Ứng phó với cầu vượt sông có tĩnh không thấp, khoang thông thuyền hẹp

Tác giả: công thành

saosaosaosaosao
Ứng dụng 27/09/2016 05:52

Thực trạng cầu yếu dẫn đến mất an toàn khi phương tiện thủy lưu thông qua cầu đang ở mức “báo động đỏ” và cần những giải pháp mạnh để đẩy lùi tai nạn và gạt bỏ “chướng ngại vật” trong phát triển vận tải thủy.

Cau Duong_1

“Chướng ngại vật” của vận tải thủy

Những vụ đâm va giữa phương tiện thủy và công trình vượt sông điển hình: Sà lan LA-05853 đâm vào mố cầu đường sắt Bình Lợi ngày 01/01/2015 làm nhiều thanh dầm bằng gỗ dưới cầu bị gãy, đường ray lệch khoảng 25cm; vụ tai nạn do phương tiện LA-03761 được lai dắt bởi tàu kéo LA- 03576 đâm sập cầu Cái Tâm bắc qua kênh Xáng - Lý Văn Mạnh, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh ngày 12/7/2015 làm sập toàn bộ cầu khiến giao thông đường bộ ách tắc hoàn toàn, giao thông đường thủy bị đình trệ.

Riêng trong tháng 3 năm nay, 3 vụ tai nạn do va trôi liên tiếp xảy ra trên cả 3 miền đất nước gồm các vụ: Tàu Thành Luân 3.000 tấn đâm vào dầm cầu An Thái (Hải Dương) ngày 6/3; tàu 60 tấn đâm sập cầu Cơn Độ (Hà Tĩnh) ngày 12/3; sà lan chở cát đâm sập 02 nhịp cầu Ghềnh (Đồng Nai) ngày 20/3 làm gây tê liệt tuyến đường thủy và đường sắt Bắc - Nam.

 

Theo thống kê của Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam, tính từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước đã xảy ra 12 vụ phương tiện thủy đâm va vào cầu vượt sông khi lưu thông qua những cây cầu có tĩnh không thấp và khoang thông thuyền hẹp. Trong đó, nhiều cây cầu đã trở thành “điểm đen” do bị đâm va nhiều lần như cầu Đuống (sông Đuống), cầu Bình Lợi (sông Sài Gòn).

Ông Trần Văn Thọ - Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, ý thức chấp hành pháp luật của các phương tiện rất kém chính là nguyên nhân căn bản nhất dẫn đến những vụ tai nạn va trôi thời gian gần đây. Bên cạnh đó, sự gia tăng về số lượng cũng như kích thước tàu đã khiến các cầu này trở thành “chướng ngại vật” của vận tải thủy và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.

“Tĩnh không thấp và khẩu độ khoang thông thuyền hẹp của cầu đang gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận tải thủy. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra sự khó khăn trong công tác đảm bảo ATGT đường thủy và hiệu suất vận tải”, Phó Cục trưởng Trần Văn Thọ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thọ, tại các cầu trên tuyến ĐTNĐ quốc gia chưa được triển khai lắp đặt hệ thống cảnh báo từ xa về tĩnh không thông thuyền, nhiều cầu yếu trên tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy huyết mạch chưa được xây dựng trụ chống va xô, chưa có phương án cải tạo, nâng cấp, xây mới, thay thế cầu cũ. Trong khi đó, luồng đường thủy tại khoang thông thuyền dòng chảy xoáy, xiên, đặc biệt nguy hiểm vào mùa lũ, làm mố, trụ cầu tạo chướng ngại vật đối với phương tiện giao thông thủy, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT đường thủy rất cao, nguy hiểm đến kết cấu công trình cầu.

Hiện nay, trên toàn tuyến ĐTNĐ quốc gia hiện có 251 cầu có kích thước khoang thông thuyền không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật ĐTNĐ. Trong đó, có 64 cầu ưu tiên nâng cấp; 4 cầu thuộc diện đặc biệt phải nâng cấp, thay thế ngay gồm: Cầu Long Biên, cầu Đuống (Hà Nội) cầu Chui (Hải Phòng) và cầu Bình Lợi (TP. Hồ Chí Minh).

Khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn

Ghi nhận thực tế tại khu vực cầu Long Biên, luồng lạch qua khu vực này diễn biến rất phức tạp, không đảm bảo chuẩn tắc về mùa cạn, phía thượng lưu cầu có nhiều vật chướng ngại ảnh hưởng đến ATGT. Còn trong mùa lũ, mực nước tại cầu tăng lên, chiều cao tĩnh không giảm xuống, dòng chảy qua cầu rất xiết, độ chênh mực nước giữa thượng lưu và hạ lưu cầu rất lớn, khoảng 0,3m đến 0,4m, gây khó khăn và nguy hiểm cho phương tiện vận tải thủy qua khu vực này. Mặt khác, lưu lượng vận tải thông qua khu vực rất lớn, bình quân một ngày đêm có từ 200 đến 500 lượt phương tiện ngược, xuôi qua khu vực cầu. Trong đó, nhiều phương tiện tải trọng lớn trên 1.000 tấn thường xuyên lưu thông càng làm tăng nguy cơ mất ATGT cũng như an toàn cho công trình cầu.

Tương tự như hiện trạng tại khu vực cầu Long Biên, tại vị trí của cầu Đuống, dòng chảy xiên từ phía bờ phải sang bờ trái vào trụ cầu phía trái. Phía hạ lưu cầu có nhiều vùng nước xoáy rất nguy hiểm cho phương tiện vận tải thủy ngược xuôi qua khu vực. Vào mùa lũ, mực nước tại cầu là +0,8, chiều cao tĩnh không chỉ còn 3m, dòng chảy qua cầu rất xiết, độ chênh mực nước lớn…, gây nguy cơ mất ATGT rất cao. Đây cũng là cây cầu yếu đã từng bị đâm va nhiều lần khiến tuổi thọ cũng như chất lượng của cầu giảm mạnh và cần được xây mới thay thế.

Ông Phan Quốc Hùng - Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Quản lý Bảo trì ĐTNĐ số 6 (đơn vị thường trực chống va trôi tại 2 cây cầu Long Biên và cầu Đuống) cho biết, công tác điều tiết, chống va trôi, đảm bảo ATGT tại khu vực này rất vất vả. Tuy đơn vị đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong công tác này nhưng vẫn luôn phải “căng mình” để thực hiện nhiệm vụ.

“Ngay cả trong điều kiện lý tưởng, việc điều tiết, chống va trôi đã khó khăn bởi đây là 2 cây cầu yếu thuộc dạng đặc biệt với tĩnh không thấp và khoang thông thuyền hẹp, cùng với đó là quy luật dòng chảy, luồng lạch, quy luật vận tải diễn biến rất phức tạp. Nhưng trên thực tế, quá trình thực thi nhiệm vụ còn khó khăn hơn rất nhiều vào ban đêm, tầm nhìn bị hạn chế hoặc trong tình hình thời tiết xấu, mưa bão, đặc biệt là ý thức chấp hành Luật Giao thông ĐTNĐ của những người tham gia giao thông còn tùy tiện, chạy đêm không bật đèn hành trình, vi phạm các quy định khi qua cầu”, ông Phan Quốc Hùng cho hay.

DSC00628
Cầu Long Biên - Cây cầu có tĩnh không thấp

Áp dụng những giải pháp mạnh

Trong gần 2 năm qua, dư luận xã hội đã nhiều phen bàng hoàng trước những công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy bị phá hủy hoặc hư hỏng nghiêm trọng. Hơn lúc nào hết, tình hình TNGT đường thủy đang rất “nóng” và cần có những giải pháp mạnh để đẩy lùi những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra trong tương lai gây nên những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, thậm chí còn gây thiệt hại tài sản quốc gia rất lớn, “uy hiếp” đến sự an toàn và thông suốt của cả 3 hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy.

Trước thực trạng trên, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã nghiên cứu và đưa ra phương án bảo đảm an toàn đối với 49 vị trí cầu tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Cụ thể, điều tiết đảm bảo giao thông quanh năm kết hợp chống va trôi vào mùa lũ đối với 39 vị trí; lắp đặt thiết bị cảnh báo từ xa cầu tại 47 vị trí; lắp đặt bổ sung báo hiệu khu vực cầu và trên cầu tại 5 vị trí. Tổng kinh phí ước tính trên 245 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Trưởng phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng, Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, hiện Cục ĐTNĐ Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc đảm bảo an toàn tại 9 vị trí khẩn cấp, đồng thời đề xuất với Chính phủ phê duyệt phương án bảo đảm an toàn tại tất cả các vị trí tiềm ẩn nguy cơ cao từ nay đến hết năm 2017.

Theo Phó Cục trưởng Trần Văn Thọ, trước hiện trạng kích thước khoang thông thuyền cầu đường bộ, đường sắt vượt sông không bảo đảm tiêu chuẩn cấp kỹ thuật ĐTNĐ, luồng dòng chảy tại cầu xoáy, xiên, Cục ĐTNĐ Việt Nam đề xuất giải pháp đối với một số cầu cần phải cải tạo, nâng cấp hoặc dỡ bỏ để xây dựng mới và lắp đặt hệ thống chống va xô đối với đường bộ, đường sắt có ảnh hưởng trực tiếp đến ATGT đường thủy, đồng thời giảm bớt trở ngại đối với sự phát triển của giao thông ĐTNĐ.

Ý kiến của bạn

Bình luận