Vốn hóa Boeing 'bốc hơi' 25 tỷ USD sau tai nạn máy bay ở Ethiopia

Doanh nghiệp 15/03/2019 16:55

Từ khi vụ tai nạn của Ethiopian Airlines xảy ra, giá cổ phiếu của Boeing đã giảm tổng cộng hơn 10%.

4d2e17131ac5478f9501af4efb0e08c5
Giá cổ phiếu Boeing 'bốc hơi' hơn 10% từ khi chiếc 737 Max của Ethiopian Airlines gặp nạn. Ảnh: Getty.

Ngày 13/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tạm thời cấm bay với dòng máy bay 737 Max của Boeing. Nhà sản xuất máy bay Mỹ cũng đưa ra thông báo tạm thời dừng hoạt động của dòng máy bay này với lý do "hết sức thận trọng và để khiến công chúng an tâm" nhưng vẫn khẳng định "tin tưởng hoàn toàn vào sự an toàn của 737 Max".

Ngay sau khi thông báo của Tổng thống Trump được chính thức phát đi, giá cổ phiếu của Boeing ngay lập tức giảm 3%. Dù kết thúc phiên giao dịch ngày 13/3, cổ phiếu của Boeing tăng nhẹ trở lại nhưng từ khi vụ tai nạn của Ethiopian Airlines xảy ra, giá cổ phiếu của Boeing đã giảm hơn 10%. Kết quả là hơn 25 tỷ USD vốn hóa của nhà sản xuất máy bay Mỹ đã “bốc hơi”.

Dù cuộc điều tra vụ tai nạn ở Ethiopia vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng, các cơ quan chức năng đã thông báo tìm thấy một vài điểm tương tự giữa tai nạn hôm 10/3 và vụ máy bay của Lion Air rơi xuống vùng biển Indonesia tháng 10 năm ngoái. Toàn bộ 356 người trên hai chuyến bay sử dụng 737 Max đều thiệt mạng.

“Chúng tôi thấy một cách rõ ràng hơn rằng máy bay của Ethiopian Airlines có đường bay khá giống và phản ứng một cách tương tự máy bay Lion Air”, Dan Elwell, quyền cục trưởng Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) nói, so sánh vụ tai nạn ngày 10/3 với vụ tai nạn ở Indonesia cách đây 5 tháng.

Thông tin điều tra cho thấy các phi công lái chuyến bay gặp nạn của Lion Air đã phải vật lộn để giành quyền điều khiển máy bay sau khi mũi máy bay chúi xuống vì hệ thống an toàn tự động. CEO của Ethiopian Airlines mới đây cũng tiết lộ với CNN phi công trên chuyến bay xấu số của hãng cũng đã gặp vấn đề để điều khiển máy bay trước khi chiếc 737 Max rơi.

Khi Mỹ chính thức gia nhập vào danh sách các nước cấm bay với 737 Max, giá cổ phiếu của ba hãng hàng không lớn ở nước này đang biên chế 737 Max trong đội bay là American Airlines, Southwest và United cũng giảm nhẹ nhưng nhanh chóng phục hồi. Rất có thể Boeing sẽ bồi thường cho phần doanh thu bị ảnh hưởng của ba hãng trên khi phải sắp xếp lại đội bay.

Năm 2013, Boeing cũng từng phải yêu cầu dừng hoạt động đối với dòng máy bay 787 Dreamliner vì lỗi pin. Khi đó, nhà sản xuất máy bay Mỹ đã đền bù phần thiệt hại cho các hãng hàng không trong thời gian 3 tháng phải dừng khai thác 787 Dreamliner.

Hôm qua, CEO của hãng bay Norwegian Air của Na Uy cũng tuyên bố sẽ yêu cầu Boeing chi trả phần thiệt hại doanh thu do phải đình chỉ bay 18 chiếc 737 Max.

Hiện, ít nhất 50 nước đã yêu cầu ngưng hoạt động hoặc cấm ra vào không phận đối với toàn bộ máy bay 737 Max. Trong diễn biến mới nhất, sáng 14/3, Hàn Quốc thông báo cấm các hãng hàng không nước này nhận bàn giao máy bay 737 Max mới khi các vấn đề an toàn chưa được làm rõ.

Ý kiến của bạn

Bình luận