Vốn cho đường thủy nội địa: Đã thiếu lại gặp khó khăn

Tác giả: Khánh Lê

saosaosaosaosao
Thị trường 28/08/2017 07:02

Đầu tư cho đường thủy lâu nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, việc khai thác, duy tu bảo dưỡng thường xuyên vẫn chỉ dựa vào điều kiện tự nhiên. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì vốn vẫn luôn là bài toán khó đối với ngành Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) nói riêng và ngành GTVT nói chung.

 

DSC09582-01.

Mục tiêu phát triển của ngành ĐTNĐ đến năm 2020 về vận tải phải đảm nhận 17% lượng hàng hóa, 4,5% khối lượng vận tải hành khách của toàn Ngành; tốc độ tăng trưởng bình quân phải đạt 8%/năm về tấn và 8,5% về T.Km, 2,5% về hành khách và 3,4% về hành khách.Km; tương ứng với 356 triệu tấn hàng hóa và 280 triệu lượt hành khách. Khối lượng luân chuyển hàng hóa năm 2020 phải đạt 77.640 triệu tấn.Km, hành khách đạt 6.000 triệu lượt hành khách.Km.

Về kết cấu hạ tầng gồm có 45 tuyến vận tải thủy chính, trong đó khu vực miền Bắc có 17 tuyến, khu vực miền Trung có 10 tuyến và khu vực phía Nam có 18 tuyến. Bên cạnh đó, tuyến ven biển từng bước phát triển để khai thác lợi thế tự nhiên, trước mắt sẽ khai thác vận tải phù hợp với thông số kỹ thuật luồng cửa sông trong điều kiện hiện trạng. Về lâu dài sẽ cải tạo, chỉnh trị các luồng cửa sông đảm bảo có độ sâu chạy tàu tương ứng với cấp kỹ thuật của luồng tàu trong sông, tiến tới xây dựng hoàn chỉnh hệ thống luồng cửa sông đáp ứng nhu cầu vận tải ven biển, đi kèm là hệ thống cảng bến với 66 cảng khu vực phía Bắc, 7 cảng khu vực miền Trung và 56 cảng tại khu vực miền Nam...

Giải pháp chính sách huy động nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng gồm 2 nguồn chính là từ nguồn ngân sách và nguồn ODA. Phát biểu mới đây tại cuộc họp giữa Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Bộ GTVT, ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng Cục ĐTNĐ cho biết, chúng ta hiện có 80.000km sông, kênh, trong đó có 40.000km có khả năng khai thác vận tải nhưng chúng ta mới chỉ khai thác 26.000km, chiếm 65%. Trong đó, các tuyến sông Trung ương dài 7.000km, tuyến địa phương dài 19.000km và phần lớn được khai thác tự nhiên là chính. Đầu tư cho đường thủy là rất ít, trong giai đoạn từ năm 2002 đến nay “rất may” chúng ta có vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tư 11.000 tỷ vào kết cấu hạ tầng đường thủy, cải tạo 2.300km ĐTNĐ.

Trong khi đó, vốn đầu tư của ngân sách nhà nước cho ĐTNĐ chỉ chiếm từ 0,7 - 01% trong tổng số vốn Nhà nước đầu tư cho GTVT nói chung. Theo thống kê, ĐTNĐ hiện đang vận chuyển khoảng 17% thị phần vận tải hàng hóa, như năm 2016 ĐTNĐ đã vận chuyển được 210 triệu tấn. Căn cứ vào chiến lược phát triển GTVT ĐTNĐ đến năm 2020, chúng ta phải đạt thị phần 20%, tương ứng sản lượng hàng hóa 400 triệu tấn, lượng hàng hóa liên tỉnh vận tải 32%, hiện mới được 26%.

Đến năm 2020, vốn cho ĐTNĐ cần 30.000 tỷ đồng, trong đó 40% nguồn vốn huy động từ nguồn xã hội hóa để đầu tư cho hệ thống cảng bến, còn lại luồng tuyến dùng nguồn ngân sách nhà nước, nhưng đến nay tình hình đầu tư cho ĐTNĐ không được nhiều.

Trong bối cảnh khó khăn về vốn bố trí cho ngành GTVT hiện nay (đối với vốn trung hạn chỉ đáp ứng 31% nhu cầu), trong các báo cáo của Cục ĐTNĐ gửi Bộ GTVT cũng như Bộ GTVT trình Chính phủ về nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT đề xuất phương án 12 nghìn tỷ đồng cho 14 dự án ưu tiên của ngành ĐTNĐ nhằm đảm bảo tính kết nối và duy trì đầu tư của Ngân hàng Thế giới (WB) đối với chúng ta, đảm bảo khai thác hiệu quả, trong đó ưu tiên bố trí vốn để đầu tư các dự án có tính kết nối nhằm phát triển đồng bộ cũng như phát huy hiệu quả các dự án đã được đầu tư như dự án WB5, WB6. Các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến huyết mạch có tính kết nối vùng miền và có lưu lượng vận tải cao (kênh Chợ Gạo, Ninh Bình - Thanh Hóa, Hành lang đường thủy số 2 đoạn từ Quảng Ninh - Ninh Bình, Vạn Gia - Kalong, Việt Trì - Yên Bái, nâng cao tuyến vận tải trên sông Đồng Nai, vùng hồ Hòa Bình...); đầu tư các dự án nhằm phát triển vận tải đa phương thức (dự án phát triển logistics khu vực phía Nam...); ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp các cửa sông để cho các phương tiện vận tải ven biển lưu thông vào trong sông (dự án cải tạo cửa Đáy, cửa Trà Lý, cửa Cổ Chiên, cửa Gianh...); đầu tư nâng cấp các cảng đầu mối để tiếp nhận hàng hóa cũng như kết nối với hệ thống đường bộ, đường sắt.

Tiềm năng vận tải ĐTNĐ như giá rẻ, bảo vệ môi trường bền vững, nhiều nước có thế mạnh vận tải thủy giống nước ta như: Hà Lan, Ấn Độ, Bỉ... thì thị phần vận tải rơi vào khoảng 40%, để đạt được yêu cầu đó thì ngành ĐTNĐ rất cần được quan tâm đầu tư cho xứng với tiềm năng 

Ý kiến của bạn

Bình luận