Xây dựng cảng vụ hàng hải điện tử nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng hải

02/07/2018 06:08

Chính phủ điện tử nói chung, chính quyền điện tử nói riêng đã đạt được kết quả tích cực trong công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.


ThS. NCS. BÙI VĂN MINH

Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng

PGS. TS. ĐÀO MINH QUÂN

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

TÓM TẮT: Chính phủ điện tử nói chung, chính quyền điện tử nói riêng đã đạt được kết quả tích cực trong công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Trong bài báo, nhóm tác giả đi sâu phân tích công tác quản lý nhà nước về hàng hải, thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước tại Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, từ đó đề xuất mô hình Cảng vụ điện tử cho hệ thống cảng vụ hàng hải.

Từ khóa: Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, cảng vụ hàng hải, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, mô hình quản lý, Chính phủ điện tử, Cảng vụ Hàng hải điện tử, hiệu lực, hiệu quả.

Abstract: E-government has brought great efficiency in administrative reform, improving the efficiency of administration and better serving the individuals and organizations. In this article, the authors in-depth analysis of maritime administration, the information technology application in maritime administration at Maritime Administrationof Hai Phong and propose a model of E-Maritime Administration.

Keywords: Vietnam Maritime, Viet Nam Maritime administration, Maritime Administration, Maritime Administration of Hai Phong, Administration Model, E-government, E-Maritime Administration, enforcement, effectiveness.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Vào những năm 1970 của thế kỷ trước đã diễn ra quá trình cải cách hành chính nhà nước tại các nước phát triển, với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động của Chính phủ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Từ đó, khái niệm Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, doanh nghiệp điện tử cùng với các khái niệm khác được hình thành. Chính phủ điện tử nói chung, chính quyền điện tử nói riêng đã đạt được kết quả tích cực trong công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và truyền thông, các thiết bị di động, băng rộng…, các nước đã chớp thời cơ phát triển chính phủ điện tử liên thông, đa dạng, với nhiều khái niệm khác nhau như: Chính phủ di động, chính phủ điện tử thế hệ mới, chính phủ trên mọi phương tiện [11].

Ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành các nghị định, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan nhà nước như: Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước [3]; Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008 [5]; Quyết định số 48/2009/QĐ-TTg ngày 31/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm giai đoạn 2009 - 2010 [6]; Quyết định số 1605/2010/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 [7]; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, các bộ, ban, ngành, địa phương [4] đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, cải thiện chất lượng dịch vụ công cung cấp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hướng đến phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam [11].

Không nằm ngoài chủ trương chung của Chính phủ, đồng thời cũng là xu thế tất yếu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, kết nối chung với hệ thống thông tin của Chính phủ cả nước, ngày 4/3/2013, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ra Quyết định số 503/QĐ-BGTVT phê duyệt Kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 600/BGTVT ngày 01/3/2016 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Trên cơ sở đó, Cục Hàng hải Việt Nam đã xây dựng nhiều phần mềm chuyên dụng để cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến. Hiện tại, cơ sở hạ tầng thông tin, các dịch vụ, phần mềm quản lý đang được khai thác hiệu quả tại Cục Hàng hải Việt Nam cũng như các cảng vụ hàng hải và các đơn vị trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam. Tuy nhiên, việc ứng dụng các dịch vụ, phần mềm thường theo sự thay đổi của văn bản QPPL, theo yêu cầu nghiệp vụ phát sinh, mang tính tự phát tại các đơn vị dẫn đến thiếu đồng bộ, không đồng nhất về công nghệ, không có khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng một “Chính quyền Hàng hải điện tử” nói chung, “Cảng vụ Hàng hải điện tử” nói riêng nhằm khai thác hiệu quả các lợi ích của một chính quyền điện tử mang lại, khai thác các tiềm năng công nghệ thông tin cũng như tích hợp thống nhất các dịch vụ, phần mềm và cổng thông tin trong toàn ngành; liên kết với Cổng Thông tin của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước là một nhu cầu tất yếu.

Trong phạm vi của bài báo, nhóm tác giả đi sâu phân tích nghiệp vụ quản lý, thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước tại Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, từ đó đề xuất mô hình cảng vụ hàng hải điện tử cho cảng vụ hàng hải. Nội dung bài báo bao gồm 4 mục, mục I - Mở đầu, mục II - Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng và vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, phân tích nghiệp vụ quản lý, thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước tại Cảng vụ hàng hải. Mục III - Mô hình Cảng vụ hàng hải điện tử cho Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng và mục IV - Kết luận, đó là những đánh giá và đề xuất hướng phát triển tiếp theo của mô hình.

2. CẢNG VỤ HÀNG HẢI HẢI PHÒNG VÀ VẤN ĐỀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

2.1. Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng

Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng là cơ quan trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng hải tại khu vực cảng biển Hải Phòng [1]. Cơ cấu tổ chức của Cảng vụ bao gồm ban lãnh đạo, các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ và Đại diện cảng vụ tại Cát Hải và Bạch Long Vỹ. Nhiệm vụ và quyền hạn của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng như sau [2,8]:

- Tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển cảng biển, vận tải biển, công nghiệp tàu thủy và tổ chức giám sát thực hiện trong khu vực quản lý sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt [8];

- Tổ chức thực hiện quy định về quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý; kiểm tra, giám sát luồng, hệ thống báo hiệu hàng hải, công trình hàng hải; kiểm tra hoạt động hàng hải của tổ chức, cá nhân tại cảng biển và khu vực quản lý [8];

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác tại cảng biển và các lực lượng hữu quan trong phê duyệt đánh giá an ninh cảng biển; hướng dẫn các doanh nghiệp cảng biển đánh giá an ninh cảng biển; kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch an ninh cảng biển đã được phê duyệt [8];

- Phê duyệt và tổ chức giám sát thực hiện phương án bảo đảm an toàn hàng hải [8].

- Kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch đối với các cơ sở đóng mới, sửa chữa và phá dỡ tàu biển theo thẩm quyền [8];

- Tổ chức kiểm tra giám sát việc duy tu, kiểm định cầu, bến cảng biển [8];

- Cấp phép, giám sát tàu thuyền đến, rời, hoạt động tại cảng biển và khu vực quản lý; không cho phép tàu thuyền đến, rời cảng khi không có đủ điều kiện cần thiết về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên [8];

- Thực hiện xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải; thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tạm giữ tàu biển theo quy định [8];

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hàng hải đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan [8];

- Chủ trì, điều hành việc phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển;

- Phối hợp với Bộ đội Biên phòng, các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển, các lực lượng hữu quan, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cảng trong hoạt động quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cảng biển [8];

- Tổ chức thực hiện việc đăng ký tàu biển, đăng ký thuyền viên khi được cơ quan có thẩm quyền giao [8];

- Triển khai kiểm soát tải trọng, tốc độ phương tiện tại cảng biển; kiểm tra an toàn container tại các cảng biển trong khu vực quản lý [8];

- Thực hiện giám sát giá dịch vụ hàng hải; quản lý vận tải biển; tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo và giữa các đảo được giao [8];

- Kiểm tra nhà nước cảng biển đối với tàu biển nước ngoài, kiểm tra an toàn đối với tàu biển Việt Nam và phương tiện thủy nội địa hoạt động trong vùng nước cảng biển và khu vực quản lý; điều tra, xử lý theo thẩm quyền các tai nạn hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý [8];

- Chủ trì điều phối hoạt động giao thông hàng hải tại cảng biển, khu vực quản lý và tổ chức tìm kiếm, cứu người gặp nạn trong vùng nước cảng biển; huy động người và các phương tiện cần thiết để thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn hoặc xử lý sự cố ô nhiễm môi trường [8];

- Tổ chức thực hiện công tác phòng chống thiên tai trong lĩnh vực hàng hải và phối hợp thực hiện quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu tại cảng biển và khu vực quản lý [8];

- Thực hiện công bố thông báo hàng hải và xử lý tài sản chìm đắm theo thẩm quyền [8];

- Tổ chức thực hiện thanh tra hàng hải và xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền [8];

- Quản lý bộ máy, biên chế, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Cảng vụ hàng hải theo quy định của pháp luật; xây dựng cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của Cảng vụ hàng hải báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt [8];

- Thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thu các loại phí, lệ phí hàng hải theo quy định của pháp luật; được sử dụng kinh phí từ nguồn thu phí hàng hải, từ ngân sách nhà nước và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ được giao [8];

- Xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cơ chế tự chủ tài chính, dự toán thu chi ngân sách nhà nước hàng năm và tổ chức thực hiện; quản lý, sử dụng tài sản, tài chính được giao theo quy định của pháp luật [8];

- Trực tiếp quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật [8];

- Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định [8];

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác được cơ quan có thẩm quyền giao [8].

2.2. Vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tại Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng

Nhằm đáp ứng mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ và cải cách các thủ tục hành chính trong toàn ngành Hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam hiện đã xây dựng các phần mềm, Cổng Thông tin điện tử và một số dịch vụ công trực tuyến. Qua đó, một số ứng dụng đã được triển khai tại Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng [9,10]:

- Tàu biển nhập cảnh; tàu biển xuất cảnh;

- Tàu biển hoạt động tuyến nội địa có chở hàng nhập khẩu, hàng quá cảnh hoặc có hành khách hoặc thuyền viên mang quốc tịch nước ngoài vào cảng và tàu biển nước ngoài đã nhập cảnh sau đó vào cảng biển khác của Việt Nam;

- Tàu biển hoạt động tuyến nội địa có chở hàng nhập khẩu, hàng quá cảnh hoặc có hành khách hoặc thuyền viên mang quốc tịch nước ngoài rời cảng biển và tàu biển đã nhập cảnh, sau đó rời cảng để đến cảng biển khác của Việt Nam có chở hàng nhập khẩu, hàng quá cảnh có hành khách hoặc thuyền viên mang quốc tịch nước ngoài;

- Tàu biển hoạt động tuyến nội địa vào cảng biển (bao gồm cả tàu quân sự, tàu công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động, thủy phi cơ, phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB và các phương tiện thủy khác không quy định tại các Khoản 2, 3, Điều 72 Nghị định 58/2017/NĐ-CP) và tàu biển Việt Nam đã nhập cảnh sau đó vào cảng biển khác của Việt Nam mà không chở hàng nhập khẩu, hàng quá cảnh hoặc không có hành khách, thuyền viên mang quốc tịch nước ngoài;

- Tàu biển hoạt động tuyến nội địa rời cảng biển và tàu biển Việt Nam đã nhập cảnh sau đó rời cảng biển khác của Việt Nam (bao gồm cả tàu quân sự, tàu công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động, thủy phi cơ, phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB và các phương tiện thủy khác không quy định tại Khoản 2, 3, Điều 72 Nghị định 58/2017/NĐ-CP);

- Đăng ký vận tải hành khách cố định trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo.

Cơ sở hạ tầng thông tin, các dịch vụ, phần mềm quản lý đã và đang được ứng dụng hiệu quả tại Cục Hàng hải Việt Nam cũng như tại Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng. Tuy nhiên, như đã đề cập trong mục trước, việc ứng dụng các dịch vụ, phần mềm thường theo sự thay đổi của văn bản pháp luật, theo yêu cầu nghiệp vụ phát sinh, mang tính tự phát tại đơn vị dẫn đến thiếu đồng bộ, không đồng nhất về công nghệ, không có khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng một “Cảng vụ hàng hải điện tử” nhằm tích hợp thống nhất các dịch vụ, phần mềm và Cổng Thông tin trong toàn hệ thống cảng vụ hàng hải; liên kết với Cổng Thông tin của Chính phủ, của Cục Hàng hải Việt Nam, các bộ, ban, ngành có liên quan và địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hàng hải.

3. MÔ HÌNH CẢNG VỤ ĐIỆN TỬ CHO CẢNG VỤ HÀNG HẢI HẢI PHÒNG

Mô hình tổng quát Cảng vụ Hàng hải điện tử Hải Phòng được xây dựng theo kiến trúc tập trung, hướng dịch vụ và kiến trúc phân tầng phù hợp với quy định của Bộ Thông tin - Truyền thông tại Công văn số 1178/BTTTT-THH ngày 21/4/2015 về việc ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (Hình 3.1) [12].

Untitled
Hình 3.1: Mô hình kiến trúc Cảng vụ Hàng hải điện tử Hải Phòng

Với các mô-đun chính:

- Người sử dụng: Cán bộ, công chức, viên chức của cảng vụ hàng hải, doanh nghiệp cũng như người dân;

- Kênh giao tiếp: Đảm bảo người dùng có thể giao tiếp mọi lúc, mọi nơi với Cổng Thông tin điện tử của Cảng vụ, tích hợp với Cổng Thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam, ban, ngành và các đơn vị liên quan; hỗ trợ kênh giao tiếp: điện thoại, email, fax, Cổng Thông tin điện tử…;

- Giao diện người sử dụng với hệ thống một cửa cho phép thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và kết nối với cổng dịch vụ công của Cục Hàng hải Việt Nam. Cổng Thông tin điện tử, cung cấp, quảng bá các thông tin hoạt động của ngành, phục vụ nhu cầu thông tin của công dân, các tổ chức kinh tế - xã hội, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các dịch vụ công, quản lý hành chính tại cảng vụ.

- Dịch vụ công trực tuyến: Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến như: Thực hiện các thủ tục tàu thuyền; phê duyệt phương án bảo đảm an toàn hàng hải; chấp thuận tiến hành các hoạt động trong vùng nước cảng biển và khu vực quản lý của cảng vụ hàng hải; chấp thuận cắm đăng đáy, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản trong vùng nước cảng biển; chấp thuận thực hiện sửa chữa, vệ sinh tàu thuyền hoặc thực hiện các hoạt động hàng hải khác trong vùng nước cảng biển nếu có ảnh hưởng đến phương án phòng, chống cháy, nổ; duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm; thẩm định, phê duyệt đánh giá an ninh cảng biển; công bố thông báo hàng hải về khu vực biển hạn chế hoặc cấm hoạt động hàng hải; cấp Giấy phép vận tải biển nội địa cho tàu biển nước ngoài kết nối với Cổng Thông tin điện tử Quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam.

- Các ứng dụng: Kết nối trực tiếp với hệ thống thông tin tại Cục Hàng hải Việt Nam, các cảng vụ hàng hải và đơn vị liên quan thông qua dịch vụ chia sẻ, tích hợp thông tin; tuân thủ các yêu cầu nghiệp vụ của các đơn vị chuyên môn nghiệp vụ, các yêu cầu về công nghệ và tiêu chuẩn, bao gồm: Quản lý phương tiện thủy nội địa ra/vào cảng; quản lý tàu biển ra/vào cảng; quản lý tàu biển quá cảnh; quản lý đầu tư xây dựng cảng biển, bến cảng, luồng hàng hải, công trình hàng hải…

- Cơ sở dữ liệu: Xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối với cơ sở dữ liệu của Cục Hàng hải Việt Nam.

- Nền tảng tích hợp: Tích hợp toàn bộ các hệ thống thông tin của Cảng vụ hàng hải, kết nối với nền tảng tích hợp dịch vụ quốc gia, đảm bảo kết nối thông tin với Chính phủ, Cục Hàng hải Việt Nam, các bộ, ban, ngành và địa phương.

- Hạ tầng kỹ thuật: Hệ thống mạng cục bộ (LAN), các thiết bị mạng, hệ thống máy chủ dịch vụ, hệ thống lưu trữ dữ liệu.

4. KẾT LUẬN

Chính phủ điện tử đang được triển khai bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp; nhằm khai thác hiệu quả các lợi ích của chính quyền điện tử mang lại, khai thác các tiềm năng công nghệ thông tin cũng như tích hợp thống nhất các dịch vụ, phần mềm và Cổng Thông tin trong toàn ngành; liên kết với Cổng Thông tin của Chính phủ, Cục Hàng hải Việt Nam và các ban, ngành và địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước là một giải pháp khả thi, mang tầm vĩ mô. Trong bài báo, nhóm tác giả đã phân tích nghiệp vụ quản lý, thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tại Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, từ đó đề xuất mô hình Cảng vụ Hàng hải điện tử cho Cảng vụ hàng hải. Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả mô hình Cảng vụ Hàng hải điện tử, vấn đề đặt ra trước mắt là phải có giải pháp hoạch định nguồn lực (ERP - Enterprise Resource Planning software) nhằm tích hợp các phần mềm, hạ tầng có sẵn tại Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, xây dựng trung tâm dữ liệu đủ mạnh để tập trung dữ liệu của Cục Hàng hải Việt Nam (Cảng vụ hàng hải) đảm bảo yêu cầu dùng chung cơ sở dữ liệu cũng như cơ sở hạ tầng trang thiết bị, mở rộng mạng truyền số liệu, hệ thống mạng đảm bảo kết nối, truy cập dữ liệu nhanh chóng, thuận tiện.

Tài liệu tham khảo

[1]. Bộ luật Hàng hải Việt Nam.

[2]. Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.

[3]. Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

[4]. Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

[5]. Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008.

[6]. Quyết định số 48/2009/QĐ-TTg ngày 31/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm giai đoạn 2009 - 2010.

[7]. Quyết định số 1605/2010/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015.

[8]. Thông tư số 31/2016/TT-BGTVT ngày 31/10/2016 của Bộ GTVT.

[9]. Http://www.cangvuhaiphong.gov.vn.

[10]. Http://www.vinamarine.gov.vn.

[11]. Công văn số 270/BTTTT-ƯDCNTT ngày 6/02/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

[12]. Công văn số 1178/BTTTT-THH ngày 21/4/2015 của Bộ Thông tin - Truyền thông về việc ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.

Ý kiến của bạn

Bình luận