Xác định các yếu tố rủi ro trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng nông thôn mới tại TP. Hồ Chí Minh

13/06/2016 06:05

Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu xác định các yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến sự hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) tại TP. Hồ Chí Minh, từ đó kiến nghị một số biện pháp để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

TS. Trần Quang Phú

Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh

Người phản biện:

TS. Phạm phú Cường

TS. Lê Văn Trọng

Tóm tắt: Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu xác định các yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến sự hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) tại TP. Hồ Chí Minh, từ đó kiến nghị một số biện pháp để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Từ khóa: Yếu tố rủi ro, nông thôn mới.

Abstract: This paper presents the results of research on the influence of the risk factors affecting the completion the contruction investment projects of new countryside in HCM city. Thereby proposing a number of measures for successful implementation national program of new countryside period 2016 - 2020.

Keywords: Risk factor, new countryside.

1. Đặt vấn đề

Những năm gần đây, Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo và triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng NTM trong phạm vi cả nước và đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện (2010 - 2015), TP. Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành Chương trình xây dựng NTM. Thành phố đã có 54/56 xã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM; 50/56 xã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí NTM đặc thù vùng nông thôn TP. Hồ Chí Minh; 3 huyện: Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận huyện NTM.

Trong Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình NTM tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều nguyên nhân của những thành công và tồn tại khi triển khai thực hiện chương trình đã được các cơ quan công luận, các nhà quản lý chỉ ra. Tuy nhiên, cần thiết có những nghiên cứu có tính khoa học, thông qua khảo sát thực tiễn với quy trình nghiên cứu phù hợp nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực (yếu tố rủi ro) đến sự thành công của các dự án đầu tư xây dựng thuộc chương trình NTM.

Đã có nhiều nghiên cứu về rủi ro trong đầu tư xây dựng trong và ngoài nước nhưng rủi ro về đầu tư xây dựng các dự án thuộc chương trình NTM thì chưa được quan tâm đúng mức. Việc xác định được các yếu tố rủi ro trong quá trình thực hiện giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn và các cơ quan quản lý có thể nhận diện, chuẩn bị phòng ngừa, đề xuất biện pháp khắc phục và giảm nhẹ rủi ro nhằm đảm bảo việc thực hiện thành công các dự án đầu tư xây dựng thuộc chương trình NTM.

Bài báo trình bày kết quả của một nghiên cứu nhằm nhận dạng và phân tích các yếu tố rủi ro trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng NTM tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2015.

2. Phương pháp và quy trình nghiên cứu

Quy trình nghiên cứu bao gồm các bước sau:

1
Hình 2.1: Quy trình nghiên cứu

 

Thiết kế bảng khảo sát thử nghiệm, khảo sát thử nghiệm và phân tích kết quả bằng phần mềm SPSS 18. Căn cứ vào kết quả kiểm định thang đo, loại bỏ các yếu tố không phù hợp, hoàn thiện bảng câu hỏi và tiến hành khảo sát chính thức.

3. Phân tích dữ liệu

Khảo sát thử nghiệm được tiến hành với bảng câu hỏi gồm 22 yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến thực hiện dự án đầu tư xây dựng NTM. Sau khi tham khảo một số chuyên gia đã và đang tham gia thực hiện đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn các huyện Hóc Môn, Củ Chi và Nhà Bè, 20 yếu tố rủi ro phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu được xác định. Bảng câu hỏi chính thức phát hành gồm 20 yếu tố với mẫu được chọn theo thuận tiện.

- Đối tượng khảo sát: Đối tượng tham gia khảo sát bao gồm những người đã và đang trực tiếp tham gia dự án đầu tư xây dựng NTM như: Chủ đầu tư, Ban QLDA NTM, tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công…

- Phương pháp thu thập dữ liệu: Thực hiện bằng 3 phương pháp.

 + Phỏng vấn bán cấu trúc;

 + Gửi bảng câu hỏi trực tiếp;

 + Gửi bằng thư điện tử.

- Kích thước mẫu: 206 phiếu được gửi cho các đối tượng khảo sát.

Tổng số phiếu thu về 167, số phiếu được kiểm tra hợp lệ là 150 phiếu với cơ cấu đối tượng khảo sát như sau: 17,3% đối tượng quản lý nhà nước; 28,7% đối tượng là chủ đầu tư/Ban QLDA; 22,7% đối tượng thuộc các đơn vị tư vấn và 31,3% đối tượng là nhà thầu thi công.

Thống kê mô tả và các kiểm định thống kê được thực hiện bằng phần mềm SPSS.

- Kết quả kiểm định cho thấy, các nhóm yếu tố có hệ số Cronbach Alpha đạt từ 0,7 trở lên và các biến quan sát trong từng nhóm có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0,3 nên thang đo đạt được độ tin cậy, đảm bảo điều kiện để tiếp tục thực hiện phân tích nhân tố ở phần sau.

Phân tích nhân tố khám phá (EFA), kết quả phân tích cho thấy: KMO = 0,630 thỏa mãn điều kiện 0,5 ≤ KMO ≤ 1; phân tích nhân tố phù hợp Sig = 0,00<0,05.

Dựa vào kết quả xoay trong bảng tính, nhận thấy các biến quan sát đều có hệ số tải nhân tố lớn hơn 0,5. Như vậy, kết quả thu được đều thỏa mãn các điều kiện về thống kê, cho thấy giá trị thu được là phù hợp và có ý nghĩa thống kê.

Tiến hành phân tích hồi quy đa biến với 5 nhóm nhân tố được đặt thành các biến trong phương trình hồi quy như sau: Chủ đầu tư (X1), tư vấn (X2), thi công (X3), cung ứng (X4) và cộng đồng địa phương (X5).

Thông qua kết quả phân tích hồi quy và đánh giá sự phù hợp của mô hình hồi quy, ta thấy mối quan hệ giữa biến phụ thuộc “Các yếu tố rủi ro ảnh hưởng trong giai đoạn thực hiện đầu tư dự án NTM” và 5 nhân tố được hồi quy như sau:

Y = 0,006 + 0,359X1 + 0,179X2 + 0,156X3 + 0,172X5 + 0,147X4

Tương ứng:

Rủi ro dự án = 0,006 + 0,359 chủ đầu tư + 0,179 tư vấn + 0,156 thi công + 0,172 cộng đồng + 0,147 cung ứng.

Nếu không có các nhóm nhân tố tác động thì rủi ro ảnh hưởng trong giai đoạn thực hiện đầu tư dự án NTM là 0,006, điều này có nghĩa là ngoài các nhân tố này thì vẫn có những yếu tố khác ảnh hưởng đến rủi ro trong giai đoạn thực hiện đầu tư dự án NTM. Cho dù sự ảnh hưởng này là không nhiều. 

Kết quả thống kê cho thấy, việc đánh giá về rủi ro của các đối tượng được khảo sát đối với các nhân tố được liệt kê ở mức cao với điểm số trung bình đánh giá đều lớn hơn 3 (Bảng 3.1).

Bảng 3.1. Đánh giá rủi ro dựa trên trung bình của các biến độc lập

2

 

4. Phân tích các yếu tố rủi ro chính ảnh hưởng đến sự thành công của dự án

Có thể nhận thấy các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong chương trình NTM tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2015 có khá nhiều rủi ro đã xuất hiện hoặc còn tiềm ẩn trong giai đoạn thực hiện dự án. Do khuôn khổ của bài báo, chúng tôi xin phân tích một số yếu tố rủi ro chính.

Số đông người được phỏng vấn đánh giá rủi ro về “DT1: Đề án phê duyệt không phù hợp” là cao nhất với Mean = 3,82 là phù hợp với thực tế diễn ra tại khá nhiều địa phương trong giai đoạn vừa qua, các địa phương do chạy theo thành tích mà đề xuất hàng loạt dự án không phù hợp với nhu cầu thiết yếu thực tế tại địa phương dẫn đến không phát huy được hiệu quả, đồng thời cũng làm tăng gánh nặng ngân sách do“nguồn vốn phân bổ không đủ và không kịp thời (DT2, 3.76)”.

Trong nhóm nhân tố chủ đầu tư,yếu tố DT3: Năng lực của BQL/Ban giám sát cộng đồng cũng được đánh giá ở mức độ rủi ro cao với Mean = 3,72. Ban quản lý xây dựng NTM được UBND cấp xã thành lập, gồm 01 trưởng ban, thường là chủ tịch UBND xã,  01 phó ban thường là phó chủ tịch UBND xã, 01 cán bộ quản lý dự án và 01 cán bộ thanh toán. Ban quản lý thay mặt chủ đầu tư triển khai dự án, trình phê duyệt dự án, ký kết hợp đồng, bàn giao mặt bằng, vận động giải phóng mặt bằng, nghiệm thu thanh quyết toán... Năng lực chuyên môn của nhân viên Ban QLDA là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thành công hay thất bại của một dự án NTM. Đây là một mắt xích yếu trong quy trình quản lý các dự án xây dựng NTM.

Ban giám sát cộng đồng là đặc thù của dự án NTM, gồm đại diện cộng đồng dân cư địa phương được thành lập để theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư nhằm phát hiện các việc làm vi phạm quy định để kịp thời ngăn chặn và xử lý tránh gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, xâm hại lợi ích của cộng đồng. Đây là hình thức kiểm soát tốt, cần phát huy với điều kiện có quy chế và điều lệ hoạt động rõ ràng, nếu không sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Một yếu tố cũng được đánh giá có mức rủi ro cao, tần suất lớn là “ĐP1: Đóng góp của cộng đồng (ngày công, đất xây dựng…)” với Mean = 3,80. Đây là yếu tố mang tích đặc thù đối với địa phương có mức độ đô thị hóa cao như TP. Hồ Chí Minh. Việc tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất mở rộng đường, xây dựng các công trình phúc lợi (phần đóng góp của cộng đồng - ngoài ngân sách nhà nước) là rất khó khăn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn kinh phí và tiến độ thực hiện dự án.

Trong nhóm nhân tố cộng đồng địa phương,yếu tố“ĐP2: Phản ứng tiêu cực của cộng đồng” với Mean = 3,56.Khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng phản ứng của cộng đồng dân cư rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công hay thất bại của dự án, nhất là các dự án NTM đòi hỏi sự hợp tác giữa cộng đồng dân cư địa phương rất cao vì mục tiêu của dự án NTM là Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Đại diện cho nhóm nhân tố các Nhà thầu, yếu tố TC2: Chậm tiến độ thi công” với Mean = 3,80 cho thấy vấn đề chậm tiến độ (thiết kế, thi công…) luôn là yếu tố rủi ro thường trực, được các đối tượng khảo sát nhận diện với mức độ cao khi đánh giá rủi ro các dự án đầu tư xây dựng, trong đó có dự án đầu tư xây dựng NTM. Yếu tố  “TC4: Thiếu trách nhiệm trong bảo hành công trình”, với Mean = 3,68 cũng cho thấy những vấn đề đáng báo động trong việc thực hiện quản lý, bảo hành tại các  dự án đầu tư xây dựng NTM.

5. Đề xuất một số biện pháp khắc phục và giảm nhẹ rủi ro

Dựa trên phân tích các yếu tố rủi ro chính ở trên, một số biện pháp được đề xuất để góp phần kiểm soát và hạn chế rủi ro xảy ra như sau:

- Biện pháp hàng đầu là thực hiện cuộc tuyên truyền vận động sâu rộng tại các địa bàn dân cư về thực hiện đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân, thực hiện họp tổ dân phố hàng tháng, quý để thông báo tình hình thực hiện dự án của địa phương cũng như các khó khăn vướng mắc cần có sự giúp đỡ của cộng đồng. Phải làm cho người dân thấy được hiệu quả của dự án gắn liền với lợi ích của cộng đồng, của người dân.

- Biện pháp thứ hai là việc quyết định, lựa chọn một cách khoa học, sát thực tế với từng địa phương những dự án thật sự cần thiết, mang lại hiệu quả tức thì ưu tiên thực hiện trước trong quá trình triển khai xây dựng NTM; hoàn thiện đề án xây dựng NTM đảm bảo chất lượng, gắn liền với điều kiện, tập quán của người dân, phù hợp với định hướng phát triển KTXH tại địa phương.

- Tiếp tục đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cho xây dựng nông thôn, đặc biệt là cán bộ cấp xã; hoàn thiện cơ chế quản lý trong lĩnh vực ĐTXD cho các dự án mang tính đặc thù thuộc chương trình NTM về cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, giao quyền tự chủ mạnh hơn cho công đồng địa phương; mạnh dạn phát huy vai trò của Ban giám sát cộng đồng trên nền tảng cơ chế, điều lệ tổ chức rõ ràng.

- Nghiên cứu đổi mới một số chính sách, cơ chế chưa phù hợp nhằm mục tiêu tăng huy động nguồn lực của toàn xã hội, của chính người dân tại địa phương cho xây dựng NTM; khuyến khích giao cho thôn, bản và cộng đồng dân cư thực hiện những công trình, dự án để nâng cao tính chủ động, trách nhiệm và vai trò của người dân trong triển khai thực hiện chương trình.

6. Kết luận

Thông qua nghiên cứu định lượng đã nhận dạng được 5 nhóm yếu tố và xác định được một số yếu tố có độ rủi ro cao ảnh hưởng đến sự thành công trong việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng thuộc chương trình NTM tại TP. Hồ Chí Minh.

Phân tích định tính đã góp phần luận giải sự tác động và mức độ rủi ro có thể xảy ra bởi các yếu tố: Sự phù hợp của dự án; đóng góp của cộng đồng; năng lực của Ban quản lý/Ban giám sát cộng đồng; nguồn vốn phân bổ không đủ và không kịp thời; phản ứng tiêu cực của cộng đồng; chậm tiến độ thi công và thiếu trách nhiệm trong bảo hành là phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính thời sự và có tính khoa học.

Phạm vi nghiên cứu được áp dụng cho các dự án xây dựng NTM tại các huyện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Các nghiên cứu tiếp theo có thể khảo sát, phân tích mở rộng đối với các dự án xây dựng NTM trên địa bàn cả nước.

Tài liệu tham khảo

[1]. Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

[2]. Sổ tay hướng dẫn thực hiện đề án nông thôn mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2011.

[3]. Phạm Hà (2011), Xây dựng nông thôn mới: hướng đi mới cho Quảng Ninh, Tạp chí Nông nghiệp, số ngày 30/11.

[4]. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS 1&2, NXB. Hồng Đức.

Ý kiến của bạn

Bình luận