Vietjet muốn tiếp nhận máy bay bị 'bỏ rơi' ở Nội Bài

Xã hội 04/11/2019 14:39

Vietjet muốn sử dụng Boeing 727-200 của hãng Royal Khmer Airlines để phục vụ đào tạo, huấn luyện chuyên ngành.

 

1
Máy bay Boeing 727 của hãng hàng không Campuchia bị bỏ lại sân bay Nội Bài. Ảnh: Đoàn Loan.

Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air) vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho Học viện Hàng không Vietjet được tiếp nhận tàu bay bị bỏ lại ở Nội Bài. Nếu được đồng thuận, hãng sẽ lên kế hoạch tiếp nhận và đền bù chi phí ở mức hợp lý. Ngược lại, nếu tàu bay trên được định giá quá cao, hãng sẽ phải tìm phương án khác thay thế vì cần sửa chữa lại mới có thể sử dụng cho việc đào tạo.

Theo Vietjet chiếc tàu bay trên là học cụ quý trong công tác đào tạo, huấn luyện các chuyên ngành hàng không đặc thù như: kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, phi công, tiếp viên hàng không...

Trao đổi với PV, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đã nhận được văn bản đề nghị của Vietjet. Tuy nhiên, ngoài hãng này thì còn khá nhiều đề xuất từ các đơn vị khác. Do đó, Bộ sẽ rà soát lại hết các đề nghị của doanh nghiệp, xem xét và trình Thủ tướng chỉ đạo.

Trước đó, một doanh nghiệp ở Hà Nội muốn đổi hàng hóa lấy chiếc máy bay để làm quán cà phê, nhà hàng, địa điểm vui chơi... nhưng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng không có cơ sở pháp lý để trao đổi máy bay bằng hàng hóa trị giá 3 tỷ đồng nên từ chối.

Cục Hàng không Việt Nam cũng từng nhờ một doanh nghiệp thẩm định giá chiếc máy bay Boeing 727 bị bỏ rơi ở sân bay Nội Bài nhưng gặp rất nhiều khó khăn do không có đủ hồ sơ, tài liệu nên cuối cùng định giá 1,7 tỷ đồng. Đến nay, sau 12 năm, Cục Hàng không Việt Nam vẫn chưa quyết định phương án xử lý.

Trong khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp chuyên kinh doanh mua bán tàu, máy bay cũ ở TP HCM đánh giá, nếu dùng để bán phế liệu công ty ông sẵn sàng mua lại với giá 4 tỷ đồng. Vị này cũng cho biết, các vật liệu trên máy bay là hàng tốt và quý hiếm trong đó bao gồm nhôm, kẽm, cốt thép, sắt và các trục nối máy bay... có giá hàng tỷ đồng. 

"Nếu chúng tôi được mua nó, chi phí vận chuyển ra khỏi sân bay, thuê người cưa chúng ra và phân loại vật liệu lên tới trên 1 tỷ đồng", lãnh đạo doanh nghiệp trên tính toán. Nhưng theo ông, ngoài bán phế liệu, chiếc máy bay nếu sử dụng vào các mô hình kinh doanh cũng khá hiệu quả vì độc đáo.

Máy bay Boeing 727-200 này từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines - Campuchia. Đây là loại máy bay hành khách dân sự có 3 máy phản lực đuôi đầu tiên trên thế giới, chở được tối đa 134 hành khách. Sau khi khai thác được vài chuyến bay trên chặng Siêm Riệp - Hà Nội thì gặp sự cố kỹ thuật và ngừng bay, đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 1/5/2007. 

Ý kiến của bạn

Bình luận