Vì sao khó xử lý vi phạm giao thông tuyến cao tốc Long Thành-Dầu Giây?

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 17/05/2019 05:56

Kẹt xe, ùn tắc, xe quá tải, xe ô tô đi vào làn dành cho xe gắn máy….là những mối nguy đe dọa đến người tham gia giao thông trên tuyến này

xe bien xanh
Xe biển xanh ngang nhiên chiếm đường 2 bánh tuyến đường dẫn cao tốc LT-DG

Thời gian qua, nhiều bạn đọc phản ánh về tình trạng mất ATGT trên tuyến cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Để tìm hiểu những nguyên nhân cũng như khó khăn mà tuyến này đang gặp phải, Tạp chí GTVT đã có buổi trao đổi trực tiếp với Thượng tá Đồng Thái Chiến, Phó trưởng Phòng tuần tra, kiểm soát giao thông Đường bộ cao tốc, Kiêm Đội trưởng Đội TTKS GTĐB Cao tốc số 6 (Đội 6) - Cục CSGT, Bộ Công An. 

PV: Theo Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, từ ngày 5/4 đến 16/4, qua hệ thống camera phát hiện 74 ô tô đi vào phần đường dành cho xe hai bánh trên đoạn đường dẫn cao tốc TP . HCM - Long Thành - Dầu Giây. Những hình ảnh này được gửi đến Cục CSGT để xử lý. Vậy quá trình xử lý những vi phạm nói trên như thế nào?

Thượng tá Đồng Thái Chiến: Tình trạng xe ô tô đi vào phần đường dành cho xe hai bánh chủ yếu xảy ra tại 4km đầu đường dẫn thuộc Tp. HCM do khu vực này có làn dành cho xe gắn máy. Đoạn đường này do Khu QLĐT Số 2 trực thuộc Sở GTVT Tp.HCM quản lý. Từ đầu năm đến nay Đội 6 chưa nhận được hình ảnh nào về tình trạng các xe vi phạm nói trên được gửi từ Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn. Trước đó khu vực này đặt bê tông nhằm hạn chế xe ô tô đi vào. Tuy nhiên đã xảy ra nhiều vụ tại nạn giao thông làm chết người nên các bên đã làm việc và cùng thống nhất tháo rào chắn. Từ khi gỡ bê tông chắn này thì tình trạng xe ô tô liên tiếp đi vào ngày càng gia tăng. Từ ngày 5/4 đến 6/5 có hơn 60 trường hợp vi phạm đã được Đội 6 lập biên bản xử lý trực tiếp tại hiện trường. Không có trường hợp nào là qua Camera.

Hiện tuyến cao tốc Tp. HCM - Long Thành - Dầu Giây có camera quan sát các phương tiện của VEC và 4 km đường dẫn là của trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn. Các camera này hiện chỉ có tính năng quan sát chứ chưa có chức năng giám sát. Không giống như tuyến cao tốc Trung Lương - Tp. HCM có camera giám sát chuyển hình ảnh trực tiếp qua thiết bị để lực lượng CSGT có thể xử phạt nguội. Chúng tôi cần 2 điều kiện để xử lý vi phạm qua camera: thứ nhất phải có tính pháp lý để hợp pháp hóa việc này; thứ hai là cần đầu tư camera giám sát chuyên dùng của CSGT, hình ảnh rõ nét, thuyết phục hơn. 

xe Huy Hoang
Xe Huy Hoàng chạy vào đường dành choi xe 2 bánh (hình ảnh từ TT QL HSSG)

PV: Hiện nay, tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến ngày càng nghiêm trọng, Đội 6 đã phối hợp với các bên như thế nào để đảm bảo ATGT cho người dân khi tham gia lưu thông?

Thượng tá Đồng Thái Chiến: Về việc lưu lượng xe tăng mạnh trong thời gian gần đây, chúng tôi cũng đã bố trí lực lượng điều tiết giao thông và có nhiều phương án để chủ động tăng cường tuần tra kiểm soát. Hiện nay mỗi ngày, tuyến Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây có khoảng 70.000 đến 80.000 phương tiện lưu thông một ngày. Do đó ùn tắc vào giờ cao điểm, các ngày cuối tuần và đặc biệt là các ngày lễ hầu như khó tránh khỏi. Đa số xảy ra trên cầu Long Thành giáp ranh với khu vực trạm thu phí Long Phước. Tình trạng các xe chết máy trên cầu thường xuyên dẫn đến ùn tắc kéo dài nhiều Km. Như đợt cao điểm 30/4-1/5 vừa qua ùn tắc trên tuyến kéo dài từ 5km-7km, ông Chiến khẳng định.

Theo quy định hiện nay, thì ùn tắc kéo dài 1km thì trạm thu phí phải xả trạm nếu không sẽ bị xử phạt, thế nhưng tuyến cao tốc này chưa áp dụng quy định lúc kẹt xe. Khi làm việc với Ban lãnh đạo của VECE đơn vị trực tiếp quản lý tuyến, chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị nhưng đại diện đơn vị này trả lời rằng không có thẩm quyển để xả trạm. Chúng tôi cũng đã nhiều lần nhắc nhở đây là quy định pháp luật được Bộ Giao thông vận tải và Tổng Cục đường bộ VN thông báo cho các trạm BOT trên toàn quốc về tình trạng này. 

PV: Phía đơn vị quản lý cao tốc VECE cho biết có nhiều xe chở quá tải bị phát hiện khi lưu thông qua trạm thu phí? Xin hỏi các trường hợp này Đội 6 sẽ xử lý như thế nào? 

Thượng tá Đồng Thái Chiến: Trong quá trình đầu tư của tuyến cao tốc này VEC đã lắp đặt cân tải trọng để kiểm soát xe quá tải trên tuyến. Thế nhưng, số liệu cân chưa được hiệu chỉnh chính xác, cân xe nghi vi phạm còn nhiều sai số, do đó lực lượng CSGT không thể sử dụng được cân này. Qua nhiều lần họp bàn, trao đổi và kiến nghị phía VECE vẫn cho rằng chưa có kinh phí sửa chữa nên không xử lý được lỗi quá tải.

Đơn vị đã nhiều lần kiến nghị với VECE hiệu chỉnh cân để đưa vào hoạt động thế nhưng cho đến nay đơn vị vẫn chưa phối hợp để xử lý tình trạng xe quá tải trên cao tốc. Nếu không sử dụng cân này thì rất khó để lực lượng chức năng xử lý những trường hợp xe chở quá tải lưu thông trên tuyến cao tốc. Nếu dùng cân xách tay thì thiếu mặt bằng cân xe, tốc độ của các phương tiện di chuyển trên cao tốc rất nhanh, khi lực lượng CSGT ra hiệu để cân xe quá tải cũng gặp phản ứng của các tài xế. Bên cạnh đó, cách xử lý này sẽ rất nguy hiểm cho các phương tiện phía sau cũng như chính bản thân của người thực thi công vụ, thượng tá Chiến nhấn mạnh.

PV: Xin cảm ơn Thượng tá Đồng Thái Chiến.

Trong một diễn biến khác, ngày 16/5, Sở Giao thông vận tải TP.HCM tiếp tục có văn bản đề nghị Cục cảnh sát giao thông (Bộ Công an) chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp xe ô tô lưu thông vào phần đường dành cho xe 2 bánh trên đoạn đường dẫn vào tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây trên địa bàn TP.HCM.

Sở GTVT TP.HCM cũng kiến nghị Cục Cảnh sát giao thông nghiên cứu phương án bàn giao thẩm quyền tuần tra xử phạt xử lý vi phạm từ Cục CSGT về cho Công an TP.HCM thực hiện  trên tuyến đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (đoạn từ đường Mai Chí Thọ đến đường Võ Chí Công) để địa phương chủ động trong công tác xử lý vi phạm. 

Ý kiến của bạn

Bình luận