Viện KH&CN GTVT: Đưa nhiều công nghệ mới vào đời sống

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Ứng dụng 04/10/2019 15:27

Viện Khoa học và Công nghệ GTVT là một trong 42 viện nghiên cứu quốc gia và là viện đầu ngành của Bộ GTVT trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nhiều sản phẩm công nghệ mới, đón đầu của Viện có tính học thuật cao đã đuợc ứng dụng trong việc sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới và bảo vệ công trình cầu, đường, cảng... Các sản phẩm công nghệ thích ứng với các công trình ở trong điều kiện phức tạp và cực kỳ phức tạp, đạt tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Bằng những thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại, Viện đã tư vấn, kiểm định chất lượng hầu hết các công trình lớn và trọng điểm của Nhà nước và ngành GTVT.


 

Viện 2
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT ký kết hợp tác chiến lược với đối tác nước ngoài

Đưa nhiều công nghệ mới vào áp dụng 

Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập và hoạt động từ năm 1956, với chức năng, nhiệm vụ chính là nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... thực hiện các dịch vụ khoa học công nghệ (KHCN) của ngành GTVT.

Trong năm 2018 - 2019, Viện đã triển khai nghiên cứu 01 đề tài cấp Nhà nước, 25 đề tài cấp Bộ, biên soạn và được công bố 7 TCVN, 01 TCCS và 5 qui định kỹ thuật. Nhiều đề tài và tiêu chuẩn có ý nghĩa khoa học rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng các công trình GTVT. Cùng với công tác nghiên cứu, Viện cũng đã thành công trong việc đưa vào ứng dụng phục vụ sản xuất của ngành GTVT các loại vật liệu mới, công nghệ mới trong xây dựng, quản lý bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT. Viện đã chủ động, tích cực tham gia và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất của Ngành nhằm góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn về mặt kỹ thuật do thực tế sản xuất đặt ra trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay.

Lĩnh vực Đường bộ, đường sân bay:

Viện đã tập trung nhiều chuyên gia giỏi nghiên cứu đánh giá hiệu quả của một số loại phụ gia tăng khả năng dính bám cho bê tông nhựa (BTN) phù hợp với đặc thù cốt liệu và khí hậu tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên như hư hỏng do dính bám đá nhựa là sự bong tách (stripping) giữa nhựa đường với bề mặt cốt liệu. Bong tách được định nghĩa là sự mất liên kết hoặc khả năng bám dính giữa chất liên kết và các hạt cốt liệu dưới tác động của nước và hơi ẩm. Việt Nam là nước nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, với lượng mưa trung bình năm khá cao. Trong đó, các công trình giao thông mà điển hình là công trình đường bộ cũng phải chịu nhiều ảnh hưởng từ khí hậu khắc nghiệt của khu vực, đặc biệt là hư hỏng mặt đường BTN do suy giảm khả năng dính bám đá - nhựa thường xuất hiện ở dạng bong tách mặt đường, dẫn đến tạo ra các “ổ gà”, gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông, làm giảm khả năng thông hành của tuyến đường. Xuất phát từ điều kiện thực tế này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu, phân tích tình hình trong và ngoài nước về phụ gia tăng dính bám; nghiên cứu BTN sử dụng phụ gia và đánh giá công nghệ sản xuất BTN có phụ gia; đề xuất sử dụng một số loại phụ gia tăng khả năng dính bám cho BTN phù hợp với đặc thù cốt liệu và khí hậu tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Nghiên cứu ứng dụng mô hình thí nghiệm uốn mẫu dầm bán nguyệt SCB (Semi-Circular Bending) để xác định đặc trưng chống nứt, kháng mỏi của BTN chặt ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp cải thiện. Trên thế giới có nhiều mô hình thí nghiệm để đánh giá khả năng chống nứt của BTN như: Mô hình uốn dầm 02 điểm, uốn dầm 3 điểm, uốn dầm 4 điểm, uốn dầm 5 điểm và mô hình  kéo (nén). Tuy nhiên, phương pháp thí nghiệm uốn dầm bán nguyệt SCB và thí nghiệm uốn dầm 4 điểm là hai phương pháp được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, tuy nhiên sử dụng phương pháp SCB có nhiều ưu điểm như: Thiết bị và chế tạo mẫu đơn giản hơn, mức giới hạn có thể tham khảo và xác định được. Thí nghiệm uốn dầm bán nguyệt SCB là thí nghiệm uốn mẫu dầm 3 điểm giúp kiểm tra, đánh giá nhanh và chính xác khả năng chịu kéo uốn, khả năng kháng nứt mỏi của mẫu BTN ở điều kiện nhiệt độ khai thác thông thường. Ở Hoa Kỳ đã có các tiêu chuẩn thí nghiệm uốn dầm bán nguyệt SCB để đánh giá khả năng chống nứt mỏi của BTN như AASHTO TP 124 và ASTM D8044. Nghiên cứu này trình bày các kết quả nghiên cứu đánh giá khả năng chống nứt của BTN theo mô hình uốn dầm bán nguyệt SCB theo AASHTO TP 124 với thiết bị thí nghiệm và chế tạo mẫu tại Viện Khoa học và Công nghệ GTVT.

Nghiên cứu lựa chọn mác nhựa đường phù hợp với đặc trưng khai thác (nhựa đường PG) của BTN mặt đường sân bay ở Việt Nam: Tiêu chuẩn phân cấp nhựa đường theo đặc tính PG hiện được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Phân cấp nhựa đường theo tiêu chuẩn PG được đánh giá là khoa học và có nhiều ưu điểm khi xét đến ảnh hưởng của điều kiện nhiệt độ (nhiệt độ thấp, nhiệt độ cao và nhiệt độ trung bình) đến thuộc tính của nhựa đường trong quá trình sản xuất, thi công và khai thác nhằm giảm thiểu hư hỏng mặt đường BTN ở các dạng lún vệt bánh xe, nứt mỏi, nứt do nhiệt và lão hóa sớm. Tại Việt Nam, đặc biệt tại Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã có những nghiên cứu để áp dụng phân loại nhựa đường theo đặc tính PG dùng cho đường bộ, tuy nhiên nghiên cứu áp dụng cho sân bay vẫn còn mới trên thế giới và Việt Nam hiện nay. Nghiên cứu này đưa ra các kết quả nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam và lựa chọn mác nhựa đường phù hợp với đặc trưng khai thác (nhựa đường PG) của BTN mặt đường sân bay ở Việt Nam.

Để quản lý, đánh giá chất lượng vật liệu mới, công nghệ mới có hiệu quả, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho Viện tổ chức nghiên cứu, đánh giá rất nhiều loại vật liệu mới nhằm lựa chọn vật liệu có chất lượng cao và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Từ năm 2018 đến nay, Viện đã nghiên cứu và triển khai thử nghiệm đánh giá 5 vật liệu mới, công nghệ mới từ nước ngoài vào Việt Nam như: Phương pháp gia cố nền đất xây dựng bằng cọc xi măng đất theo công nghệ MITS-CMS; công nghệ tái chế nóng BTN với hàm lượng RAP từ 25% đến 75% tại trạm trộn theo công nghệ của Công ty Taisei Rotec; thử nghiệm xỉ thép trong xây dựng nền đường, kết cấu áo đường ô tô; thử nghiệm phụ gia hai đặc tính sửa đổi tự nhiên RCA cho hỗn hợp BTN nóng; thử nghiệm mặt đường BTN ấm (WMA) theo công nghệ của Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay Viện đã biên soạn và đã được công bố 6 TCVN, 01 TCCS và 5 quyết định kỹ thuật với một số điển hình như sau: TCVN 12316:2018 lớp phủ mặt đường Micro-Surfacing - Thiết kế hỗn hợp, thi công và nghiệm thu; TCVN 12579:2019 BTN - Xác định độ bền mỏi theo phương pháp uốn dầm sử dụng tải trọng lặp; TCVN 12584:2019 trang thiết bị ATGT đường bộ - Đinh phản quang - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử; TCVN 12585:2019 trang thiết bị ATGT đường bộ - Thiết bị dẫn hướng và tấm phản quang - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử; TCVN 12586:2019 trang thiết bị ATGT đường bộ - Tấm chống chói - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử; TCVN 12587:2019 trang thiết bị ATGT đường bộ - Trụ tiêu dẻo phân làn - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử; TCCS 26:2019/TCĐBVN hỗn hợp cấp phối đá chặt gia cố nhựa nóng sử dụng trong kết cấu áo đường - Yêu cầu thi công và nghiệm thu.

Trong năm 2019, từ các kết quả nghiên cứu, Viện cũng đã chủ trì xây dựng và hoàn thành thủ tục chuyển 5 hồ sơ đến Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị thẩm định công bố TCVN. Ngoài ra từ năm 2018 trở về trước, Viện cũng đã chuyển 5 hồ sơ đến Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị thẩm định công bố TCVN.

Lĩnh vực Cầu hầm

Nghiên cứu xây dựng Tiêu chuẩn thiết kế cầu đường sắt: Hiện nay cơ sở kết cấu hạ tầng đường sắt của nước ta còn yếu kém, ngành GTVT đang tổ chức triển khai nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt hiện có, đồng thời lập dự án nghiên cứu đường sắt mới có quy mô và tốc độ cao hơn. Điều kiện cần thiết đầu tiên là phải xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, trong đó có tiêu chuẩn thiết kế cầu. Nghiên cứu này tập trung phân tích thực trạng tiêu chuẩn của Việt Nam và các tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế cầu đường sắt trên thế giới; đề xuất áp dụng ở Việt Nam; các kết quả trong việc xây dựng nội dung của bộ tiêu chuẩn này.

Phân tích, lựa chọn công thức xác định sức kháng cắt của mối nối “in oản” trong cầu bê tông dự ứng lực lắp ghép phân đoạn: Ứng xử chịu cắt của mối nối “in oản” trong cầu bê tông dự ứng lực lắp ghép phân đoạn đã được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu do sự khác biệt của nó so với kết cấu toàn khối. Một số tiêu chuẩn, nghiên cứu đã đưa ra công thức tính sức kháng cắt của mối nối có khóa chống cắt như AASHTO, EuroCode 2, Rombach... Đã có nhiều nghiên cứu thực nghiệm để so sánh đối chiếu với các công thức trên. Các kết quả nghiên cứu có sự phân tán tương đối lớn, tuy nhiên điểm nhận định chung là công thức AASHTO thiên về an toàn đối với mối nối một khóa chống cắt nhưng chưa đủ độ tin cậy với loại mối nối nhiều khóa, là loại mối nối được sử dụng trong thực tế. Việc áp dụng công thức AASHTO vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu trong trường hợp mối nối nhiều khóa chống cắt, ảnh hưởng của kích thước khóa chống cắt, phương của khóa chống cắt khi các thành hộp xiên, ảnh hưởng bề dày keo epoxy... Trong nghiên cứu này đã tổng hợp các kết quả thực nghiệm trên thế giới để so sánh với các công thức trên, đồng thời đề xuất phương án thí nghiệm mối nối trong điều kiện Việt Nam để xem xét lựa chọn công thức phù hợp và các điều chỉnh cần thiết.

Với sự hợp tác trong nhiều năm qua, dự kiến trong tháng 12/2019, Viện sẽ phối hợp với Viện Bê tông dự ứng lực Nhật Bản (JPCI) tổ chức Hội thảo lần thứ 7 với chủ đề “Công nghệ cầu dây văng” nhằm giới thiệu, tổng kết, đánh giá và rút ra những bài học kinh nghiệm từ công tác xây dựng, khai thác, quan trắc và bảo trì cầu dây văng giữa Việt Nam và Nhật Bản, tạo cơ hội thúc đẩy hoạt động hợp tác KHCN giữa Việt Nam và Nhật Bản về công tác xây dựng và bảo trì cầu dây văng.

Viện 1
Cầu Bạch Đằng - công trình do Viện tham gia tư vấn giám sát

Lĩnh vực Đường sắt

Nghiên cứu đề xuất mô hình quản lý, vận hành khai thác và duy tu bảo dưỡng đường sắt đô thị Việt Nam: Giao thông đô thị đã và đang là một trong những vấn đề thời sự bức xúc nhất hiện nay và trong tương lai. Các loại hình phương tiện giao thông đang được sử dụng như xe máy, ô tô con, taxi, xe buýt… tồn tại nhiều nhược điểm như diện tích chiếm dụng đường lớn, lưu lượng vận chuyển thấp và đặc biệt dễ gây ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên diện rộng. Vì vậy, việc nghiên cứu triển khai xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ cấp bách nhằm giải quyết cơ bản bài toán giao thông thành phố phức tạp hiện nay và trong tương lai.

Lĩnh vực Cảng - đường thủy

Được sự chấp thuận của Bộ GTVT, từ năm 2014 đến nay Viện đã phối hợp với Viện Quản lý Đất đai và Cơ sở hạ tầng Quốc gia Nhật Bản (NILIM) xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cảng biển và hạ tầng bến cảng Việt Nam. Đây là bộ tiêu chuẩn lớn, gồm rất nhiều lĩnh vực kết hợp với nhau nên yêu cầu số lượng kiến thức của nhiều chuyên gia trong các chuyên môn tương đối rộng. Mặt khác, do đã sử dụng tiêu chuẩn cũ (biên dịch từ Nga) trên 40 năm qua nên tư duy đã thành thói quen trong giới kỹ thuật ngành Công trình cảng Việt Nam. Do đó, trong quá trình xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cảng biển và hạ tầng bến cảng Việt Nam, các chuyên gia và nhà khoa học của Viện đã cố gắng, nỗ lực hoàn thành các dự thảo tiêu chuẩn và hiện nay đã được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành 3 TCVN: TCVN 11820-1:2017 Công trình cảng biển - Yêu cầu thiết kế - Phần 1: Nguyên tắc chung; TCVN 11820-2:2017 Công trình cảng biển - Yêu cầu thiết kế - Phần 2: Tải trọng tác động; TCVN 11859:2017 Công trình cảng biển - Thi công và nghiệm thu.

Trong năm 2019, Viện và NILIM tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo trao đổi chuyên môn tại Nhật Bản và Việt Nam về xây dựng tiêu chuẩn về bến và bảo trì công trình cảng biển để tiến tới trình Bộ GTVT và Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành TCVN trong thời gian tới.

Lĩnh vực vật liệu xây dựng và bảo vệ công trình

Viện đã nghiên cứu và ứng dụng KHCN trong xây dựng các công trình, phương tiện GTVT có chất lượng và tuổi thọ cao trong điều kiện khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt của Việt Nam, đồng thời đưa ra các biện pháp sửa chữa, bảo trì phù hợp cho các công trình giao thông hiện có. Viện đã tập chung nghiên cứu công nghệ và vật liệu chống ăn mòn kim loại cho các công trình GTVT trong một số môi trường đặc biệt ở Việt Nam, điển hình như: Nghiên cứu mức độ ăn mòn cốt thép của cọc bê tông dự ứng lực trong môi trường biển Việt Nam và đưa ra giải pháp chống ăn mòn; nghiên cứu sử dụng phụ gia để chế tạo bê tông đóng rắn nhanh cường độ 50MPa nhằm giảm giá thành, phục vụ sửa chữa các công trình giao thông; nghiên cứu chế tạo sơn phủ bảo vệ tuổi thọ cao, công nghệ vật liệu mới trên nền polymer (vật liệu compozit, phụ gia cho bê tông, vật liệu Polime Pex, cao su...); vật liệu chống thấm dạng lỏng thẩm thấu, ăn mòn và các biện pháp chống ăn mòn cho kết cấu thép, cốt thép bê tông vùng biển.

Từ năm 2018 đến nay, với chức năng nhiệm vụ được giao, trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và bảo vệ công trình, Viện đã biên soạn và đã công bố TCVN 12176:2018 - Sơn và lớp phủ - Phương pháp xác định độ bền của lớp phủ đã đóng rắn với chu kỳ nhiệt; đã trình Bộ Khoa học và Công nghệ để ban hành TCVN về vật liệu composite chất dẻo gia cường sợi - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử.

Lĩnh vực An toàn giao thông

Ứng dụng các công nghệ thông tin, công nghệ điện tử, máy tính, cảm biến, thông tin liên lạc hữu tuyến và không dây nhằm nâng cao tính hiệu quả và an toàn của giao thông trên mặt đất và đặc biệt ITS được ứng dụng nhiều cho lĩnh vực đường bộ. Viện đã tiến hành nghiên cứu ứng dụng ITS, qua đó đã đưa ra kết quả về liên kết ba thành tố chính trong giao thông đường bộ: Thẩm tra, theo dõi đánh giá sự phù hợp của hệ thống thu phí không dừng ETC tại Việt Nam; đã tiến hành nghiên cứu thiết kế Hệ thống tự động thu nhận và xử lý dữ liệu cho biển báo điện tử VMS (variable message signs) đặt tại các nút giao cắt để thông báo  trước khi vào thành phố góp phần chống UTGT. Kết quả của nghiên cứu đã đưa ra mô hình hệ thống hướng dẫn giao thông, gián tiếp phân luồng giao thông hợp lý hơn theo tình hình thực tế; làm chủ được công nghệ từ thiết kế, lựa chọn thiết bị, chế tạo phần cứng và phần mềm hệ thống, góp phần tích cực vào việc giảm UTGT ở các thành phố lớn...

Lĩnh vực Cơ khí, tự động hóa và đo lường

Nghiên cứu chế tạo hệ thống giám sát tự động và điều khiển tập trung cho thiết bị tín hiệu đường ngang: Đây là nội dung nghiên cứu của đề tài độc lập cấp Quốc gia do Viện chủ trì. TNGT đường sắt chủ yếu xảy ra tại các đường ngang nơi giao cắt đồng mức giữa đường sắt với đường bộ. Để phòng ngừa và giảm thiểu TNGT đường sắt gây ra đối với người và tài sản cần thiết phải xây dựng các hệ thống phòng vệ đường ngang an toàn, tin cậy. Các hệ thống này luôn được kiểm tra tình trạng theo các hình thức được quy định chặt chẽ. Hệ thống giám sát và điều khiển tập trung của hệ thống phòng vệ đường ngang tiên tiến có tác dụng giám sát liên tục các trạng thái động (khi có tàu) và trạng thái tĩnh (khi không có tàu) các thiết bị của hệ thống phòng vệ nhằm nâng cao tính sẵn sàng, độ an toàn, tin cậy, hiệu quả quản lý, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí khai thác trong công tác cảnh báo tại đường ngang. Kết quả nghiên cứu có thể khẳng định làm chủ hoàn toàn công nghệ thiết kế, chế tạo trang thiết bị, hệ thống điều khiển giám sát hệ thống thiết bị tín hiệu đường ngang hướng theo bộ tiêu chuẩn được UIC chấp thuận. Đặc biệt, sản phẩm của đề tài có thể được chuyển giao và sử dụng kết hợp để hoàn thiện trong các dự án hiện đại hóa hệ thống thiết bị tín hiệu điều khiển chạy tàu và đặc biệt là các dự án lập lại TTATGT được phê duyệt theo Quyết định số 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đề án thuộc phạm vi của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ thông tin số hóa để nâng cao chất lượng cho phòng thí nghiệm: Công tác thí nghiệm ngày càng đòi hỏi cao về độ chính xác, cả về quy trình và kết quả đo, nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng công trình. Cùng với sự phát triển của nền khoa học - công nghệ, kéo theo đó là sự xuất hiện của nhiều loại dụng cụ thí nghiệm hiện đại, mới với những công dụng và đặc tính vượt trội. Điều đó đòi hỏi các nhà sản xuất, nhà cung cấp, các đơn vị quản lý các phòng thí nghiệm cần phải hiện đại hóa, đầu tư, nâng cấp và cải tạo nhằm chinh phục khách hàng, đáp ứng các yêu cầu. Ở Việt Nam, các thiết bị này có giá thành tương đối đắt, khó khăn cho việc đầu tư đồng bộ, chi phí bảo trì, sửa chữa cao. Một số thiết bị được kích hoạt theo thời gian, khi hết hạn thì phải liên hệ với nhà cung cấp để kích hoạt lại, dẫn đến chi phí cao. Việc nghiên cứu chế tạo và ứng dụng các thiết bị này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, đáp ứng phần nào nhu cầu cấp thiết của thực tế sản xuất hiện nay của ngành GTVT, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng công trình, giảm chi phí sản xuất.

Lĩnh vực Bảo vệ môi trường

Khảo sát, đánh giá và đề xuất mức giới hạn tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải từ thiết bị sinh hoạt trên toa xe đướng sắt: Tuyến đường sắt Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.730km, hiện là tuyến đường sắt có tốc độ lưu thông thấp nhất thế giới do chạy qua nhiều đô thị đông dân cư, qua nhiều đèo có khúc cua gấp, giao cắt với đường bộ nhiều, đường đơn, đặc biệt là khổ đường hẹp (1.000mm). Do tốc độ chạy tàu thấp nên thời gian hành khách lưu trên tàu lâu (30 giờ khi di chuyển từ Hà Nội tới TP. Hồ Chí Minh và ngược lại), các hoạt động của hành khách trên tàu sẽ phát sinh nhiều rác thải, nước thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường. Xuất phát từ thực tế đó, Viện đã triển khai nghiên cứu về hiện trạng chất lượng nước thải của toa xe đường sắt trên tuyến đường sắt Thống Nhất, đồng thời đề xuất một số biện pháp nhằm cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường. Kết quả nghiên cứu góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh về ngành Đường sắt phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Lĩnh vực Thí nghiệm kiểm định

Trong thời gian qua, thí nghiệm, kiểm định của Viện là hoạt động mang tính truyền thống luôn đóng vai trò quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao vật liệu, công nghệ mới, đánh giá chất lượng công trình. Thông qua hoạt động thí nghiệm kiểm định, Viện đã chỉ rõ nguyên nhân hư hỏng các công trình, đề xuất những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng các công trình GTVT.

Viện KHCN
Hoạt động hội nghị, hội thảo do Viện Khoa học và Công nghệ GTVT tổ chức

Tập trung giải mã những vấn đề trọng yếu của ngành

Trong thời gian tới, Viện chủ động và tập trung giải quyết những vấn đề kỹ thuật, nghiên cứu giải mã những công nghệ trọng yếu phát sinh trong thực tế sản xuất của ngành GTVT trong cả 5 lĩnh vực của ngành GTVT, đặc biệt chú trọng tới giải pháp tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lĩnh vực ITS, đường sắt đô thị, cảng biển và hàng không; tiếp tục nghiên cứu những công nghệ mới, thử nghiệm các loại vật liệu mới trong xây dựng, bảo trì, sửa chữa tăng cường kết cấu công trình giao thông phù hợp với từng vùng miền...; biên soạn các tiêu chuẩn, qui chuẩn, xây dựng các qui trình, chỉ dẫn kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng của ngành GTVT.

Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế để phát triển KHCN, gắn nội dung hợp tác với các nhiệm vụ chính trị của Viện; chú trọng hợp tác với các đối tác có thương hiệu, kinh nghiệm, trình độ công nghệ cao để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu của Viện; hoàn thiện cơ sở dữ liệu để đề xuất tham gia các dự án mới nhất có hàm lượng KHCN cao.

Bổ sung cập nhật và xây dựng mới hệ thống qui chế đồng bộ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại, nhà xưởng, phòng thí nghiệm; nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN của Viện, đáp ứng yêu cầu của thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả rõ rệt, làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước, nâng cao đời sống cho cán bộ và người lao động; tạo đà cho Viện phát triển bền vững trong tương lai.

Ý kiến của bạn

Bình luận