Vận tải công cộng gỡ nút thắt cho giao thông đô thị

Tác giả: Hoàng Thạch

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 31/03/2019 15:10

Phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt và các loại hình vận tải khác theo hướng cung cấp dịch vụ thuận tiện, phù hợp với nhu cầu đi lại của đa số người dân. Việc khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, tàu điện… tạo tiền đề cho việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giải quyết UTGT khi đô thị ngày càng phát triển là bài toán đặt ra đối với các đô thị lớn của Việt Nam.

 

BRT
 

Phải coi vận tải công cộng là điểm nhấn của giao thông đô thị

Mục tiêu chiến lược đã được Chính phủ và ngành GTVT đề ra là phát triển mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt đồng bộ và tương thích giữa các loại hình vận tải trong đô thị (đường sắt đô thị, tàu điện ngầm, đường thủy) và từ trung tâm đô thị đến các huyện, thị thuộc tỉnh, thành phố, từ các đô thị đặc biệt đến các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp.

Phát triển VTHKCC bằng xe buýt theo hướng cung cấp dịch vụ xe buýt thuận tiện, phù hợp với nhu cầu đi lại của đa số người dân (bao gồm số lượt xe buýt chạy trong ngày, thời gian mở tuyến và đóng tuyến, bố trí điểm dừng, đón, trả khách phù hợp, phát hành các loại vé đi xe buýt thuận tiện sử dụng) để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, tạo tiền đề cho việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giải quyết UTGT khi tốc độ đô thị ngày càng nhanh. Theo đó, sẽ xây dựng mạng lưới tuyến hợp lý, bảo đảm thuận lợi cho việc đi lại của người dân theo hướng phát triển tuyến xe buýt đến trung tâm các huyện, thị xã, các khu công nghiệp thuộc tỉnh, thành phố.

Nhằm nâng cao chất lượng phương tiện VTHKCC bằng xe buýt, bảo đảm đầu tư phương tiện phù hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và nhu cầu đi lại của người dân, các tỉnh, thành phố cần đầu tư phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường; áp dụng công nghệ mới trong việc quản lý và điều hành hoạt động xe buýt, đảm bảo điều chỉnh hợp lý và giám sát dịch vụ xe buýt.

Lấy xe buýt làm trung tâm phát triển vận tải công cộng

xe buyt ha noi
Hà Nội tăng cường đầu tư cho vận tải công cộng

 Thời gian qua, ngành GTVT cũng như các địa phương đã tập trung quy hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe buýt đến năm 2020 để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trước mắt và lâu dài, góp phần hạn chế vấn đề UTGT.

Trên cơ sở quy hoạch chiến lược phát triển VTHKCC đã được Chính phủ phê duyệt với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, yêu cầu đặt ra là cần tập trung quy hoạch lại mạng lưới tuyến xe buýt hiện có, kết hợp với việc đầu tư các tuyến xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn và hệ thống đường sắt đô thị, tàu điện ngầm trong thời gian tới; nghiên cứu lập quy hoạch để đưa dịch vụ xe buýt kết nối giữa trung tâm thành phố, thị xã với trung tâm các huyện, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân đối với các tỉnh trung du, miền núi.

Song song, các địa phương đã và đang đầu tư phương tiện tham gia hoạt động VTHKCC bằng xe buýt. Theo đó, phương tiện tham gia VTHKCC bằng xe buýt phải đảm bảo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định; khuyến khích việc đầu tư các phương tiện xe buýt sàn thấp, xe buýt có thiết bị hỗ trợ người khuyết tật, xe buýt sử dụng nhiên liệu giảm ô nhiễm môi trường; việc đầu tư phương tiện xe buýt phải bảo đảm phù hợp với hạ tầng giao thông.

Trên cơ sở hạ tầng hiện có cần xem xét ưu tiên bố trí làn đường ưu tiên cho xe buýt. Đối với hạ tầng đầu tư mới cần thiết kế và xây dựng làn đường ưu tiên cho xe buýt, bảo đảm kết hợp hài hòa để khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống bến xe buýt và cầu vượt dành cho người đi bộ trong đô thị; khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng để đáp ứng việc phát triển VTHKCC bằng xe buýt.

Nhằm thu hút người dân tham gia sử dụng VTHKCC thì vấn đề quản lý chất lượng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt cần được quan tâm đặc biệt. Đối với các tỉnh, thành phố có số lượng tuyến xe buýt lớn, do nhiều đơn vị tham gia vận chuyển hành khách cần nghiên cứu thành lập trung tâm quản lý hoạt động VTHKCC để giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ xe buýt; ứng dụng công nghệ mới để quản lý, điều hành đối với hoạt động VTHKCC bằng xe buýt; quy định về đấu thầu áp dụng trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt nhằm bảo đảm tính minh bạch, nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ; áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt.

Để thu hút người dân sử dụng VTHKCC cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng đi xe buýt, tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc trong lĩnh vực VTHKCC bằng xe buýt; tuyên truyền đến người dân về lợi ích, tác dụng của việc đi xe buýt, các thông tin về chất lượng dịch vụ xe buýt, các cơ chế chính sách đối với người đi xe buýt như: Miễn vé, giá vé tháng ưu đãi; tổ chức đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ phục vụ hoạt động VTHKCC bằng xe buýt, đặc biệt là đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ để đảm bảo chất lượng phục vụ hành khách tốt nhất; tuyên truyền giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp người lái xe, nhân viên phục vụ để tăng cường trách nhiệm, thái độ phục vụ hành khách, ý thức chấp hành pháp luật TTATGT trong quá trình làm việc.

Tạo cơ chế thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Trên cơ sở chiến lược phát VTHKCC, Bộ GTVT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và ban hành định mức khung kinh tế - kỹ thuật áp dụng cho hoạt động VTHKCC bằng xe buýt; hướng dẫn quy định về đấu thầu áp dụng trong hoạt động VTHKCC bằng xe buýt; phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quy hoạch phát triển mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt và hướng dẫn các vấn đề có liên quan.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT thường xuyên cập nhật tổng hợp, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển VTHKCC bằng xe buýt của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để người dân tích cực hưởng ứng sử dụng VTHKCC, tạo cơ chế cho doanh nghiệp đầu tư phát triển thì các tỉnh, thành phố cần xem xét, quyết định việc trợ giá cho các tuyến xe buýt thiết yếu, đáp ứng nhu cầu giảm UTGT nhưng có doanh thu chưa đủ bù đắp chi phí đối với các đô thị từ loại II trở lên, đảm bảo tính ổn định của mạng lưới tuyến xe buýt. Mặt khác, các thành phố cần ưu tiên việc mua phương tiện để tham gia hoạt động VTHKCC bằng xe buýt, đặc biệt ưu tiên đối với các dự án đầu tư phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường như khí ga LPG, CNG được vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Hà Nội: “Điểm sáng” phát triển vận tải hành khách công cộng

Đến nay, mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt tại Hà Nội bao gồm 112 tuyến (tăng 64% so với năm 2008 khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội), trong đó 92 tuyến buýt có trợ giá, 20 tuyến buýt không trợ giá (9 tuyến nội đô, 10 tuyến buýt kế cận, 01 tuyến city tour) với mức độ bao phủ của mạng lưới tuyến buýt đạt 30/30 quận, huyện (đạt 100%, tăng 37%), tương ứng với 411/582 xã, phường, thị trấn (đạt 70%, tăng 28%). Dịch vụ xe buýt cũng đã tiếp cận tới khoảng 98% bệnh viện, 100% các trường đại học, cao đẳng, 86% các khu công nghiệp, trên 90% khu đô thị trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt từ ngày 01/01/2017, Thành phố đã chính thức đưa vào vận hành tuyến buýt nhanh BRT 01 (Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa) đầu tiên của cả nước, bước đầu đã phát huy hiệu quả thu hút hành khách đi xe, tạo hình ảnh giao thông trật tự, văn minh. Sản lượng hành khách bình quân hàng năm của xe buýt đạt trên 450 triệu lượt hành khách.

Hạ tầng xe buýt luôn được quan tâm và đầu tư phát triển, góp phần cải thiện chất lượng phục vụ của mạng lưới. Đến nay, hệ thống hạ tầng xe buýt gồm 3.123 điểm dừng, 365 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 96 điểm đầu cuối, 12,9km đường dành riêng cho xe buýt (trong đó 11,6km làn đường riêng chỉ dành cho tuyến BRT). Một số tiện ích lắp đặt cùng với hạ tầng xe buýt phục vụ thông tin cho hành khách cũng được quan tâm triển khai như lắp bảng điện tử tích hợp hệ thống GPS trên nhà chờ xe buýt.

Đoàn phương tiện xe buýt cũng được quan tâm đầu tư đổi mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Tổng số phương tiện xe buýt trên toàn mạng hiện nay là 1.794 xe, các xe đều được trang bị hệ thống tự động báo điểm dừng, đèn LED, wifi, ghế ưu tiên cho người già, trẻ em, người khuyết tật... Ngoài ra, từ ngày 01/8/2018, Công ty Bảo Yến đã đưa vào hoạt động 50 xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch khí CNG trên 3 tuyến buýt (CNG01, CNG02, CNG03). Đây là một trong những bước khởi đầu để hướng tới đoàn phương tiện thân thiện với môi trường trong tương lai.

Chất lượng dịch vụ buýt trong thời gian qua cũng có nhiều chuyển biến tích cực: Số chuyến lượt vận hành đạt 99,95 - 100%; đảm bảo yêu cầu an toàn và chất lượng tốt; các dịch vụ khách hàng được bổ sung như dịch vụ đường dây nóng, phần mềm timbuyt.vn; bảng thông báo xe sắp đến tại các điểm dừng; đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ được tăng cường đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp…

Ý kiến của bạn

Bình luận