Tuyến metro số 1 cần 500 tỷ đồng để trả nợ cho nhà thầu

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Thị trường 28/07/2017 14:33

Hiện nay dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 cần 500 tỷ đồng để trả nợ cho nhà thầu để không ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

h1
 
h2
Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, hiện thành phố còn nợ nhà thầu dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 500 tỷ đồng.

Ngày 28/7, UBND TP.HCM tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh 7 tháng đầu năm 2017 do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì. Báo cáo về tình hình triển khai tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết: “Đến nay tuyến đường sắt số 1 có khối lượng thực hiện toàn tuyến là 67,4% với chiều dài 17,2km bắc qua 5 cầu, có 11 nhà ga. Dự kiến tháng 8/2017 sẽ lắp đường ray. Mặc dù từ tháng 4/2017 đến nay nhà thầu đã làm việc rất tích cực nhưng số tiền thành phố còn nợ là 500 tỷ đồng vì vậy mong Chủ tịch UBND thành phố tạm ứng vốn, bởi không có tiền sẽ rất khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ. Ban quản lý đường sắt đô thị cũng đã tích cực kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng Bộ vẫn chưa có đề xuất Chính phủ về việc phân bổ nguồn vốn trung hạn năm 2017 cho công trình. Mặc dù trong buổi làm việc với Thành phố Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ vốn nhưng đến nay vẫn chưa có động thái".

Bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, ngân sách thành phố có thể đảm đương tiền tạm ứng nhưng Bộ Tài chính không đồng ý cách ứng của thành phố bởi còn vướng nhiều thủ tục giữa thành phố và các bộ ngành vì vậy lãnh đạo Thành phố cần có buổi làm việc riêng để bàn giải pháp cụ thể gỡ vướng chuyện này, trên cơ sở đó sẽ làm việc lại với Bộ Tài Chính.

Sau khi lắng nghe những ý kiến của các đơn vị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo chấp thuận về những kiến nghị của thành phố về việc bố trí ngân sách cho dự án tuyến đường sắt số 1 vì vậy Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục có văn bản nhắc lại ý kiến nghị của Thủ tướng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm cấp nguồn vốn cho dự án. Trước mắt để đảm bảo tiến độ Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tạm ứng 500 tỉ đồng từ ngân sách thành phố để Ban quản lý đường sắt đô thị chi trả cho nhà thầu".

h3
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở kế hoạch và đầu tư tạm ứng 500 tỉ đồng từ ngân sách Thành phố cho Ban quản lý đường sắt đô thị chi trả cho nhà thầu.

Về tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Tình hình ùn tắc giao thông dự báo cuối năm sẽ tăng, một số khu vực nóng hiện nay đã được kiểm soát. Tuy nhiên khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái là những điểm rất phức tạp. Mới đây đã đưa vào sử dụng 2 cầu vượt gần khu vực sân bay, tình hình ùn tắc có đỡ hơn một chút. Tuy nhiên vẫn chưa thể giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc ở khu vực này bởi Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy hoạch năm 2020 là 25 triệu hành khách nhưng đã quá tải bởi đến cuối năm 2017 dự kiến đã đạt 36 triệu hành khách nên việc giảm ùn tắc triệt để chỉ trên lý thuyết, còn hiện nay chúng ta chỉ có thể nỗ lực kéo giảm. Các công trình giao thông hiện nay vẫn đạt đúng tiến độ và dự kiến có 8 cổng sẽ được đưa vào sử dụng cuối năm 2017 để tháo gỡ ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố".

Theo ông Cường, Sở GTVT đã cho lắp camera ở tất cả các điểm nóng để khi có tai nạn là có thông tin báo về ngay. Tuy nhiên, khâu xử lý các sự cố còn chậm khiến ùn tắc ngày một lan rộng ra. Để giải quyết hạn chế này, Sở đã xây dựng cơ chế phối hợp với các đơn vị liên quan khi có sự cố xảy ra. Cơ chế này bước đầu đã phát huy tác dụng. Bằng chứng là chiều 27/7, tại cầu vượt Lăng Cha Cả xảy ra cùng lúc 2 sự cố giao thông nhưng nhờ khâu xử lý nhanh nên 15 phút sau, ùn tắc đã được giải tỏa. Hiện bên trong sân bay đang được sắp xếp lại, bên ngoài thì đang đẩy nhanh tiến độ một số dự án đang khẩn trương giải phóng mặt bằng như quận Tân Bình đang lấy mặt bằng để mở rộng nút giao Lăng Cha Cả.

h4
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM nhấn mạnh: "Việc đưa vào sử dụng 2 cầu vượt gần khu vực sân bay chỉ giảm ùn tắc một chút chứ không thể triệt để".

Ông Phong chỉ đạo Sở GTVT trước mắt phải có sự nỗ lực tối đa phối hợp với các đơn vị đưa ra phương án phối hợp đồng bộ kéo giảm ùn tắc. Về lâu dài cần phải có biện pháp căn cơ trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Đồng thời kiểm tra toàn bộ hệ thống cây xanh để tránh tình trạng gãy đổ trong mùa mưa bão, tránh xảy ra các sự cố gây thiệt hại về người và tài sản.

Ý kiến của bạn

Bình luận