“Văn hóa bấm còi” - chuyện đáng bàn

Bạn đọc 17/12/2016 16:20

Theo quy định, còi xe là thiết bị bắt buộc phải lắp đặt trên các phương tiện cơ giới khi tham gia giao thông nhằm mục đích nhắc nhở và cảnh báo khi cần thiết. Tùy loại phương tiện mà còi xe được thiết kế với âm lượng khác nhau.

“Văn hóa bấm còi” - chuyện đáng bàn

Tuy nhiên, không ít người dường như chưa hiểu được mục đích của thiết bị này nên đã cải tiến theo ý mình và sử dụng tiếng còi một cách tùy tiện khiến người xung quanh khó chịu, ức chế. Thực sự, "văn hóa bấm còi" là chuyện đáng bàn.

Thói quen “còi to cho vượt”

Khi tham gia giao thông, chúng ta không khó để bắt gặp trường hợp, khi đèn đỏ còn khoảng vài giây, những người điều khiển ô tô, xe máy ở phía sau đã hối thúc người đi phía trước bằng việc bấm còi inh ỏi. Thậm chí có người còn sử dụng “còi chế”, tạo ra những âm thanh kỳ quái, khiến người khác “hết hồn”, phải “dạt” sang một bên. Cũng có khi trên những con đường vắng, nhiều người lạm dụng việc bấm còi để cảnh báo người đi bộ băng qua đường hoặc vượt mặt các phương tiện giao thông khác.

Việc bấm còi vô tội vạ không chỉ khiến nhiều người khó chịu mà còn khiến người tham gia giao thông có thể bị giật mình, ảnh hưởng đến việc lái xe. Trong số này có không ít xe buýt, xe khách, xe tải với thói quen lạm dụng việc bấm còi. Thực tế, âm thanh đinh tai nhức óc này không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thính giác của người đi đường nếu mức âm thanh vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Thậm chí đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm có nguyên nhân từ chính “văn hóa bấm còi” này.

Hãy tiết kiệm tiếng còi

Nhiều người có thói quen khi sử dụng xe máy, xe tải, xe taxi, xe buýt… thường chú trọng tiếng còi, đặc biệt là âm lượng khiến tiếng còi thường kêu to, kéo dài. Có người lý giải do tâm lý ngại đường sá chật hẹp, hỗn loạn, xe cộ san sát, lái xe mà không bóp còi thì quá ư nguy hiểm, tai nạn sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, tiếng còi là hiệu lệnh, sử dụng đúng lúc, đúng nơi, vừa âm lượng mới là hành vi cần hướng tới.

Tiếng còi lớn và chát chúa luôn tạo nguy hiểm cho nhiều người tham gia giao thông. Trên thực tế, việc sử dụng còi trái phép, hoặc không tự ý thức về hành vi sử dụng còi đều bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26-5-2016 quy định, đối với ô tô và các loại xe tương tự ô tô, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau, phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi; phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có hành vi bấm còi trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau…

Mặc dù đã có những quy định xử phạt như trên, nhưng theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội), việc xử phạt những người điều khiển giao thông vi phạm về còi xe là không dễ. Ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử phạt của lực lượng chức năng, điều quan trọng là phải nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Thực tế cho thấy, để người dân đi lại thuận tiện, hạn chế người điều khiển bấm còi bừa bãi, tại các nút giao thông, các cơ quan chức năng cần xem xét cho phép các phương tiện được phép rẽ phải khi có đèn đỏ và dành một làn đường kẻ “vạch mắt võng”, báo hiệu các phương tiện không dừng đỗ trong làn đường này để nhường đường cho các phương tiện rẽ phải. Bên cạnh đó, khi ùn tắc giao thông, người điều khiển phương tiện cần kiên nhẫn, không bấm còi tùy tiện để vượt lên bằng mọi cách. Điều đặc biệt, người dân nên coi việc sử dụng còi xe hợp lý là một nét văn hóa và là trách nhiệm của mỗi người.

Ý kiến của bạn

Bình luận