Uber, Grab đã thay đổi thói quen đi xe ôm của người Việt ra sao?

Tác giả: theo thời đại

saosaosaosaosao
Thị trường 18/06/2017 09:17

Nếu như trước đây có những người chưa bao giờ lựa chọn xe ôm làm dịch vụ đưa đón mình thì bây giờ số lượng khách có nhu cầu bắt xe ôm tăng chóng mặt. Thế nhưng thay vì chọn xe ôm truyền thống, một lượng khách trẻ chỉ dùng dịch vụ gọi xe bằng ứng dụng Uber hoặc Grab.

 

Uber, Grab đã thay đổi thói quen đi xê ôm cu
Hai nhân tố mới xuất hiện khiến nhu cầu đi xe ôm của người dân tăng lên.

Vài năm trước, ít ai nghĩ rằng chỉ cần vài thao tác nhỏ trên điện thoại là sẽ có ngay một anh tài xế chạy đến tận nhà rước đi. Khi ấy, cứ mỗi khi di chuyển bằng xe ôm, khách hàng lại thường trực tâm lí phải mặc cả vì lo mình bị chặt chém. Một số bác tài còn khiến khách xanh mặt do sở thích lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu. Nhưng ai cũng hiểu vì là dịch vụ tự phát, không có ai quản lý nên khi có sự cố xảy ra hay muốn phàn nàn về chất lượng dịch vụ, khách hàng chẳng thể khiếu nại với ai.

Vậy nên, sự xuất hiện của UberMOTO và GrabBike đã làm gia tăng nhu cầu di chuyển bằng xe ôm của người dân Sài Gòn và Hà Nội.

Cuộc cách mạng thay đổi thói quen di chuyển của những người từng "ngại xe ôm"

Năm 2010 dịch vụ taxi giá rẻ mang tên Uber ra đời tại San Francisco tạo ra một trào lưu mới trong ngành vận tải thời kỳ công nghệ số. Tuy nhiên mãi đến tháng 7/2014 dịch vụ Uber mới có mặt tại Việt Nam, và đến tháng 5/2016 thì ra đời dịch vụ UberMOTO. Trong khi đó "chàng trai trẻ" Grab dù ra đời vào năm 2012 ở Malaysia nhưng đã nhanh chóng có mặt ở thị trường Việt Nam vào tháng 2/2014 và ra mắt dịch vụ đặt xe ôm GrabBike vào cuối tháng 10/2014.

Thời gian đầu xuất hiện cả Uber và Grab đều là những dịch vụ khá lạ lẫm với người Việt. Hành khách Việt đã quen với việc đến ngã tư đường gặp xe ôm. Chuyện bị chặt chém hay vẽ đường đã trở nên quá quen thuộc nhưng hầu như người ta chẳng còn lựa chọn nào khác, nếu không muốn đi bộ.

Chị Lê Thị Hoài Minh (27 tuổi) chia sẻ: "Thời mới vào Sài Gòn phần vì không rành đường, phần vì không có xe nên tôi thường phải di chuyển bằng xe ôm. Tuy nhiên cũng nhiều lần bị vẽ đường và chặt chém nên sau này tôi tự chạy hoặc nhờ người thân chở là chủ yếu".

Khách hàng những ngày đầu còn khá bỡ ngỡ với việc đặt xe qua ứng dụng điện thoại.

Sự xuất hiện của dịch vụ GrabBike và UberMOTO vào thời điểm 2014 và 2016 đã đem đến cho người Việt một lựa chọn hoàn toàn mới. Với các ứng dụng di động được thiết kế đơn giản giúp người dùng dễ dàng đặt xe, cùng với việc ưu tiên tiết kiệm chi phí tối đa khi di chuyển đã giúp Uber và Grab ghi điểm trong mắt người Việt.

Với UberMOTO và GrabBike chất lượng xe được nâng cao, khách hàng hẳn sẽ cảm thấy hài lòng với chất lượng của phương tiện. An toàn là một trong những tiêu chí hàng đầu mà các hãng đề ra. Khách hàng hoàn toàn có thể biết được lộ trình mà mình sẽ đi dựa vào định vị GPS trên ứng dụng, cũng như biết được tên tuổi và thông tin cơ bản của tài xế sẽ phục vụ mình. Đồng thời khách hàng cũng có quyền đánh giá thái độ phục vụ của tài xế thông qua việc chấm điểm theo mức sao.

Một điểm vô cùng mới là với UberMOTO và GrabBike, khách hàng hoàn toàn có thể chủ động xem trước giá cước của chuyến đi rồi mới quyết định có đặt hay không - điều mà họ không thể làm với dịch vụ truyền thống.

Với những tiện lợi như trên dịch vụ mới đã nhanh chóng có được một lượng khách hàng trẻ tuổi. Một số bạn trẻ trước đây không có thói quen đi xe ôm, nay cũng dần quen với việc di chuyển bằng xe ôm công nghệ. Bạn Hoà (25 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết: "Trước đây mình thường nhờ bạn bè chở ra bến xe, nhưng từ ngày có Uber với Grab mình chuyển qua đi dịch vụ này, vừa nhanh gọn vừa không phiền bạn bè và người thân. Giờ thì bất kể đi giờ nào cũng có thể book xe đến đón tận nhà, quá tiện".

Khách hàng Việt: "Dịch vụ nào tiện lợi thì ủng hộ!"

Khách hàng Việt mà đặc biệt là người trẻ và dân văn phòng ở các thành phố lớn bắt đầu quen dần với việc đặt các chuyến đi thông qua ứng dụng trên điện thoại di động, check giá cước, đánh giá sao cho các tài xế... và hình như đa phần họ đều cảm thấy hài lòng.

Anh Nguyễn Tâm (25 tuổi) cho biết: "Thời gian đầu mình còn lúng túng trong việc đặt các chuyến đi từ ứng dụng di động. Nhưng sau vài lần thì cảm thấy quen và tiện lắm. Ngày xưa mọi người khuyên không nên đi xe ôm vì phải kỳ kèo giá cả với các bác tài từng đồng, gặp bác tài nào lịch sự tốt bụng thì nhiệt tình, không "chặt chém", nhưng nếu gặp các bác tài "làm tiền" thì cũng mệt mỏi. Khoảng 2 năm gần đây mình bắt đầu sử dụng Uber và Grab để đặt xe ôm".

Thực tế là chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Grab và Uber đã tạo được lòng tin và thay đổi được thói quen di chuyển của một bộ phận hành khách Việt. Với những con số vô cùng ấn tượng như 45 triệu lượt tải ứng dụng Grab tại khu vực Đông Nam Á, 20.000 người đăng ký trở thành tài xế UberMOTO chỉ tính riêng tại thị trường Việt Nam (tính đến thời điểm tháng 5/2017)... thì sự phát triển của những "anh lính mới" thật sự đáng gờm.

Đồng thời sự phát triển loại dịch vụ này cũng phân khúc khách hàng rõ ràng hơn, với Uber, Grab dành cho khách hàng trẻ và xe ôm truyền thống thì vẫn được các khách hàng lớn tuổi (đa phần không biết dùng công nghệ) tin dùng.

"Có thể nói xe ôm công nghệ giúp mở rộng đối tượng khách hàng, nếu bây giờ không có UberMOTO và GrabBike thì mình cũng không chọn xe ôm truyền thống vì rất ngại phải trả giá với các bác tài. Hơn nữa, muốn bắt xe phải đi bộ đến các điểm nhất định như ngã tư, trước bệnh viện, trường học... nên nếu có đi đâu mình sẽ nhờ bạn bè", bạn Ngọc Anh, SV năm 3 trường ĐH Hutech chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận