Ứng dụng khoa học công nghệ để kéo giảm TNGT đường sắt

Khoa học - Công nghệ 08/01/2016 05:51

Đó là một trong nhiều biện pháp các nhà nghiên cứu đề xuất trong Hội thảo khoa học “TNGT đường sắt tại Việt Nam –Thực trạng, nguyên nhân, giải pháp phòng ngừa” được tổ chức tại Học viện Cảnh sát nhân dân sáng 7/1.

MJM_7077
Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng chủ trì Hội thảo

Báo động gia tăng TNGT đường sắt

Từ đầu năm 2015 đến nay, theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tai nạn đường sắt lại tăng mạnh và có diễn biến phức tạp. Trong đó, năm 2015 đã có 487 vụ TNGT đường sắt đã xảy ra, tăng 99 vụ so với năm 2014, trong đó có 1 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng và 13 vụ TNGT rất nghiêm trọng và 190 vụ có tính chất nghiêm trọng. Điều đáng chú ý là các vụ TNGT trên đều xuất phát từ các nguyên nhân khách quan xảy ra trên các điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ.

Tại Hội thảo khoa học “TNGT đường sắt tại Việt Nam – Thực trạng, nguyên nhân, giải pháp phòng ngừa”, TS. Phạm Lê Tiến, Trường đại học GTVT cho biết có rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan dẫn đến TNGT đường sắt. Trong đó, cơ sở hạ tầng đường sắt nước ta còn yếu kém, lạc hậu, nhiều vị trí thường xảy ra sụt trượt, lở đất đá lấp đường tàu, trôi đường hoặc úng ngập vào mùa mưa lũ.

“Do nhịp độ phát triển kinh tế- xã hội, mức độ đô thị hoá cao, mất độ dân cư sống dọc hai bên đường sắt ngày càng đông. Một số địa phương cấp đất, xây nhà trong hành lang ATGT đường sắt hoặc cấp đất dự án các khu đô thị sát dọc hành lang ATGT đường sắt do đó nhiều doanh nghiệp, gia đình đã tự mở đường dân sinh trái phép gây mất an toàn”, TS. Phạm Lê Tiến cho biết thêm.

MJM_7084
Thượng tá Nguyễn Hồng Đô, Phó trưởng phòng Hướng dẫn, tổ chức công tác đảm bảo TTATGT đường sắt- Cục CSGT trình bày tham luận tại Hội thảo.

Cũng như TS. Phạm Lê Tiến, Thượng tá Nguyễn Hồng Đô, Phó trưởng phòng Hướng dẫn, tổ chức công tác đảm bảo TTATGT đường sắt- Cục CSGT cho rằng 80% các vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các đường ngang, ATGT tại các đường ngang còn nhiều bất cập. Nhiều người cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do lưu lượng phương tiện giao thông đường bộ tăng mạnh và ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ kém, chủ quan, bất cẩn khi điều khiển phương tiện qua đường ngang.

“Tuy nhiên bên cạnh những hạn chế của người tham gia giao thông thì thực trạng của hệ thống đường ngang không có phòng vệ vẫn bộc lộ nhiều khuyết điểm nguy cơ gây mất ATGT. Đó là vấn đề khuất tầm nhìn, hệ thống biển báo xuống xấp, vạch chỉ đường lu mờ, khẩu độ đường quá rộng tạo cho ô tô qua được; thậm chí nhiều hệ thống cảnh báo tự động bị trục trặc, khi tàu qua mới phát…”, Thượng tá nhấn mạnh.

Bên cạnh những nguyên nhân trên, tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu còn cho rằng lực lượng chức năng các cấp vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm TTATGT đường sắt; việc chỉ đạo, kiểm tra thiếu sâu sát, tổ chức và bố trí các lực lượng Công an tham gia bảo đảm TTATGT đường sắt chưa phù hợp với đặc điểm giao thông đường sắt, có địa phương giao cho Phòng Cảnh sát giao thông, nơi giao cho Công an quận, huyện; nơi coi đây là địa bàn giao thông, nơi coi đó là địa bàn trật tự công cộng.

Ứng dụng KHCN kéo giảm TNGT đường sắt

Đề xuất giải pháp tại Hội thảo, ông Trần Trọng Vinh, Chủ tịch Hiệp hội an ninh chuyên nghiệp châu Á chi hội Việt Nam đề nghị nên ứng dụng CNTT nhằm cảnh báo nguy hiểm phòng ngừa TNGT đường sắt. Trong đó, Trung tâm nghiên cứu ATGT- Học viện cảnh sát nhân dân kết hợp với chi hội nghiên cứu ứng dụng CNTT, sử dụng  hệ thống cảnh báo lazer, camera nhiệt nhằm cảnh báo kịp thời dừng tàu khi có chướng ngại vật trong tầm kiểm soát tốc độ của tàu. Hệ thông này hoạt động 24/24 không phụ thuộc vào điều kiện ánh sáng và thời tiết.

Theo đó, hệ thống cảnh báo nhiệt sẽ theo dõi, phân tích hình ảnh phát hiện vật, người…để ra tín hiệu cảnh báo bằng còi, đèn. Phần mềm phân tích hình ảnh phát hiện vật thể cách xa từ 500-1000m và cảnh báo bằng còi, đèn, loa tới lái tàu để kịp thời dừng tàu tránh xảy ra tai nạn. Hệ thống cho phép quan sát, cảnh báo suốt ngày và đêm. Còn hệ thống cảnh báo lazer, kiểm soát ngã tư và thường xuyên gửi tín hiệu cảnh báo nếu có vật thể lạ trong vùng ngã tư giao cắt, kịp thời chuyển tín hiệu về trung tâm giám sát, đồng thời gửi tín hiệu cảnh báo cho lái tàu kịp thời dừng tránh xảy ra tai nạn. Hệ thống này đã ứng dụng tại hai thành phố Paris, Pháp và London, Anh.

Trao đổi tại Hội thảo, TS. Lê Công Thành - Trung tâm Khoa học Công nghệ giao thông đô thị và đường sắt cho rằng để giảm thiểu TNGT đường sắt cần phải có những biện pháp tổng hợp trong thời gian ngắn hạn và dài hạn. Theo đó, trong ngắn hạn cần phải làm tốt và quyết liệt hơn những biện pháp đã biết như: cải tạo nâng cấp các công trình hạ tầng giao thông, lập lại kỷ cương trên toàn bộ hành lang an toàn trên tất cả các tuyến đường sắt, giáo dục ý thức chấp hành luật pháp đối với người tham gia giao thông, phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, phát hiện nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông, rà soát loại bỏ các điểm đen gây mất an toàn giao thông

Đồng thời, các biện pháp lâu dài liên quan đến định hướng chung phát triển ngành giao thông vận tải, từ công tác lập quy hoạch, hợp lý hóa mạng lưới trong đó phát triển giao thông đường sắt cần tiến lên hiện đại hóa trong tương quan phát triển phù hợp với tất cả các các phương tiện giao thông khác.

Tại Hội thảo, đã có 10 báo cáo tham luận và nhiều ý kiến phát biểu, trong đó có nhiều ý kiến tâm huyết, đưa ra giải pháp tích cực nhằm giảm TNGT đường sắt. Đây là những ý kiến đóng góp, cơ sở quan trọng các cơ quan chức năng đưa những giải pháp về bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt hiện tại và trong tương lai.

Ý kiến của bạn

Bình luận