Từng bước tạo hành lang cho thanh tra chuyên ngành hoạt động

Tác giả: Trần Kim

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 24/07/2017 14:39

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tại hội nghị Tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra do Bộ GTVT tổ chức ngày 24/7

IMG_0175
Ông Trần Văn Trường - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT báo cáo tại hội nghị

Thực hiện Kế hoạch số 922/KH-TTCP ngày 20/4/2017 của Thanh tra Chính phủ về Tổng kết toàn quốc 6 năm thi hành Luật Thanh tra, Bộ GTVT đã ban hành Kế hoạch số 4971/BGTVT-TTr ngày 10/5/2017 về việc tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra của Bộ GTVT, thực hiện việc tổng kết đối với tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ GTVT.

Báo cáo Tổng kết 6 năm thực hiện Luật Thanh tra, ông Trần Văn Trường - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT cho biết, Luật Thanh tra 2010 là hành lang pháp lý về tổ chức và hoạt động của lực lượng thanh tra, vừa đảm bảo quản lý theo ngành vừa đảm bảo quản lý theo lãnh thổ; nâng cao vị trí, vai trò và tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, xử lý thanh tra, đặc biệt đối với công tác thanh tra chuyên ngành. Công tác thanh tra dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự Ðảng, Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GTVT đặc biệt được quan tâm, sự phối hợp đạt hiệu quả của các cục, vụ chức năng; trong lãnh đạo Bộ đã có sự phân công theo dõi cụ thể theo lĩnh vực chuyên môn phụ trách, đảm bảo sự thống nhất, xuyên suốt, chặt chẽ trong hoạt động quản lý.

Cùng với đó, các chế định, quy định quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan thực hiện công tác thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra đã được quy định cụ thể hơn, đảm bảo tính hợp lý trong hoạt động thanh tra. Các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra được quy định rõ ràng, phù hợp yêu cầu hoạt động thanh tra công khai, minh bạch, khách quan, trung thực. 

IMG_0194
Nhiều ý kiến được các đại biểu tham dự phát biểu

Tuy nhiên, trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra nhà nước; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành còn chưa đồng bộ và bộc lộ nhiều bất cập, đơn cử tại một số đơn vị như Tổng cục ĐBVN, Cục ĐSVN, Cục ĐTNĐVN, Cục HKVN, Cục HHVN là cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành GTVT, thanh tra là công cụ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vì vậy việc quy định các cơ quan này là cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là chưa phù hợp.

Một số đơn vị như Tổng cục ĐBVN, Cục ĐSVN, Cục ĐTNĐVN không có cơ quan thanh tra độc lập nên công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức thanh tra, kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Không tổ chức đầu mối thanh tra chuyên ngành tại các Chi cục QLĐB, Chi cục ĐTNĐ nên việc triển khai các nhiệm vụ thanh tra, chuyên ngành GTVT đường bộ, ĐTNĐ tại cơ sở còn thiếu tập trung, chuyên nghiệp, các cảng vụ không có công chức thanh tra…

IMG_0185
Các đại biểu dự hội nghị

Do đó, để Luật Thanh tra đi vào cuộc sống đáp ứng nhu cầu của thực tiễn Bộ GTVT kiến nghị trong thời gian tới cần sửa Luật Thanh tra theo hướng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp Tổng cục, Cục thuộc Bộ có tổ chức thanh tra độc lập (Thanh tra Tổng cục, Thanh tra Cục). Sửa đổi Điều 25 Nghị định 57/2013/NĐ-CP theo hướng bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành tại cảng vụ có thanh tra viên và công chức thanh tra chuyên ngành. Quy định phân cấp quản lý cụ thể giữa các cơ quan thanh tra thuộc Cục quản lý chuyên ngành và Thanh tra Sở GTVT nhằm xác định rõ trách nhiệm các cơ quan trong công tác quản lý, khắc phục tình trạng chồng chéo giữa các cơ quan thanh tra. Xây dựng văn bản hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra thường xuyên vì hiện nay hoạt động thanh tra thường xuyên chưa có cơ quan, đơn vị nào triển khai thực hiện do chưa có hướng dẫn cụ thể. 

Có cơ chế đặc thù bố trí xây dựng trụ sở làm việc, trang cấp thiết bị, phương tiện chuyên dùng và phân bổ kinh phí hoạt động thanh tra để phù hợp với các quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành vì kinh phí cấp theo mức khoán chi hành chính và kinh phí hỗ trợ hoạt động thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính hạn chế và thường xuyên. Đồng thời, có chế độ đãi ngộ như thanh tra viên đối với công chức, viên chức thực hiện chuyên trách nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Đối với các cuộc thanh tra chuyên ngành, thanh tra chuyên đề trên diện rộng liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra thì cơ quan ban hành kết luận thanh tra thực hiện việc công khai kết luận thanh tra bằng một trong các hình thức quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật Thanh tra. 

IMG_0198
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ phát biểu tại hội nghị

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ cho biết: Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo nên hành lang pháp lý hết sức quan trọng cho hoạt động thanh tra, qua hoạt động thanh tra, ngành Thanh tra đã hết sức nỗ lực trong việc đưa Luật từng bước vào đời sống xã hội. Đặc biệt, trong 6 năm thi hành luật, Thanh tra Bộ GTVT đã không ngừng củng cố, xây dựng lực lượng thanh tra lớn mạnh, qua hoạt động thanh tra, đã kiến với Nhà nước, với các Bộ, ngành, địa phương kịp thời sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng…

IMG_0201
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã ghi nhận những thành tích đã đạt được của Thanh tra Bộ trong những năm vừa qua. Đồng thời Thứ trưởng cũng lưu ý một số vấn đề trong thời gian tới Thanh tra Bộ cần làm tốt hơn nữa trong việc phát hiện những bất cập trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, Thứ trưởng giao Thanh tra Bộ xem xét những điểm còn bất cập, những điểm còn chồng chéo, tổng hợp báo cáo Thanh tra Chính phủ, từng bước tạo hành lang cho thanh tra chuyên ngành hoạt động.

Ý kiến của bạn

Bình luận