa quy mô công nghiệp lớn nhất ngành nông nghiệp nước ta từ trước đến nay ở huyện Nghĩa Đàn, Thái Hòa… Trên một vùng đất rộng lớn phía Tây, đường Hồ Chí Minh đóng vai trò đắc lực trong việc quy hoạch, phân bố đất trồng cây công nghiệp, điều chỉnh cơ cấu kinh tế. Tỉnh Nghệ An đang triển khai sắp xếp lại dân cư các xã dọc đường Hồ Chí Minh, gắn quy hoạch các điểm dân cư với phát triển sản xuất. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua Nghệ An, sẽ hình thành mới ba thị trấn, bảy thị tứ và 13 điểm dân cư tập trung.
Ông Phạm Hồng Sơn – Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết: Đến nay, mặc dù mới hoàn thành giai đoạn 1 nhưng đường Hồ Chí Minh đã đáp ứng hầu hết các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đề ra khi xây dựng con đường. Đưa vào sử dụng đoạn tuyến từ Hòa Lạc đến Ngọc Hồi, cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào thuộc các tỉnh phía tây Trường Sơn đã thay đổi rõ rệt từng ngày. Hy vọng trong tương lai, khi đường Hồ Chí Minh được nối thông từ Pác Bó đến Đất Mũi, cùng hệ thống các đường ngang nối với các quốc lộ, tỉnh lộ trong cả nước và hệ thống các dịch vụ hỗ trợ được đầu tư đồng bộ, hiệu quả khai thác sẽ lớn hơn rất nhiều.
Đông Hà

Ý kiến của bạn

Bình luận