Vai trò của Logistics trong nền kinh tế

Tác giả: Vũ Xuân Phong

saosaosaosaosao
26/06/2016 06:05

Logistics tác động đến hầu hết hoạt động của con người, dù trực tiếp hay gián tiếp.

Hinh minh hoa kem theo

VAI TRÒ CỦA LOGISTICS

 Logistics tác động đến hầu hết hoạt động của con người, dù trực tiếp hay gián tiếp. Ít có hoạt động kinh doanh nào lại có tác động quan trọng tới mức sống của xã hội như logistics. Là người tiêu dùng, chúng ta hầu như chỉ nhận ra vai trò của logistics khi nào có vấn đề phát sinh như trong các trường hợp sau:

  • Qua mạng Internet, một người mua món quà sinh nhật cho một thành viên trong gia đình, nhưng món quà đó được giao quá trễ dù người bán đã cam kết giao hàng đúng hạn.
  • Một sản phẩm được quảng cáo trên báo cuối tuần, người tiêu dùng muốn mua sản phẩm đó nhưng sản phẩm đó không có bán tại một cửa hàng bán lẻ ở địa phương.
  • Một chuyến hàng gồm thuốc men, thực phẩm dùng để cứu trợ cho nạn nhân của một thảm họa thiên nhiên ở nước ngoài nhưng hàng không được giao cho những người cần vì không có đủ phương tiện vận tải và kho hàng hoặc không thích hợp.
  • Một nhà máy chế tạo ô tô phải đóng cửa do công nhân đình công phải tạm dừng chuyến hàng cung cấp phụ tùng và thiết bị quan trọng cho hoạt động của hệ thống chế tạo just-in-time.
  • Một đơn hàng được giao nhầm cho một khách hàng khác, phải mất nhiều ngày để khắc phục sự cố này, hàng thay thế phải được gửi chuyển phát nhanh bằng đường hàng không, làm phát sinh chi phí cho người bán hàng.

 

Bình thường, chúng ta không nghĩ tới vai trò của logistics trong cuộc sống, chỉ khi có vấn đề gì phát sinh ta mới nghĩ tới logistics. Rất may là những phát sinh trên đây đối với logistics chuyển phát (Delivery Logistics) hay logitstic thương mại ( Trade Logistics), chỉ là những ngoại lệ, không phải là quy luật.

Do những tác động quan trọng của logistics đối với xã hội, các ngành công nghiệp, các tổ chưc và cá nhân nên chúng ta phải tiếp cận tổng quan về logistics. Bài viết chỉ lược qua một số vấn đề: Những nét cơ bản về logistics, tiếp cận hệ thống trong logisctics, tìm hiểu vai trò của logistics đối với đời sống xã hội và mỗi tổ chức, tóm tắt tầm quan trọng của việc quản lý logistics tích hợp và đề xuất trong tình hình phát triển của ngành Logistics nước ta hiện nay.

ĐỊNH NGHĨA VỀ QUẢN TRỊ LOGISTICS

Để hiểu logistics, chúng ta phải hiểu Quản trị logistics là gì? Có nhiều khái niệm khác nhau, nhưng phổ biến những người thực hành logistics chấp nhận khái niệm Quản trị logistics. Hội đồng Quản lý Logistics (Council of Logistics Management - CLM) - một tổ chức hàng đầu cho các nhà logistics chuyên nghiệp với hơn 15.000 hội viên đã đưa ra định nghĩa về Quản trị logisctics như sau: “Quản trị logistics, một phần của chuỗi cung ứng là đặt kế hoạch, thực hiện và thực hiện hữu hiệu việc luân chuyển và dự trữ hàng hóa, dịch vụ và thông tin liên quan từ điểm xuất xứ đến điểm tiêu thụ nhằm đáp ứng những yêu cầu của khách hàng”.

Định nghĩa này bao gồm cả việc luân chuyển hàng hóa, dịch vụ và thông tin trong cả lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ. Các thực thể sản xuất bao gồm mọi loại hình công ty chế tạo hàng hóa từ phân khúc xe cộ, máy tính, máy bay và thực phẩm. Lĩnh vực dịch vụ bao gồm những thực thể như các cơ quan chính phủ, bệnh viện, ngân hàng, các trường đại học, bán buôn và bán lẻ... có nhiều hoạt động trong quản trị logistics. Nguồn đầu vào của quá trình logistics gồm các nguồn tự nhiên, nhân lực, tài chính và thông tin. Người hoạt động trong lĩnh vực logistics lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát những nguồn đầu vào này dưới nhiều dạng khác nhau bao gồm nguyên liệu thô (như các cụm lắp ráp, phụ tùng, vật liệu bao bì đóng gói, các sản phẩm căn bản); tồn kho trong quá trình sản xuất (như bán thành phẩm - những sản phẩm đã được hoàn thành một phần nhưng chưa sẵn sàng để bán ra) và thành phẩm (là những sản phẩm đã được chế tạo hoàn chỉnh sẵn sàng bán cho người trung gian hay người tiêu thụ cuối cùng).

Đầu ra của hệ thống logistics gồm lợi thế cạnh tranh cho một tổ chức - kết quả thông qua định hướng cạnh tranh và kết quả hoạt động có hiệu quả, tiện ích thời gian và địa điểm (time and place utility), di chuyển hữu hiệu hàng hóa đến người tiêu dùng. Nguồn ra khác được hình thành dịch vụ logistics tích hợp để logistics trở thành một tài sản được đăng ký bản quyền của một tổ chức. Đầu ra này của logistics đạt được do thực hiện hữu hiệu những hoạt động logistics.

Logistics

TIẾP CẬN HỆ THỐNG/TÍCH HỢP

Tiếp cận hệ thống là một khái niệm quan trọng trong logistics. Logistics bản thân nó là một hệ thống, đó là hệ thống những hoạt động có liên quan nhằm quản trị có trật tự dòng luân chuyển vật tư và nhân lực trong dòng logistics.

Tiếp cận hệ thống được hiểu một cách đơn giản là khuôn mẫu để hiểu những mối quan hệ tương quan. Tiếp cận hệ thống đơn giản quy định là mọi chức năng hay hoạt động cần được hiểu chúng tác động tới hoặc chịu tác động bởi các yêu tố và hoạt động khác mà logistics tương tác. Ý tưởng là nếu ta nhìn vào những hoạt động một cách riêng lẻ, ta sẽ không hiểu bức tranh lớn hoặc những hoạt động đó tác động thế nào tới hoặc bị tác động bởi các hoạt động khác. Thực chất là kết quả của một loạt hoạt động lớn hơn từng phần riêng biệt.

Trong khi muốn có mức dự trữ cao nhằm thực hiện đơn hàng của khách hàng, dự trữ cao dẫn đến tăng phí lưu kho cũng như tăng rủi ro mất giá vô hình. Những yếu tố bất lợi này phải được cân đối với các yếu tố có lợi khác để đạt được sự kết hợp tốt nhất trước khi đi đến quyết định về mức dự trữ. Không xem xét tác động của những quyết định trên một hệ thống lớn như của một hãng hay một kênh phân phối, thường xảy ra tình trạng kém tối ưu hóa. Nghĩa là, trong khi các hoạt động riêng lẻ trong hệ thống tỏ ra hoạt động tốt, nhưng kết quả thực tế trên toàn hệ thống tương đối kém. Để hiểu các cơ hội nhằm cải thiện những cơ hội hoặc liên quan đến các cơ hội, hệ thống phải được xem xét một cách tổng thể.

Việc tồn kho vượt quá mức sẽ làm tăng chi phí trong suốt chuỗi cung ứng, nhưng nó được coi như cái đệm chống lại sự không biết chắc về việc các yếu tố cấu thành khác của chuỗi cung ứng sẽ phản hồi lại như thế nào. Do vậy, chuỗi cung ứng tổng thể kém hữu hiệu hơn so với những gì lẽ ra nó phải đạt được. Xoay quanh vấn đề này, Phòng DeskJet của Hewlett-Packard đã áp dụng tiếp cận hệ thống để quản lý mức tồn kho trong chuỗi cung ứng. Tiếp cận hệ thống là mấu chốt để hiểu vai trò của logistics trong nền kinh tế, vai trò của logistics trong từng tổ chức, kể cả mặt chung với marketing, khái niệm chi phí tổng thể và chiến lược logistics.

VAI TRÒ CỦA LOGISTICS TRONG NỀN KINH TẾ

Sự giàu có của người tiêu dùng dẫn đến sự tăng trưởng thị trường hàng hóa và dịch vụ trong nước và quốc tế. Trong thập niên qua, hàng ngàn sản phẩm đã được sản xuất và hiện đang được bán và phân phối cho người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường được mở rộng nhưng cũng đầy thách thức và việc tăng nhanh những sản phẩm và dịch vụ mới, nhiều hãng kinh doanh đã tăng quy mô và mức độ phức hợp của hãng mình. Vận hành nhiều nhà máy đang thay cho việc chỉ vận hành một nhà máy. Việc phân phối sản phẩm từ điểm xuất xứ đến điểm tiêu dùng đang trở thành một yếu tố cấu thành quan trọng trong tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của nhiều quốc gia công nghiệp.

Ví dụ ở Mỹ, 9,9% GDP là do logistics đóng góp. Con số thống kê cho thấy, năm 1999, công nghiệp Mỹ chi 554 tỷ USD cho cước vận tải, hơn 332 tỷ USD cho chi phí kho hàng, lưu kho, chi phí dự trữ hàng và hơn 40 tỷ USD cho việc hành chính, thông tin và quản trị logistics, tổng số là 921 tỷ USD. Đầu tư cho phương tiện vận tải và phân phối, không kể các nguồn công cộng, ước tính hàng trăm tỷ USD. Xét về mặt sử dụng đất, lao động, tiền vốn và tác động đến mức sống, logistics thực sự là một ngành kinh doanh lớn.

dichvu-vanchuyen

Là một thành tố quan trọng đóng góp vào GDP, logistics tác động tới việc mất giá đồng tiền, mức lãi ngân hàng, năng suất lao động, giá năng lượng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Một báo cáo nghiên cứu cho thấy, bình quân doanh nghiệp Mỹ có thể cải thiện nâng năng suất logistics lên 20% hoặc hơn. Nâng cao năng suất lao động của một quốc gia có động thái tích cực đến giá cả trả cho hàng hóa và dịch vụ, đến cân bằng cán cân thanh toán của quốc gia, giá trị đồng tiền và khả năng cạnh tranh hữu hiệu trên thị trường toàn cầu, lợi nhuận của ngành Công nghiệp (năng suất lao động cao, có nghĩa là chi phí thấp cho hoạt động sản xuất và phân phối số sản phẩm tương đương số đã sản xuất ra), có tư bản để đầu tư và tăng trưởng kinh tế dẫn đến yêu cầu cao về lao động.

Để làm rõ vai trò của logistics trong nền kinh tế Mỹ, ta hãy xem những con số so sánh chi phí cho logistics với chi phí cho các hoạt động xã hội khác. Số chi phí cho dịch vụ logistics lớn gấp 10 lần so với chi phí cho quảng cáo; gấp 2 lần so với chi phí cho quốc phòng và ngang với chi phí cho y tế.

Năm 1981, chi phí cho logistics chiếm khoảng 16,5% GDP. Nếu chi phí logistics cứ ở mức cao như vậy (thay cho mức 9,9% GDP như hiện nay) thì năm 1999, nước Mỹ phải chi thêm khoảng 300 tỷ cho logistics, điều đó có nghĩa là giá tiêu dùng cao hơn, lợi nhuận của dịch vụ sẽ thấp hơn hoặc cả hai tác động đó. Kết quả cuối cùng là hạthấpmứcsốnghoặckhoảnthutừ thuế giảm đi. Do vậy, việc cải thiện hữu hiệu hoạt động logistics sẽ góp phần quan trọng vào nền kinh tế nói chung.

Logistics cũng hỗ trợ cho hoạt động và chuỗi nhiều giao dịch kinh tế. Logistics là hoạt động quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho việc bán hầu như mọi hàng hóa và dịch vụ. Để hiểu vai trò này của logistics trong hệ thống, ta xét tình trạng nếu hàng hóa không được giao đúng thời hạn, người mua không mua hàng hóa đó. Nếu hàng không được giao đúng địa điểm hoặc hàng không ở trong tình trạng tốt thì không thể bán được hàng và như vậy toàn bộ hoạt động kinh tế trong chuỗi cung ứng sẽ bị ảnh hưởng.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và kinh tế thế giới, tham gia và ký kết nhiều điều ước quốc tế. Chính phủ đã nhận thấy vai trò quan trọng của logistics đối với nền kinh tế nói chung và đối với các doanh nghiệp nói riêng và đã có chỉ đạo Bộ Công thương xây dựng Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành Logistics trong giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030. Trong bối cảnh đó, chúng tôi xin kiến nghị một số giải pháp tổng quan dưới đây:

  • Đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền để các cơ quan, tổ chức quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiêp nhận thức rõ vai trò, vị trí của ngành Logistics trong nền kinh tế và trongtừngdoanhnghiệp;
  • Để ngành Logisctics phát triển và hoạt động nhịp nhàng, đồng bộ với các ngành kinh tế khác, Nhà nước cần thành lập Ủy ban Điều hành logistics Quốc gia làm “nhạc trưởng” cho hoạt động logistics.
  • Hoàn chỉnh khung pháp lý cho ngành/hoạt động logistics; phổ biến và hướng dẫn thực hiện cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics những quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết có liên quan và tác động đến hoạt động logistics; có biện pháp phòng vệ cho ngành Logistics Việt Nam trong phạm vi pháp luật/các điều ước quốc tế cho phép.
  • Có quy hoạch tổng thể phát triển ngành Logistics Việt Nam bao gồm cả quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng (cả nước và từng vùng, khu vực) và phát triển nguồn nhân lực logistics.
  • Có chính sách, biện pháp cụ thể (về thuế, sử dụng đất đai...), khuyến khích, hỗ trợ ngành Logistics Việt Nam phát triển  
Ý kiến của bạn

Bình luận