Tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: Không áp dụng cộng điểm học bạ THCS

16/10/2018 17:06

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 – 2020. Theo đó, sẽ không còn điểm cộng cho học sinh có chứng chỉ học nghề, không áp dụng cộng điểm đối với HS có học lực giỏi, tiên tiến...

tuyen-sinh-lop-10-bb-baaacrzXGd
Năm 2019 - 2020, bỏ điểm cộng trong tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội. (Ảnh minh họa - Internet).

Khác với năm trước, học sinh của kỳ tuyển sinh mới sẽ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn được công bố vào tháng 3/2019.

Ngoài ra, điểm xét tuyển được tính là (Điểm thi Toán + Ngữ văn) x 2 + (Điểm Ngoại ngữ + Điểm môn thứ tư) + Điểm cộng thêm. Trong đó, bài thi của các môn tính theo thang điểm 10.

Như vậy, ngoài tăng số môn gấp đôi so với năm ngoái, việc xét học bạ, duy trì điểm cộng năm học tới đã không còn.

Kỳ tuyển sinh năm học 2019 – 2020 tại Hà Nội vẫn tiếp tục áp dụng hình thức tuyển thẳng, chế độ ưu tiên, khuyến khích theo quy định của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú đã tốt nghiệp THCS được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT của trường Phổ thông dân tộc nội trú; Học sinh là người dân tộc rất ít người; Học sinh khuyết tật; Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT.

Điều kiện tuyển thẳng: Học sinh hoặc bố, mẹ có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội và thuộc một trong 4 đối tượng tuyển thẳng ở trên; học sinh chỉ được tuyển thẳng vào một trường THPT: Là trường THPT công lập trong khu vực tuyển sinh nơi học sinh hoặc bố, mẹ học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc nơi cư trú thực tế của học sinh. Là trường THPT công lập tự chủ tài chính hoặc THPT ngoài công lập không phân biệt khu vực tuyển sinh. Trường hợp không có nguyện vọng tuyển thẳng thì phải tham gia thi tuyển vào lớp 10 THPT công lập.

Không còn cộng điểm học nghề phổ thông

Theo Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT ban hành 28/2/2018 của Bộ GD&ĐT quy định năm học 2019 - 2020, bãi bỏ quy định cộng điểm khuyến khích cho học sinh dự tuyển vào THPT. Điều này đồng nghĩa với việc bãi bỏ điểm cộng nghề phổ thông như các năm trước.

Về việc bỏ cộng điểm học nghề vào tuyển sinh lớp 10, lãnh đạo một số trường THPT tại Hà Nội cho biết, bỏ cộng điểm nghề vào lớp 10 là phù hợp, bởi thực chất học nghề ở cấp THCS hiện nay không đúng là học nghề, chưa hiệu quả. Tỷ lệ học sinh THCS đăng ký học nghề giảm mạnh trong năm học 2018 - 2019.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - GS.TS Phạm Tất Dong bày tỏ sự đồng tình cao trước những thay đổi nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo ra sự công bằng trong thi cử. Đồng thời, ông góp ý, việc thay đổi này cũng cần bổ sung, phải làm rõ thêm quy định về điểm cộng và đối tượng được hưởng điểm cộng thêm trong kỳ thi.

Cụ thể, Sở GD&ĐT chỉ nên cho những HS là con em gia đình chính sách, thuộc diện khó khăn được cộng điểm, tránh trường hợp có thí sinh là người dân tộc ở một tỉnh nào đó, đã ra Hà Nội sinh sống nhưng vẫn được hưởng chế độ ưu tiên cộng điểm. “Ngoài ra, nên giữ việc cộng điểm cho HS đoạt giải quốc gia vì như vậy mới tìm kiếm, phát hiện, khuyến khích các em tham gia vào đội tuyển HS giỏi tại các trường” - GS.TS Phạm Tất Dong nói.

Bên cạnh đó, GS.TS Phạm Tất Dong chỉ rõ phụ huynh và cả giáo viên không nên quá lo lắng về quy định điểm cộng. Chỉ cần HS học chắc, nắm vững kiến thức và các kỹ năng chương trình yêu cầu thì dù có hay không có điểm cộng, các em hoàn toàn có thể thi tốt.

Đó là cơ sở để đảm bảo đúng mục tiêu giáo dục toàn diện cho các em HS, trong đó, quan trọng là HS không học lệch, học tủ, mà phải học đều các môn học.

Ý kiến của bạn

Bình luận