Vietnam Airlines sẽ giảm vốn nhà nước xuống còn 65%

Tác giả: Hà Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 06/08/2015 16:31

VNA cũng đưa ra các giải pháp đưa vào khai thác đội bay thế hệ mới, bao gồm các máy bay Airbus A350 và Boeing 787...

 

1
Bộ trưởng Đinh La thăng (ghế chủ tọa) tại buổi họp với VNA

Ngày 4/8, tại Bộ GTVT đã diễn ra cuộc họp giữa Bộ và đại diện Vietnam Airlines (VNA) liên quan đến kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.

Trình bày về các giải pháp nâng cao năng lực tài chính, VNA đã tiến hành cổ phần hóa Công ty Mẹ nhằm tăng vốn chủ sở hữu, thông qua việc hoàn thành IPO năm 2014 và thu về 1.292 tỷ đồng. VNA đã thực hiện bán cổ phần chiến lược cho các nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời phát hành thêm khoảng 6.000 tỷ đồng cổ phiếu trong năm 2016 nhằm tăng vốn đầu tư đội bay.

Ngoài ra, VNA cũng đưa vào khai thác đội bay thế hệ mới, bao gồm các máy bay Airbus A350 và Boeing 787 nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, VNA cũng ký hợp đồng bảo dưỡng trọn gói các máy bay theo giờ bay để kiểm soát và tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, nâng cao công tác quản lý điều hành bay, tăng năng suất lao động và hiệu quả sử dụng đội bay.

Theo kế hoạch 5 năm đề ra, VNA sẽ tiến hành cấu trúc lại vốn, tài sản và vay nợ, thực hiện SLB (bán rồi thuê lại) đối với 3 máy bay A350, cơ cấu lại danh mục đầu tư tài chính, tiếp tục thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Điều chỉnh nhu cầu vốn đầu tư từ 16.700 tỷ đồng xuống còn 1.103 tỷ đồng.

Nằm trong trọng tâm kế hoạch 5 năm tới, đại diện VNA cho biết, hãng sẽ tiến hành đơn giản hóa cơ cấu đội tàu bay đến hết năm 2020, với 4 mẫu máy bay đối với dòng 280-300 ghế, 1 mẫu máy bay đối với dòng 150 - 180 và 70 ghế. Số tàu bay còn thiếu so với nhu cầu sẽ được bổ sung bằng tàu bay thế hệ mới cùng chủng loại.

Dựa trên kế hoạch 5 năm tới, VNA cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ để hãng hoàn tất các cơ chế bảo lãnh cho các Hợp đồng mua máy bay thuộc các dự án đầu tư đã được Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, VNA cũng kiến nghị Chính phủ cho phép hãng áp dụng cơ chế để lại 50% lợi nhuận sau thuế từ năm 2016 – 2020, nhằm bổ sung vốn có chủ sở hữu của Tổng công ty theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, đồng thời cho phép phát hành cổ phiếu năm 2016 với trị giá 6.000 tỷ đồng.

Đối với các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, VNA có kiến nghị với Bộ GTVT về việc nhanh chóng xử lý tình trạng tắc nghẽn đường làn để tiết kiệm chi phí cho các hãng hàng không tại 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, đồng thời nâng khả năng tiếp nhận tàu bay tại 2 sân bay trên, có các biện pháp xử lý linh hoạt nhằm áp dụng cho các giờ bay cao điểm.

Dựa trên báo cáo và các đề nghị của VNA, Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng tình và đánh giá cao phần lớn kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sắp tới của VNA, đồng thời yêu cầu các Cục, Vụ liên quan trao đổi thêm với VNA để tiếp tục cập nhật thêm số liệu, đặc biệt là vốn chủ sở hữu cần phải có sự tính toán lại hợp lý các dữ liệu trước khi trình Thủ tướng Chính Phủ.

Về phương thức huy động vốn của VNA, Bộ trưởng đồng tình với các biện pháp do VNA đưa ra và yêu cầu Vụ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành các thủ tục phê duyệt kế hoạch 5 năm của VNA theo đúng quy định của Chính phủ ban hành. Vụ Quản lý doanh nghiệp cần tham gia giám sát khả năng đầu tư, thể trạng tài chính và các rủi ro tiềm năng liên quan đến VNA.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ Quản lý doanh nghiệp trực tiếp giám sát tình hình đầu tư tài chính của VNA nhằm đảm bảo rủi ro và hiệu quả kinh doanh. VNA cần phải khẩn trương đàm phán với các nhà đầu tư, qua đó cố gắng điều chỉnh giảm tỉ lệ vốn nhà nước xuống còn 65% trong năm 2015 theo kế hoạch đưa ra; tập trung nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tái cơ cấu nhằm gia tăng sức cạnh tranh đối với các hãng hàng không khác.

Đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Bộ trưởng yêu cầu sự khẩn trương trong công tác đảm bảo và nâng cấp cơ sở vật chất của 2 sân bay lớn là Tân Sơn Nhất và Nội Bài, nhằm tăng khả năng lưu thông của các máy bay trên vùng trời và dưới đường băng. 

Ý kiến của bạn

Bình luận