Vận tải ven biển: Tiếp tục thúc đẩy để giữ đà tăng trưởng

Tác giả: Công Thành

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 14/12/2017 06:45

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đối với các cơ quan chức năng trong việc giữ vững đà tăng trưởng mạnh của tuyến vận tải ven biển.

DSC02977
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cùng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Cục ĐTNĐ Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam tại Hội nghị Tổng kết 03 năm triển khai tuyến vận tải ven biển

Tận dụng hiệu quả

Ngày 13/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết 03 năm triển khai tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình - Bình Thuận - Kiên Giang.

Theo thống kê của Cục ĐTNĐ Việt Nam từ tháng 7/2014 đến tháng 10 năm nay, trên tuyến vận tải ven biển (Quảng Ninh – Quảng Bình – Bình Thuận – Kiên Giang) có tổng số 1.551 phương tiên mang cấp VR-SB đang hoạt động, tổng khối lượng vận chuyển đạt 47 triệu tấn, tính bình quân số hàng hóa đã chuyên chở đạt 1.171 tấn/tháng. Và đã có trên 48 nghìn lượt tàu sông pha biển vào, rời các cảng, bến thủy nội, cảng biển.

Riêng 10 tháng đầu năm nay, các Cảng vụ ĐTNĐ, Hàng hải làm thủ tục vào, rời cảng, bến thủy nội địa, cảng biển cho trên 23 nghìn lượt phương tiện với trên 21 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển. So với cùng kỳ năm 2016, tăng 162,9% về lượt phương tiện, tăng 153,7% về sản lượng hàng hóa thông qua cảng, bến thủy nội địa, cảng biển.

“Thông qua hoạt động của tuyến ven vận tải ĐTNĐ ven biển đã góp phần từng bước giảm tải cho vận tải đường bộ. Đồng thời thực hiện tốt chiến lược phát triển dịch vụ vận tải và thúc đẩy tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, tạo sự kết nối trong vận tải”, Ts. Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT đánh giá.

DSC02995
Ts. Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT phát biểu tại Hội nghị.

Đánh giá về hiệu quả của tuyến vận tải ven biển, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật ghi nhận, sau 3 năm triển khai hoạt động, tuyến vận tải ven biển đã đạt được những hiệu quả nhất định, góp phần rất lớn vào bảo đảm tiến độ thi công các dự án trọng điểm quốc gia, nhà máy, khu công nghiệp ven biển.

Tuyến vận tải ven biển đã nhận được sự quan tâm, khuyến khích từ Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT. Nhờ đó, Cục ĐTNĐ Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã quyết liệt đổi mới công tác quản lý, đồng hành cùng doanh nghiệp; không ngừng tăng cường công tác quản lý, lắng nghe, nắm bắt thông tin, kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và đạt được kết quả khả quan, công tác này đã được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.

“Quan điểm của Bộ GTVT là phát triển mạnh tuyến vận tải ven biển, nhằm vận chuyển hàng hóa, giảm tải cho đường bộ đồng thời tận dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng mà thiên nhiên ban tặng, kết nối hàng hóa giữa đường thủy và hàng hải,…”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.

DSC03036
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật chỉ đạo tại Hội nghị.

Cũng theo Thứ trưởng, bên cạnh những mặt tích cực mà tuyến vận tải ven biển đang đạt được, thực tiễn quá trình hoạt động hiện nay vẫn còn một số bất cập. Vì vậy, qua Hội nghị này, Thứ trưởng yêu cầu Vụ Vận tải, Bộ GTVT tiếp thu toàn bộ ý kiến từ phía doanh nghiệp và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tìm giải pháp khắc phục nhằm góp phần tạo nên một tuyến vận tải ven biển mạnh mẽ hơn nữa.

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, 3 Cục ĐTNĐ VN, Đăng kiểm VN, Hàng hải VN cần rà soát lại tất cả các quy định pháp luật về hoạt động của tuyến vận tải ven biển, để củng cố hành lang pháp lý chặt chẽ, đảm bảo sự hài hòa giữa hệ thống pháp luật và sự chấp hành của người dân, doanh nghiệp. Tất cả vì mục đích thúc đẩy sự phát triển của tuyến, trong đó, việc khích lệ, tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp để đảm bảo điều kiện hoạt động phù hợp, năng suất cao và an toàn là yếu tố quan trọng nhất.

Đẩy mạnh mọi giải pháp thúc đẩy

Tại Hội nghị, Ts Nguyễn Ngọc Thạch – Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực III cho biết, hiện nay có 3 cơ quan chức năng cùng tham gia quản lý Nhà nước trên tuyến vận tải ven biển gồm Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam và Cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc Sở GTVT. Đây là một bất cập cần tháo gỡ, bởi 3 cơ quan này đều tham gia kiểm tra, cấp giấy vào, rời cảng, bến và thu phí, lệ phí mà chưa có cơ quan làm đầu mối thống nhất quản lý, kết nối các dữ liệu cũng như minh bạch số liệu để các cơ quan quản lý Nhà nước cùng khai thác và quản lý.

DSC03005
Ts Nguyễn Ngọc Thạch – Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực III phát biểu từ điểm cầu Tp. Hồ Chí Minh

“Thông qua Hội nghị này, tôi kiến nghị chúng ta cần triển khai nghiên cứu việc có một Nghị định quy định về hoạt động của tuyến vận tải ven biển dựa trên Luật ĐTNĐ và Luật Hàng hải. Vì hiện nay, áp dụng Luật ĐTNĐ vào tuyến ven biển thì bị thiếu, áp dụng luật Hàng hải thì lại thừa. Khi có cơ chế pháp luật phù hợp, cụ thể thì chúng ta mới đỡ cảnh loanh quanh, luẩn quẩn trong công tác quản lý Nhà nước và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của tuyến vận tải ven biển”, Ts. Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ.

Cũng tại Hội nghị, một số doanh nghiệp cho rằng, việc phân cấp, hạng tàu VR-SB, phạm vi hoạt động,… hiện nay còn tồn tại nhiều khó khăn. Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, cơ sở pháp luật, các tiêu chuẩn hiện hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu các cơ quan tham mưu của Bộ cũng như các cơ quan chức năng liên quan ghi nhận ý kiến và rà soát, nghiên cứu những tồn tại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

DSC03004
Lê Đoàn Tám – Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty cổ phần đóng tàu Thái Bình Dương phát biểu kiến nghị của các doanh nghiệp hoạt động trên tuyến vận tải ven biển.

Trong thời gian tới, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ xây dựng và hoàn thiện phần mềm về quản lý hoạt động của phương tiện đi ven biển mang cấp VR-SB để các Cảng vụ Hàng hải và ĐTNĐ khu vực, Cảng vụ ĐTNĐ địa phương khi làm thủ tục cho phương tiện vào/rời cảng bến thực hiện cập nhật đầy đủ dữ liệu liên quan vào cơ sở dữ liệu để quản lý. Đồng thời rà soát các quy định về định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa và chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa cho phù hợp với hoạt động thực tiễn.

Đồng thời, Cục ĐTNĐ Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ nghiên cứu, đánh giá để có khuyến nghị với chủ phương tiện khi có nhu cầu đóng mới trong việc lựa chọn phương tiện có kích thước, trọng tải phù hợp để phát huy tối đa hiệu quả của phương tiện trong sử dụng, khai thác và phù hợp với quy hoạch.

Mặt khác, Đề án lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS và trang bị VHF trên phương tiện thủy nội địa sẽ sớm được triển khai trên toàn quốc theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ GTVT sớm ban hành Thông tư sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng mới phương tiện thủy nội địa bắt buộc phải lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS trên cơ sở kết quả thẩm định của Bộ Khoa học công nghệ.

Ý kiến của bạn

Bình luận