Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kiểm soát, kiềm chế TNGT

Giao thông 24h 26/01/2015 15:58

Sáng 26/1, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về hiệu quả sử dụng thiết bị giám sát hành trình (GSHT) và xã hội hóa trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT.


GSHT 1     Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổng kết, đánh giá kết quả sử dụng thiết bị GSHT trong thời gian vừa qua

Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổng kết, đánh giá kết quả sử dụng thiết bị GSHT trong thời gian vừa qua

Cùng dự cuộc họp có Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, Lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Công an TP Hà Nội, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn FPT, Công ty TNHH MTV Hanel.

Báo cáo về kết quả triển khai xây dựng và hoạt động của Trung tâm xử lý khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT, ông Nguyễn Văn Quyền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay hệ thống thông tin đã tích hợp dữ liệu của trên 80.000 phương tiện để tổng hợp, phân tích về vi phạm quá tốc độ, vi phạm về thời gian lái xe liên tục quá 4h; thời gian làm việc của lái xe quá 10h trong ngày và theo dõi hành trình xe chạy. Bình quân hàng ngày có 70% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về máy chủ của Tổng cục. Số lần vi phạm tốc độ tính trên 1.000km từ tháng 5 đến tháng 12/2014 có chiều hướng ngày càng giảm.

“Đến nay, toàn bộ các Sở GTVT đã có văn bản nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị vận tải chấn chỉnh, xử lý vi phạm qua dữ liệu từ thiết bị GSHT; tuy nhiên mới chỉ có 46 địa phương thực hiện xử lý vi phạm, bằng các biện pháp theo quy định với tổng số phương tiện bị xử lý 1.329 xe (trong đó thu hồi phù hiệu 1 tháng 893 xe, thu hồi chấp thuận khai thác tuyến 1 tháng 353 xe, từ chối cấp phù hiệu 83 xe)” – ông Nguyễn Văn Quyền cho biết.

Theo ông Phạm Minh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT (Tập đoàn FPT), việc triển khai Dự án thí điểm Xã hội hóa đầu tư và vận hành Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm, đảm bảo trật tự ATGT trên cao tốc Hà Nội – Lào Cai đoạn Hà Nội – Phú Thọ, Tập đoàn FPT đã phối hợp với VEC khảo sát yêu cầu nghiệp vụ, hiện trường trên tuyến; đã cơ bản thống nhất các chức năng của hệ thống (bao gồm giám sát diễn biến tình hình giao thông, giám sát an ninh phục vụ bảo vệ kết cấu hạ tầng, giám sát các sự kiện giao thông, thống nhất về thiết bị hệ thống và địa điểm lắp đặt thiết bị); đồng thời sẽ tiến hành khảo sát, xác định yêu cầu nghiệp vụ, phương án bố trí thiết bị trên tuyến, quy trình xử lý vi phạm hành chính của lực lượng CSGT áp dụng trong dự án thí điểm.

Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, vấn đề liên quan đến TNGT cũng như vấn đề xử phạt, xử lý vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải đối với việc áp dụng thiết bị GSHT cho thấy rõ những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, hạn chế cơ bản hiện nay liên quan đến sử dụng thiết bị GSHT đó là chưa thực hiện cảnh báo trực tiếp, nếu thực hiện cảnh báo trực tiếp thì sẽ có những chuyển biến tích cực.

Về kết quả triển khai bản đồ số và kiểm soát tốc độ theo cung đường, ông Phạm Duy Ninh – Quyền Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin cho biết, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Trung tâm Công nghệ thông tin đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ, đến nay đã hoàn thành tích hợp dữ liệu, đưa bản đồ số vào khai thác và thử nghiệm kiểm soát tốc độ trên Quốc lộ 5 và một số đoạn tuyến trên Quốc lộ 1.

Đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong thời gian qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh TNGT đang là vấn đề hết sức nhức nhối, mặc dù trong suốt 4 năm qua, cả hệ thống chính trị vào cuộc với rất nhiều giải pháp đồng bộ, cả lâu dài và trước mắt nhằm kiềm chế, giảm thiểu TNGT cũng như chống ùn tắc giao thông; chính vì vậy, kết quả trong 4 năm qua cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương đều giảm, năm sau đều giảm so với năm trước và năm 2014 cũng là năm đầu tiên số người chết vì TNGT giảm xuống dưới 9.000 người, đây có thể nói là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn và sự tham gia đồng thuận của người dân.

Lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh kiểm tra thiết bị GSHT trên xe khách

Lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra thiết bị GSHT trên xe khách

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng số vụ, số người chết và số người bị thương còn rất lớn, đây không phải là vấn đề chỉ riêng ở Việt Nam, mà là vấn đề của toàn cầu; chính vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu phải tiếp tục triển khai các giải pháp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kiểm soát kiềm chế TNGT cũng như bảo đảm trật tự ATGT. Thời gian qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai dự án về thiết bị GSHT, xử lý vi phạm trật tự ATGT qua hình ảnh, bản đồ số… bước đầu đã có những kết quả, tuy nhiên kết quả đạt được chưa nhiều và còn chậm.

Bộ trưởng đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia thực hiện vai trò trung tâm, kết nối các cơ quan của trung ương, các cơ quan của Bộ GTVT để thống nhất quản lý công tác bảo đảm trật tự ATGT, chống ùn tắc giao thông để tránh việc đầu tư lãng phí, dàn trải, manh mún; Bộ trưởng giao Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia làm việc với Cục CSGT (Bộ Công an) về các nội dung liên quan, thống nhất các giải pháp (hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, cách thức tổ chức triển khai tuần tra kiểm soát…); đồng thời tổ chức làm việc với các đơn vị cung cấp công nghệ, thống nhất phương án tối ưu, làm sao phát huy được năng lực của từng đơn vị (Viettel, FPT, Hanel…)

Về thiết bị GSHT và bản đồ số, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổng kết, đánh giá lại kết quả sử dụng thiết bị GSHT trong thời gian vừa qua (Kiểm soát chất lượng thiết bị GSHT, quy định thời hạn đăng kiểm thiết bị GSHT; hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng thiết bị GSHT, chế tài xử lý…). Bộ trưởng giao Công ty TNHH Một thành viên Hanel chủ trì, xây dựng hoàn thiện bản đồ số (sử dụng quản lý chung trong công tác quản lý nhà nước về GTVT, trong đó có bảo đảm trật tự ATGT); Bộ trưởng yêu cầu trong tháng 3/2015 phải hoàn thành bản đồ số, từ ngày 1/6/2015 sử dụng kết quả bản đồ số.

Về xã hội hóa trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế chủ trì, cùng các cơ quan rà soát lại xem hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để đủ thực hiện xã hội hóa quản lý trật tự ATGT chưa, đặc biệt tập trung chế tài đối với chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện; hoàn thiện biển báo, tín hiệu đèn giao thông; Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra các giải pháp thực hiện xã hội hóa; đồng thời hoàn thiện, lựa chọn công nghệ phù hợp, đảm bảo khai thác hiệu quả; Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ Vận tải thực hiện chức năng được giao về giá cước vận tải, Trung tâm Công nghệ thông tin và Công ty TNHH MTV Hanel trong công tác xã hội hóa dịch vụ công trực tuyến.

Theo mt.gov.vn

Ý kiến của bạn

Bình luận