Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông sự ảo tưởng về quyền lực

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Thế giới xe 01/10/2019 13:56

Cậy quyền, cậy “quan hệ” dường như luôn là những tấm “thẻ bài” cho nhiều người khi vi phạm quy định, luật pháp, đặc biệt là vi phạm giao thông.

69349037_2463158147095508_205420541941645312_o

Hiện tượng không biết mình là ai

“Mày biết tao là ai không?” đang là một trong những câu nói được truyền bá và tìm kiếm nhiều nhất trong vài tháng qua. Bởi lẽ, câu nói này xuất hiện liên tục mỗi khi xảy ra những sự cố, vi phạm liên quan đến giao thông.

Cuối tháng 7 vừa qua, tại khu vực hạng thương gia trên chuyến bay số hiệu VN253 từ Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh của Vietnam Airlines, một vị đại gia bất động sản trong tình trạng say rượu sau khi có hành vi sàm sỡ một cô gái trẻ ngồi bên cạnh đã bị tiếp viên và phi công yêu cầu xuống máy bay. Tuy nhiên, ngay sau đó vị doanh nhân này đã lớn tiếng đe dọa tiếp viên hàng không rằng: “Mày biết tao là ai không? Mày tin tao gọi sếp to xử hết chúng mày không?” khiến dư luận bất bình phản ứng.

Đặc biệt, chỉ sau vụ đại gia bất động sản này vài tuần, tại Thanh Hóa một người đàn ông lái xe ô tô biển xanh trong tình trạng say xỉn, khi lực lượng CSGT làm nhiệm vụ gần đó ra nhắc nhở thì người đàn ông này không chỉ thẳng tay “tặng” cho anh cảnh sát một cái tát mà còn tiếp tục chửi bới, nâng giọng đầy thách thức “Mày có biết tao là ai không?”.

Không biết từ bao giờ, câu hỏi này lại trở thành câu cửa miệng của vô số người mỗi khi vi phạm pháp luật, vi phạm luật giao thông. Tưởng chừng cụm từ “Mày có biết tao là ai không” là một câu hỏi khá giản đơn nhưng lại không hề giản đơn. Đó là một câu hỏi tu từ hay nói cách khác là một sự khẳng định. Khi đã khẳng định như vậy có nghĩa là người nói là nhân vật quan trọng, hay ít ra mối quan hệ của người nói với những “ông to - bà lớn” sẽ tác động và ảnh hưởng đến vị trí của lực lượng chức năng. 

Câu chuyện này khiến chúng ta nhớ lại sự việc hai năm trước đây. Tại TP. Cần Thơ, khi phát hiện một ô tô chạy quá tốc độ cho phép, CSGT đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì người đàn ông ngồi ghế trước cạnh tài xế liên tục lăng mạ, đe dọa lực lượng làm nhiệm vụ. Người đàn ông xúc phạm CSGT ở quận Bình Thủy này nguyên là Trung tướng Bộ Quốc phòng. Ông ta còn rút thẻ đỏ, trong đó có hình ông ta mặc quân phục, hàm Trung tướng giơ ra trước mặt viên cảnh sát với thái độ “Mày biết tao là ai không?”.

Về vấn đề này, TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nhìn nhận, câu hỏi làm dậy sóng dư luận “Mày biết tao là ai không?” không còn gì xa lạ. Nhiều người có những vị trí nhất định trong xã hội, được đánh giá có vị thế, nhận thức, khi vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm pháp luật đã tự cho mình cái quyền đứng trên tất cả. Khi bị phát hiện có hành vi xấu, họ thường đem những vị thế xã hội hoặc những mối quan hệ quen biết của mình ra để mong gây áp lực cho người khác. Đây là việc khá phổ biến trong xã hội những năm gần đây.

Nghiêm minh xử lý, xây dựng văn hóa ứng xử

Trong các xã hội văn minh, càng lên cao, ở những vị trí có ảnh hưởng nhất định trong xã hội thì càng phải khiêm nhường, đúng mực, nếu không thể làm gương thì ít nhất cũng tuân thủ mọi quy chuẩn xã hội. Chỉ có những người mông muội mới tự cho mình quyền tối thượng, đứng trên tất cả, bất cần lý lẽ, luật lệ. Bởi lẽ, không có bất cứ một ông hoàng bà chúa nào hỏi câu: “Mày biết tao là ai không?” mà lại khiến người nghe cảm thấy sợ hãi, phải quy phục.

Điều này được minh chứng rất rõ thông qua hàng loạt các vụ việc trên. Sau hành vi sàm sỡ hành khách, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhân viên hàng không của mình, đại gia bất động sản bị phạt 10 triệu đồng theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Cũng như đại gia bất động sản, từ người đàn ông lái xe biển xanh tại Thanh Hóa cho đến tài xế chở vị trung tướng Bộ Quốc phòng đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. 

Mặc dù đã có nhiều tấm gương, nhiều bài học thấm thía được rút ra nhưng thực tế hiện nay cho thấy, việc lạm dụng quan hệ để xử lý vi phạm giao thông vẫn còn tồn tại. Nhìn nhận rõ nhất từ các bốt CSGT, thay vì xuống xe xuất trình giấy tờ, trao đổi về những hành vi được cho là vi phạm, một số người nếu không ưỡn ngực “Mày biết tao là ai không?” thì cũng ngay lập tức rút điện thoại “gọi cho người thân”. Và tất nhiên, giải pháp này đôi khi cũng khả thi nên vẫn thường xuyên được sử dụng.

Vấn đề này phản ánh một thực tế bất công trong xã hội, một ý thức không đẹp trong cách ứng xử của người Việt Nam. Để thay đổi điều này không dễ, cần có thời gian và những giải pháp nhất quán.

Cũng theo TS. Khuất Thu Hồng, việc dùng vị thế xã hội hay mối quan hệ thân quen để gây áp lực cho thấy thực tế trong xử lý từng có sự nể nang, nương nhẹ, bỏ qua. Do đó, không thể để pháp luật hay các quy ước của chúng ta tồn tại ở một chuẩn mực kép, tức là cùng một hành vi vi phạm nhưng với người này thì bị xử lý, với người khác lại không. Việc thực thi pháp luật không nghiêm dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật, bất chấp luân thường đạo lý.

Luật pháp phải rất nghiêm minh, thống nhất cách áp dụng với bất kỳ ai. Có như vậy, tâm lý ỷ thế, cậy quyền mới không còn đất để dung dưỡng, từ đó mới có thể thay đổi nhận thức xã hội và răn đe những người khác

Ý kiến của bạn

Bình luận