Ứng dụng công nghệ mới trong bảo trì đường giao thông nông thôn

Tác giả: Khánh Hà

saosaosaosaosao
Ứng dụng 20/11/2016 04:30

Công nghệ cào bóc tái sinh nguội đã được áp dụng ở nhiều đoạn, tuyến QL trên cả nước, tuy nhiên Tổng cục ĐBVN đã tổ chức triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ cào bóc, gia cố tái sinh nguội tại chỗ trong công tác sửa chữa mặt đường cấp III trở xuống có lớp mặt đường nhựa các loại. Đây là bước ngoặt mới để áp dụng cho kết cấu hạ tầng đường giao thông nông thôn (GTNT).

IMG_3077[1]

Đã áp dụng nhiều trên QL1

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sỹ Nguyễn Danh Hải cho biết công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại chỗ sử dụng xi măng & xi măng kết hợp với nhũ tương nhựa đã được ứng dụng tại nhiều dự án cải tạo nâng cấp đường bộ như: Tuyến phố Hà Khê (Đà Nẵng), quốc lộ 14 B (TP. Đà Nẵng), QL1 qua thị trấn Tam Quang, Bình Định. Qua thời gian theo dõi phương pháp này đã thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp truyền thống như thay đổi độ cao ít, không tôn mặt đường nhiều, nhựa mịn. Bên cạnh đó, phương pháp này được đánh giá rất tiết kiệm vật liệu, rút ngắn thời gian thi công, không gây ô nhiễm môi trường và có nhiều mức độ lựa chọn tương ứng với mức độ hư hỏng của tuyến đường.

Ông Lê Hồng Điệp - Vụ trưởng vụ Quản lý bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, thực hiện chủ trương cơ giới hóa, hiện đại hóa công nghệ bảo trì đường bộ, thời gian vừa qua các doanh nghiệp có công nghệ mới, các giáo sư và các chuyên gia về đường bộ đã thí điểm ứng dụng công nghệ cào bóc, tái sinh mặt đường nhựa (bao gồm bê tông nhựa, láng nhựa, thấm nhập nhựa) bằng chất tái sinh và phụ gia mới có mức chi phí hợp lý. Giải pháp thi công trên khác biệt với thi công truyền thống; dây chuyền thiết bị thi công chuyên dùng tiến hành đồng thời các chức năng phá vụn kết cấu mặt đường cũ theo chiều sâu và trộn đều với chất gia cố thành hỗn hợp vật liệu gia cố theo tỷ lệ thiết kế.

Đánh giá về công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại chỗ sử dụng xi măng & xi măng kết hợp với nhũ tương nhựa, Giáo sư, Tiến sỹ Dương Học Hải cho biết: “Đây là công nghệ của hiện tại và tương lai. Với công nghệ này chúng ta không phải dùng vật hiệu mới mà tái sử dụng vật liệu cũ, tránh tình trạng khai thác đá phá hoại  môi trường. Bên cạnh đó, công nghệ này còn khắc phục hư hỏng, nâng cấp để tuyến đường khai thác đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến thông suốt, độ cao mặt đường không nâng cao quá 5cm nên không ảnh hưởng đến các công trình thoát nước, cầu cống chính trên tuyến được giữ nguyên hiện trạng. Việc ứng dụng công nghệ này với hệ thống máy móc hiện đại trong công tác bảo trì sẽ góp phần quan trọng để giảm chi phí và tăng cường tuổi thọ cho các tuyến đường”.

IMG_3039[1]

Bước tiến mới trong bảo trì đường GTNT

Trung tuần tháng 10 vừa qua, Tổng Cục ĐBVN đã tổ chức thí điểm triển khai công nghệ này cho tuyến đường tỉnh thuộc tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn với sự tham gia của hơn 20 sở GTVT, ban QLDA bảo trì của các tỉnh và các công ty bảo trì đường bộ. Tại tỉnh  lộ 242 (xã Nhật Tiến, Hữu Lũng, Lạng Sơn), đoàn công tác của Tổng cục ĐBVN và 20 sở GTVT đã được tham quan toàn bộ quy trình cào bóc tái sinh nguội tại chỗ sử dụng xi măng. Đường tỉnh 242 trước đây kết cấu mặt là đá dăm thấm nhập nhựa; tuy nhiên cho đến nay chỉ còn lớp móng đá, có nhiều chỗ bị lún phụt bùn túi đá nặng chỉ còn nền đường, hay mặt đường bị cao su. Nguyên nhân được cho là trên tuyến đường này có rất nhiều xe tải trọng lớn, thậm chí nhiều xe cơi nới chở quá tải chạy qua. Qua khảo sát, chỉ riêng các loại xe tải trọng lớn đã có khoảng 200 đến 300xe/ ngày đêm, chủ yếu là xe khai thác đá, chở hàng nặng đi qua cửa khẩu Lạng Sơn và các tỉnh trong khu vực. Đối với tuyến đường này, liên danh nhà thầu Vitecroad và Vietraco đã sử dụng  phương pháp gia cố và tái sinh nguội vật liệu tại chỗ sử dụng chất gia cố xi măng kết hợp với phụ gia hoặc xi măng kết hợp với nhũ tương nhựa.

Ông Nguyễn Đình Đại, Phó giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn cho biết: “Chúng tôi thí điểm làm trên 2km, nhưng hiệu quả mang lại rõ rệt với giá thành 635 triệu đồng/km, trong khi với cách làm truyền thống thì chi phí phải từ 1,3 -1,5 tỷ đồng/km. Điều cơ bản là chúng tôi tận dụng được vật liệu tại chỗ, không nâng cao độ mặt đường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… đối với tuyến đường cải tạo, nâng cấp. Về lâu dài, nếu được, chúng tôi sẽ áp dụng đại trà trong bảo trì hệ thống giao thông của tỉnh”.

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, Tổng cục đã có văn bản về việc “Lựa chọn danh mục áp dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội trong bảo trì đường bộ” trong đó yêu cầu các cục QLĐB, các sở GTVT quản lý quốc lộ ủy thác và các ban QLDA thuộc Tổng cục căn cứ kế hoạch bảo trì năm 2017 để lựa chọn các danh mục công trình đủ điều kiện áp dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội đăng ký với Tổng cục ĐBVN. Đến nay đã có 16 đơn vị báo cáo danh mục đăng ký, trong đó có 6 đơn vị: Cục QLĐB: I, II, III; Sở GTVT các tỉnh: Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng có danh mục đăng ký với Tổng cục với 9 Dự án đề nghị áp dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội. Để áp dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội so sánh và nhằm lựa chọn phương án hiệu quả phù hợp với quy mô các công trình bảo trì đường bộ năm 2017 và thực hiện theo tiến độ, Tổng cục ĐBVN yêu cầu các cục QLĐB, các sở GTVT quản lý quốc lộ ủy thác và các ban QLDA thuộc Tổng cục tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục ĐBVN tại văn bản số 3848/TCĐBVN-QLBTĐB, lựa chọn danh mục để báo cáo Tổng cục ĐBVN bổ sung. Đối với các danh mục được lựa chọn, trong quá trình lập hồ sơ thiết kế phải lập ít nhất 2 phương án, trong đó bắt buộc phải có 1 phương án áp dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội để so sánh và lựa chọn phương án hiệu quả phù hợp với quy mô các công trình bảo trì đường bộ năm 2017.

Ý kiến của bạn

Bình luận