VATM đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để hội nhập quốc tế

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Doanh nhân 20/02/2018 07:19

Những năm gần đây, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã tích cực, chủ động trong việc đầu tư, đổi mới ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.

 

Đài KSKL Tuy Hòa
Đài Kiểm soát không lưu Tuy Hòa

Trên lĩnh vực CNS/ATM

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam những năm qua luôn được xem là đơn vị đi đầu của ngành Hàng không Việt Nam trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, cải tiến và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, vì vậy đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ điều hành bay, làm thay đổi cơ bản công nghệ quản lý điều hành bay và đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn kiểm soát điều hành bay của các hãng hàng không trong nước và quốc tế.

Tổng công ty triển khai thực hiện dự án lắp đặt Trạm liên lạc vệ tinh VSAT phục vụ mạng thông tin thoại, thông tin truyền số liệu từ ACC/HAN và ACC/HCM đến các sân bay nội địa với tổng số 24 trạm VSAT. Từ năm 2013, Tổng công ty đã tích cực thực hiện chương trình chuyển đổi từ VSAT sang Vinasat. Tại miền Bắc, các trạm VSAT đã được đầu tư mới theo dự án ATCC/HAN sẵn sàng công nghệ. Tại miền Trung, miền Nam sẽ được triển khai theo dự án đầu tư thay thế theo hướng sẵn sàng chuyển sang sử dụng Vinasat trong năm 2018; đầu tư mới hệ thống xử lý dữ liệu ra đa và xử lý dữ liệu bay cho ACC/HCM (năm 1999); hoàn thành dự án mạng giám sát vùng thông báo bay Hà Nội (năm 2001). Hệ thống các đài dẫn đường VOR/DME, DVOR/DME được xây dựng và đưa vào khai thác: Nội Bài, Mộc Châu (năm 1998), Phú Bài, Buôn Ma Thuột, Vinh, Cát Bi (năm 2000, 2001), Côn Sơn (năm 2006), Cam Ranh (năm 2010), Pleiku (năm 2011), đài dẫn đường DVOR/DME Pleiku; đầu tư xây mới đài dẫn đường Cát Bi, Cam Ranh (năm 2015), đài Tuy Hòa (năm 2016).

Tổng công ty cũng đã tiến hành đầu tư hệ thống tự động chuyển điện văn dịch vụ không lưu (AMHS) trên nền Mạng viễn thông hàng không (ATN) với mục tiêu hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2014 và hoàn thành trong năm 2015, đáp ứng kế hoạch của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương là hoàn thành trong năm 2015. Đặc biệt nhất là hệ thống AMHS sẽ do ngành Hàng không dân dụng Việt Nam tự chế tạo (với phần mềm của Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Thành công này đã góp phần giảm chi phí đầu tư, thay thế hàng nhập ngoại và đặc biệt là làm chủ công nghệ, điều quan trọng khi mà các tiêu chuẩn kết nối cũng như các tiêu chuẩn liên quan cho hệ thống này có nhiều khả năng vẫn sẽ được ICAO phát triển tiếp.

Tổng công ty đã đầu tư, nâng cấp và xây mới hàng chục đài kiểm soát không lưu như: Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Phù Cát (năm 2000, 2001), Cà Mau (năm 2002), Điện Biên Phủ (năm 2004), Vinh (năm 2005), Phú Bài (năm 2006), Côn Sơn (năm 2006), Cam Ranh (năm 2009), Liên Khương (năm 2011), Cần Thơ (năm 2012), Nội Bài (năm 2012), Phú Quốc (năm 2013), Tân Sơn Nhất (năm 2013), Cát Bi (năm 2015), Tuy Hòa (năm 2016), Thọ Xuân (năm 2017). Trong số này có những đài không lưu là những công trình phức tạp, quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao như Nội Bài, Tân Sơn Nhất; một số đài được vinh dự khánh thành, gắn biển nhân các sự kiện, ngày lễ lớn của dân tộc như: Đài Vinh, Đài Điện Biên Phủ, Đài Phú Bài - công trình được gắn biển “Công trình chào mừng 50 năm Ngày thành lập ngành Hàng không Việt Nam”.

Với hơn 500 dự án có tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, đặc biệt là hai Trung tâm Kiểm soát không lưu tiên tiến, hiện đại, năm 2006 Tổng công ty đưa vào khai thác Trung tâm điều hành bay đường dài, tiếp cận Hồ Chí Minh và năm 2015 khánh thành Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội. Đây là các dự án tiêu biểu của ngành GTVT với quy mô, công năng hiện đại ngang tầm khu vực, qua đó tạo bước ngoặt trong công tác đầu tư, đổi mới công nghệ điều hành bay, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không ngày càng tăng cao tại Việt Nam.

Đến nay, Tổng công ty đã tổ chức đầu tư và khai thác 02 trung tâm kiểm soát đường dài, 3 trung tâm kiểm soát tiếp cận, 22 đài kiểm soát tại sân, 9 trạm ra đa giám sát, hàng chục đài dẫn đường và trạm liên lạc VHF đất đối không, 12 hệ thống giám sát ADS-B đều đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng theo quy định của ICAO.

Kết quả hoạt động khoa học công nghệ

Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội ATCC HAN
Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội ATCC HAN

Trong quá trình đổi mới trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ, Tổng công ty luôn chú trọng phát huy nhân tố nội lực, với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đến nay, đội ngũ kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu của Tổng công ty đã làm chủ công nghệ quản lý bay tiên tiến hiện đại, tổ chức khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật; phát huy khả năng nguồn lực sẵn có, khuyến khích lực lượng kỹ thuật đầu ngành nghiên cứu, thử nghiệm và lắp đặt thành công các sản phẩm cơ khí, điện tử, phần mềm công nghệ thông tin. Nhiều năm qua, Tổng công ty đã có hàng chục đề tài khoa học nghiên cứu cấp Bộ và hàng trăm đề tài nghiên cứu cấp Tổng công ty đã được hội đồng khoa học các cấp nghiệm thu hoàn thành và thực hiện chuyển giao công nghệ thành công, đưa vào sản xuất và áp dụng thực tế.

Trong chương trình phát triển công nghiệp hàng không, Tổng công ty đã sản xuất được những sản phẩm đặc thù của ngành như: Giàn phản xạ DVOR/DME, phòng đặt thiết bị (Shelter), chế tạo thành công hệ thống đèn phụ trợ dẫn đường sân bay, sản xuất phần mềm đầu cuối mạng viễn thông cố định hàng không, phần mềm đồng hồ thời gian chuẩn, phần mềm AMHS…; tự thực hiện dịch vụ bay kiểm tra hiệu chuẩn thiết bị giám sát dẫn đường hàng không. Các sản phẩm của Tổng công ty sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu lắp đặt, thay thế trang thiết bị tại các sở điều hành bay trong nước và phục vụ nhu cầu xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

Tổng công ty đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ các hoạt động; triển khai các giải pháp với phương châm đầu tư, áp dụng công nghệ thông tin mới nhất trong quản lý điều hành, nâng cao năng lực bảo đảm an toàn bay; tổ chức áp dụng chuyển đổi các công nghệ mới nhất trong tổ chức, quy hoạch, thiết kế vùng trời và phương thức bay cũng như áp dụng phương thức quản lý tiên tiến (quản lý luồng không lưu) để tạo sự thay đổi cơ bản về năng lực của hệ thống; đổi mới toàn diện hệ thống mạng đường bay, phương thức dựa trên phương thức dẫn đường theo tính năng (PBN); ưu tiên nắn thẳng các đường bay trục, các đường bay có mật độ bay cao; nghiên cứu, xây dựng phương thức điều hành để giảm phân cách dọc tăng năng lực thông qua trong các phân khu đường dài; tăng cường chủ động và sẵn sàng chuyển đổi sang các hệ thống công nghệ thông tin, dẫn đường, giám sát mới theo lộ trình nâng cấp các khối thiết bị hàng không của ICAO.

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đội ngũ kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu đã tiếp cận nhanh chóng làm chủ công nghệ kiểm soát tiên tiến hiện đại. Các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay do Tổng công ty cung cấp hoàn toàn đáp ứng và thỏa mãn các hoạt động bay trong nước và quốc tế. Tất cả đều hướng đến mục tiêu chung phấn đấu vì một Quản lý bay Việt Nam trở thành nhà cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực.

Tích cực đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực để tiếp thu kiến thức công nghệ kỹ thuật mới

Các học viên thuộc Chương trình Xã hội hóa đào tạo
Các học viên thuộc Chương trình Xã hội hóa đào tạo

 

Nhiều năm qua, Tổng công ty luôn nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực với một đơn vị mang tính đặc thù về chuyên ngành quản lý bay với các chuyên ngành như: Không lưu, không báo, kỹ thuật, khí tượng, tìm kiếm - cứu nạn. Cùng với việc đổi mới các hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại, nhất thiết Tổng công ty cần có một đội ngũ nhân viên với đầy đủ trình độ và năng lực để có thể tiếp thu và vận hành các hệ thống trang thiết bị hiện đại, tiên tiến.

Mục tiêu của Tổng công ty là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên có đủ trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng thực hành để thực hiện các phương thức điều hành bay tiên tiến hiện đại, sẵn sàng quản lý, khai thác, bảo dưỡng tốt trang thiết bị chuyên ngành quản lý bay nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ điều hành bay theo tiêu chuẩn, khuyến cáo thực hành của ICAO. Để đạt được mục tiêu này, Tổng công ty thực hiện nhất quán làm việc gì đào tạo việc đó, không đào tạo tràn lan; chú trọng đào tạo trong nước và đào tạo tại chỗ; tăng cường hợp tác tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và các quốc gia có nền không vận phát triển và có kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật và quản lý không lưu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, New Zealand, Thái Lan…

Những năm gần đây, Tổng công ty đã ưu tiên mọi nguồn lực tập trung đào tạo phát triển lực lượng kiểm soát viên không lưu, cán bộ kỹ thuật. Để thực hiện điều này, Tổng công ty đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức và phương thức đào tạo. Năm 2013, Tổng công ty thành lập Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện nghiệp vụ quản lý bay để đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho kiểm soát viên không lưu, huấn luyện năng định, huấn luyện định kỳ, bồi dưỡng nâng cao cho nhân viên không lưu và từng bước thực hiện đào tạo, huấn luyện các nhân viên khác thuộc lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay của Tổng công ty như: Nhân viên Thông tin - Dẫn đường - Giám sát hàng không (CNS), thông báo tin tức hàng không, khí tượng hàng không, điều độ khai thác bay, thiết kế phương thức bay, tìm kiếm, cứu nạn hàng không. Trung tâm đã mở rộng liên kết, hợp tác với các đối tác là thành viên chính thức của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế có uy tín để tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam và hỗ trợ kinh nghiệm đào tạo nhằm tiết giảm chi phí.

Năm 2015, Tổng công ty triển khai thực hiện Đề án xã hội hóa đào tạo kiểm soát viên không lưu. Thực hiện chương trình này, Tổng công ty đã phối hợp với Airways New Zealand tổ chức tuyển chọn, đào tạo các học viên. Đến nay, Tổng công ty đã thực hiện được 02 khóa đào tạo theo hình thức xã hội hóa với tổng số 41 học viên. Với hình thức đào tạo mới này hy vọng sẽ kịp thời bổ sung nguồn nhân lực kiểm soát viên không lưu có chất lượng cao hiện đang thiếu hụt, đồng thời sẽ mở ra cho Tổng công ty hướng đi mới trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của Tổng công ty trong những năm tới.

Trong 25 năm qua, Tổng công ty đã tổ chức đào tạo được hàng trăm khóa học ở nước ngoài với tổng số hơn 35.000 lượt người trong nước và 2.000 lượt người ở nước ngoài, tổ chức bay cảm giác cho hơn 1.500 lượt kiểm soát viên không lưu. Đến nay, Tổng công ty đã có 183 người đạt trình độ tiến sỹ, thạc sỹ; 1.972 người đạt trình độ đại học, cao đẳng; 617 kiểm soát viên không lưu, 100% kiểm soát viên không lưu trong dây chuyền điều hành bay đều đạt tiêu chuẩn tiếng Anh mức IV theo quy định của ICAO. Hiện nay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có 1.124 nhân viên không lưu, 194 nhân viên thông báo tin tức hàng không, 176 nhân viên khí tượng hàng không và 1.084 cán bộ, nhân viên kỹ thuật quản lý bay

Ý kiến của bạn

Bình luận