Tuyển sinh lớp 10 THPT Hà Nội: Học sinh chú trọng học đều các môn

22/12/2018 14:55

Thời điểm này, học sinh đã hoàn thiện chương trình của học kỳ I, lịch thi vào lớp 10 THPT năm học 2019- 2020 cũng đang nhích tới gần hơn. Với phương án thi 4 môn thay vì chỉ Toán và Ngữ văn như mọi năm, việc học và ôn tập của học sinh cuối cấp THCS của Thủ đô năm nay cũng nhiều áp lực, căng thẳng hơn hẳn. Điều nhận thấy rõ nhất là các em hiện chú trọng học nhiều môn, không chỉ tập trung học vài môn, học lệch, học tủ như trước đây.

bai on Ảnh kèm bài Thi lớp 10 HN ngày 21
Học sinh Hà Nội sẽ thi 4 môn vào lớp 10.

Bám sát sách giáo khoa

Theo ông Phạm Quốc Toản- Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GDĐT Hà Nội, năm 2019 nội dung thi sẽ đảm bảo theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GDĐT, nội dung theo chuẩn chương trình sách giáo khoa (SGK). Học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong SGK là có thể làm tốt được bài. Các câu hỏi được phân chia theo cấp độ nhận biết, thông hiểu, một số câu thuộc vận dụng cấp độ thấp.  

Trước đó, ngay từ cuối tháng 10 vừa qua, Sở cũng đã công bố 10 đề thi tham khảo bao gồm 4 đề cho 4 môn Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nhật, Tiếng Đức) và 6 đề của các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Đối với môn Toán và Ngữ văn, cấu trúc đề thi cơ bản vẫn giữ nguyên như những năm học trước do đó giáo viên và học sinh dùng đề thi Toán và Ngữ văn những năm gần đây để tham khảo. 

Với hình thức thi trắc nghiệm dù không quá xa lạ, nhưng với học sinh Thủ đô đây cũng là một sự thay đổi lớn, đặt ra yêu cầu với cả giáo viên và học sinh phải có sự thay đổi trong phương pháp dạy và học để thích nghi. 

Cô Trần Minh Phương, giáo viên tiếng Anh của một trường THCS ở quận Cầu Giấy cho biết, việc môn Ngoại ngữ trở thành 1 trong 3 môn bắt buộc trong kỳ thi khiến cho việc dạy và học của cả cô và trò đều áp lực hơn các năm trước. Căn cứ vào đề tham khảo môn Ngoại ngữ có 2 phần: Phần trắc nghiệm khách quan chiếm 8 điểm; phần tự luận chiếm 2 điểm, bên cạnh việc dạy bài mới mỗi ngày, cô cũng dành thời gian để giao bài và chữa bài theo hướng này. Đặc biệt, các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết cũng được xây dựng theo hướng này nhằm giúp học sinh thành thạo các kỹ năng làm bài cũng như rèn tốc độ, thói quen khi làm bài. Bởi trong kỳ thi chính thức, thí sinh làm phần trắc nghiệm khách quan trên Phiếu trả lời trắc nghiệm sau đó sẽ được chấm bằng phần mềm máy tính nên học sinh cần nắm vững cách làm bài để không bị mất điểm oan. 

Đối với các môn học khác, các giáo viên cũng cho biết đây là năm đầu tiên môn học do mình dạy nằm trong danh sách dự kiến có thể thi vào lớp 10, vì vậy mà áp lực cũng lớn hơn. Đặc biệt, việc áp dụng thi trắc nghiệm đặt ra yêu cầu đổi mới toàn bộ phương pháp dạy và ra đề thi - khi mà lâu nay họ đã quen với công việc dạy học theo hình thức tự luận. Bên cạnh việc thay đổi giáo án giảng dạy là việc thay đổi phương pháp truyền thụ và biên soạn câu hỏi.

Tuy nhiên, đề thi có nội dung rộng và học sinh thì không phải chỉ học duy nhất một môn, nên thầy cô cũng không thể nhồi nhét kiến thức mà phải suy nghĩ làm sao cho học sinh của mình nắm được bài, hiểu bài và nhớ được lâu các kiến thức trọng tâm, đồng thời có khả năng vận dụng thành thạo kiến thức vào việc xử lí các câu hỏi.

Em Nguyễn Ngọc Thủy (học sinh lớp 9 Trường THCS Chu Văn An, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, vì đến tháng 3 mới chính thức chốt môn thi cuối cùng nên em không thể lơ là trong việc học tất cả các môn còn lại. “Không có chuyện học lệch, tập trung môn nào mà bỏ môn nào nên chúng em phải học cách phân bổ thời gian hợp lý để vừa học vừa ôn tập tất cả các môn”- Thủy cho biết.

Thận trọng trong cách ra đề thi

Từ đề thi minh họa, có thể dự đoán đề thi chính thức sẽ bao gồm các câu hỏi đáp ứng theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng và không mang tính đánh đố học sinh. Một điểm mới là các câu hỏi không sắp xếp theo thứ tự các cấp độ và xuất hiện một số câu hỏi mang tính ứng dụng thực tiễn nên học sinh cần lưu ý trong quá trình ôn tập và làm bài thi sắp tới. Dẫu thế, không ít ý kiến băn khoăn là với chất lượng của kì thi phụ thuộc khá nhiều vào nội dung đề thi, thì đòi hỏi phải có một ngân hàng câu hỏi đủ lớn đã được chuẩn hóa và thử nghiệm trong một thời gian đủ dài , mới có thể kết luận một cách chính xác. 

Hiện Sở GDĐT yêu cầu chỉ đạo các nhà trường và tổ nhóm bộ môn xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh, quan tâm tới học sinh có học lực yếu, kém… Hướng dẫn ôn tập cho học sinh phải bám sát chương trình và chuẩn kiến thức, kỹ năng; chú ý phân hóa đối tượng theo học lực để hướng dẫn ôn tập, rèn kỹ năng làm bài. Hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập với hình thức theo nhóm và ôn tập trung cả lớp; tránh học lệch, học tủ; Kết hợp tự kiểm tra, đánh giá của học sinh với kiểm tra, đánh giá của nhóm, lớp và toàn trường; chú trọng thu nhận thông tin phản hồi về kết quả ôn tập để điều chỉnh cho phù hợp. Sở GDĐT lưu ý các trường và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thống nhất với học sinh và phụ huynh để sắp xếp thời gian hợp lý, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, tránh quá tải. Việc tổ chức dạy thêm, học thêm (nếu có) để phục vụ ôn tập phải thực hiện theo đúng quy định, đồng thời đảm bảo tính tự nguyện của học sinh và sự hiệu quả của nội dung dạy học.

Thầy Nguyễn Quốc Bình- Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn kiến nghị, Sở GDĐT Hà Nội nêu cách thức xây dựng ma trận đề, kiến thức từng cấp độ để giáo viên nắm được để xây dựng bài giảng cho các em.    

Ý kiến của bạn

Bình luận