Xác định nguyên nhân vỏ hầm Hải Vân nứt là do ngót bê tông

Thị trường 26/10/2017 09:20

Hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á có một số vết nứt do biến đổi nhiệt, co ngót bê tông, không gây nguy hiểm đến kết cấu.

 

Vỏ hầm Hải Vân nứt do co ngót bê tông
Các vết nứt trong hầm  Hải Vân 1 gây nứt sơn epoxy trên bề mặt. Ảnh: Xuân Hoa

Phía Nam hầm Hải Vân 1 (giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng) gần đây xuất hiện nhiều vết nứt đan xen nhau. Cùng thời điểm này, hầm Hải Vân 2 (bên cạnh hầm Hải Vân 1) đang được nổ mìn để thi công mở rộng.

Ngày 25/10, ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (đơn vị quản lý hầm Hải Vân 1) cho biết, qua khảo sát bằng thiết bị tự động, hiện đại của Đức cũng như đánh giá của chuyên gia Nhật Bản và Đức, các vết nứt đều nhỏ dưới 0,3 mm, không ảnh hưởng đến sự an toàn của vỏ hầm và giao thông, chỉ làm mất mỹ quan và tạo tâm lý lo ngại cho người qua hầm.

Theo ông Mai, đặc tính của phần vỏ hầm là không chịu lực và là phần lắp đặt thiết bị, tạo thẩm mỹ. Kết cấu vỏ hầm làm bằng bê tông thường nên không có khả năng chống nứt. Do đó theo thời gian và tác động của nhiệt độ, độ ẩm, gây co ngót bê tông hình thành các vết nứt. 

Trước đó năm 2016, khảo sát toàn bộ vết nứt trong hầm, các đơn vị tư vấn nước ngoài phát hiện hầm Hải Vân 1 có 8 vết nứt cần sửa chữa để tránh rủi ro về an toàn kết cấu. Đơn vị quản lý hầm đã xử lý bằng phương pháp ốp bản thép và sử dụng lưới sợi thủy tinh, được Hội đồng nghiệm thu nhà nước nghiệm thu hoàn thành vào cuối năm 2016. Đến nay, các vết nứt này chưa phát triển thêm.

Đề cập về khả năng nổ mìn thi công hầm Hải Vân 2 gây nứt hầm Hải Vân 1, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho rằng, qua 400 lần nổ mìn, đơn vị đo rung chấn khẳng định không vượt quá quy định 36 mm/s, quan trắc hầm Hải Vân 1 hàng ngày không nhận thấy có bất lợi về kết cấu.

Đánh giá về các vết nứt vỏ hầm, GS Trần Chủng (thành viên đoàn công tác Hội đồng nghiệm thu nhà nước) cho rằng, các vết nứt không bất thường, không phải do chịu lực. Vỏ hầm là bê tông, không có cốt thép nên do co ngót bê tông và biến đổi nhiệt tạo ra vết nứt. 

Theo ông Trần Chủng, bề mặt vỏ hầm Hải Vân 1 có lớp sơn epoxy tuổi thọ 5 năm song lớp keo này đã phủ được 12 năm. Vết nứt vỏ bê tông phía trong đã kéo theo vết nứt sơn epoxy bong tróc khá rộng, khiến mọi người nhầm là vết nứt to.

Ông Trần Chủng cho rằng, đơn vị quản lý cần tiếp tục theo dõi vết nứt lan rộng hay không. Nếu ổn định thì có thể thay thế lớp sơn epoxy bằng lớp gạch men để bảo vệ vỏ hầm. 

Hầm đường bộ Hải Vân 1 nối Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế được khánh thành năm 2005, tổng vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng từ nguồn ODA Nhật Bản. Hầm dài nhất Đông Nam Á này gồm một hầm chính gần 6,3 km, hầm thoát hiểm chạy song song hầm chính, hầm thông gió và 15 hầm ngang dành cho thoát hiểm.

Trước năm 2016, hầm Hải Vân do cơ quan nhà nước quản lý. Hiện nay hầm được chuyển giao cho Công ty CP Đầu tư Đèo Cả quản lý - đây cũng là nhà đầu tư xây dựng tuyến hầm Hải Vân 2.

Ý kiến của bạn

Bình luận