Vi phạm trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Nhắc nhở là chưa đủ

Ý kiến 10/04/2016 16:01

Tại thời điểm này, các địa phương có đường cao tốc đi qua đã bắt đầu triển khai các biện pháp giải quyết triệt để. Tuy nhiên ở góc độ pháp luật, vẫn còn một số vấn đề cần phải xử lý.

Ngày 7-4, tại Yên Bái đã tổ chức một lễ ký kết thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Đây là một hoạt động tích cực sau những cảnh báo về sự nguy hiểm của tình trạng vi phạm giao thông trên tuyến quốc lộ này. Lễ ký kết có sự tham gia của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và lãnh đạo các địa phương có cao tốc đi qua.

Đại diện chính quyền, Công an 15 xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái có đường cao tốc đi qua đã ký vào bản cam kết đảm bảo an toàn giao thông cho tuyến đường. 

Tại buổi lễ này cũng đã đưa ra những khó khăn, tồn tại cụ thể như hệ thống các trạm dừng nghỉ, đường gom dân sinh, hệ thống đường kết nối với cống chui chưa hoàn thiện. Đồng thời ý thức người dân chưa cao đã dẫn đến hiện tượng xe dừng đón trả khách, đổ nước mui… Vi phạm giao thông là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên tuyến đường.

Vi phạm trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai- Nh
Hàng rào bảo vệ hành lang an toàn đường cao tốc bị phá dỡ.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái cho rằng việc ký cam kết sẽ nâng cao nhận thức, trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị và người dân trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông và hành lang đường cao tốc. Tuy nhiên cần xem xét, tổ chức các điểm đón, trả khách, có vị trí cung cấp nước mui miễn phí cho các trạm xe dừng nghỉ…

Luật sư Nguyễn Tiến Trung, Công ty Luật Trung Nguyễn cho rằng hành vi tự ý tháo rào chắn hai bên đường để kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán nước… lấn chiếm trái phép hành lang an toàn giao thông, tạo điểm dừng đỗ trái phép cho các phương tiện gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Khoản 4 Điều 15 Nghị định 171/2013/NĐ-CP đã quy định cụ thể mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này. 

Cụ thể, hành vi “tự ý tháo dỡ, di chuyển, treo, đặt, làm sai mục đích sử dụng hoặc làm sai lệch biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông, rào chắn, cọc tiêu, cột cây số, vạch kẻ đường, dải phân cách, mốc chỉ giới; cấu kiện, phụ kiện của công trình đường bộ” thì bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6 - 10 triệu đồng đối với tổ chức. 

Cũng trong Nghị định này, tại Điểm b Khoản 5 Điều 15 có quy định về hành vi phá hoại áp dụng đối với dải phân cách, gương cầu, các công trình, thiết bị an toàn giao thông trên đường bộ.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện CSGT mới xử phạt lái xe khách dừng đỗ, đón trả khách vi phạm trên đường cao tốc và các hành vi vi phạm giao thông khác. Còn lại, đối với hành vi tháo dỡ rào chắn, hộ lan là tiếp tay cho các vi phạm tiếp theo thì chưa bị xử lý. Người dân đi bộ qua các khu vực đã phá rào chắn để lên đường cao tốc thì chỉ bị cơ quan quản lý đường nhắc nhở. 

Trong khi đó, theo thông tin từ Tổng Công ty Quản lý đường cao tốc Việt Nam (VEC) có những điểm đơn vị này phải làm lại rào chắn đến cả chục lần. Hành vi phá dỡ liên tục như vậy cho thấy sự coi thường pháp luật, hành vi đó phải bị xử lý nghiêm khắc. 

Bên cạnh công tác tuyên truyền, ký cam kết tại các địa phương thì cần có sự vào cuộc của Công an cấp huyện ở địa phương để xử lý nghiêm hành vi phá hoại rào chắn, gây thiệt hại cho công trình giao thông, làm mất an toàn giao thông trên cao tốc.

Ý kiến của bạn

Bình luận