'Tử thần' 727 và những lần lội ngược dòng khủng hoảng của Boeing

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Bạn đọc 22/03/2019 08:51

Máy bay 727 từng được ví von là "tử thần" với 4 vụ tai nạn liên tiếp, nhưng nỗ lực kịp thời của Boeing và sự chống lưng của FAA đã giúp họ vượt qua khủng hoảng vào những năm 1960.

 

zing_727_1
Phần đuôi của một chiếc 727 của hãng All Nippon Airways rơi ở vịnh Tokyo vào năm 1966 khiến 133 người thiệt mạng. Ảnh: CNN.

 Boeing 737 MAX 8, dòng máy bay phản lực mới nhất của tập đoàn Boeing đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Với 2 vụ tai nạn chết người liên tiếp chỉ trong vòng hơn 4 tháng, MAX 8 bị cấm bay trên toàn cầu kéo theo tương lai đầy bất trắc cho Boeing.

Báo chí đổ lỗi cho máy bay, hành khách sợ phải đặt chân lên MAX 8 trong khi trước đó dòng máy bay này được kỳ vọng sẽ đem lại thành công cho Boeing trong phân khúc máy bay thân hẹp, tầm ngắn. Nó vốn là loại máy bay mà rất nhiều hãng hàng không trên thế giới cần. Nhưng nếu sự hoảng loạn tiếp tục kéo dài, các hãng hàng không không muốn mua nó, đó sẽ là thảm họa đối với Boeing.

371 chiếc MAX 8 đang bị cấm bay trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong quá khứ, Boeing từng đối mặt với cuộc khủng hoảng còn tồi tệ hơn xảy ra với dòng Boeing 727. Trong khoảng thời gian 4 tháng cuối năm 1965 và đầu năm 1966, bốn chiếc 727 đã bị rơi. 3 trong số 4 vụ tai nạn xảy ra khi máy bay đang cố gắng hạ cánh tại Mỹ và 2 trong số đó xảy ra cách nhau chỉ 3 ngày trong tháng 11/1965, CNN cho biết.

Bài học từ cuộc khủng hoảng quá khứ

Boeing rõ ràng đã vượt qua cuộc khủng hoảng trong thập niên 60. Do đó, những bài học từ quá khứ có thể áp dụng cho hiện tại. Đầu tiên, quy trình đào tạo thích hợp cho phi công lái máy bay mới là rất quan trọng. Trong quá khứ, các phi công đã không được chuẩn bị đầy đủ để bay 727 và điều đó dẫn đến các thảm họa.

Dù nguyên nhân dẫn đến tai nạn của Boeing 737 MAX 8 vẫn chưa được xác định, nhưng có bằng chứng cho thấy các phi công chưa sẵn sàng đối phó với hệ thống an toàn tự động được thiết kế để ngăn sự chòng chành của máy bay. Các nhà điều tra nghi ngờ hệ thống an toàn tự động của MAX 8 đã khiến mũi máy bay chúi xuống quá mức trước khi xảy ra vụ tai nạn ở Ethiopia và Indonesia.

Nhìn lại các vụ tai nạn vào những năm 1960 có thể nhận thấy khách hàng sẽ sớm vượt qua nỗi sợ hãi nếu Boeing chứng minh được máy bay của họ an toàn. Trong khi đó, sự lo lắng về MAX 8 lan rộng ra toàn cầu sau vụ tai nạn ở Ethiopia.

Kayak, một trang web chuyên đặt vé máy bay và phòng khách sạn có trụ sở tại New York đã thêm bộ lọc, cho phép khách hàng sàng lọc các chuyến bay sử dụng MAX 8. Quyết định của Boeing yêu cầu dừng bay toàn bộ MAX 8 là một phần trong các nỗ lực nhằm trấn an công chúng.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào lịch sử, sự lo lắng về MAX 8 có thể sẽ nhanh chóng giảm đi. Trong quá khứ, 4 vụ tai nạn liên quan đến 727 gây ra mối lo ngại lớn trong cộng đồng khách du lịch. Tuy nhiên, ở thời điểm những năm 1960, tại nạn hàng không trở nên phổ biến hơn và rất nhiều khách du lịch chưa từng đặt chân lên máy bay, nên đối với họ 727 hay máy bay khác cũng không có gì khác nhau.

Sự lo ngại đối với 727 nhanh chóng biến mất và nó trở thành một trong những thành công lớn của Boeing.

Lịch sử tai nạn của 727

Boeing 727 có 3 động cơ bố trí ở đuôi máy bay. Nó là máy bay thương mại đầu tiên có ít hơn 4 động cơ. Điều đó giúp máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn so với Boeing 707 bốn động cơ. 727 có đôi cánh thiết kế mới đầy sáng tạo, giúp giảm tốc độ máy bay nhanh hơn, cho phép hạ cánh trên các sân bay có đường băng ngắn vốn trước đây chỉ dành cho máy bay cánh quạt. Một điểm quan trọng để bán hàng.

zing_727_2
Boeing 727 từng được ví von là tử thần với những tai nạn liên tiếp. Ảnh: Flickr.

 Tuy nhiên, các phi công trong 4 vụ tai nạn dường như không chuẩn bị đầy đủ cho việc máy bay sẽ hạ cánh nhanh như thế nào với đôi cánh mới. Chiếc 727 đầu tiên gặp nạn đã trượt khỏi đường băng và lao xuống hồ Michigan cách đó 1,6 km, khi cố gắng hạ cánh xuống sân bay O'Hare ở Chicago vào tháng 8/1965.

Hàng loạt bài báo đăng tải với tiêu đề “Tử thần 727”, kéo theo sự hoảng loạn của khách hàng. Bill Waldock, giáo sư Đại học Hàng không Embry-Riddle, người đứng đầu phòng thí nghiệm tai nạn của trường, cho biết có rất nhiều lời kêu gọi tẩy chay 727: “Các đại lý du lịch khuyến cáo khách hàng không bay với 727. Điều đó có thể đã giết chết máy bay”, giáo sư Waldock nói.

Sự chống lưng của FAA

Tương tự trường hợp của MAX 8, đang các cơ quan hàng không dân dụng trên thế giới yêu cầu dừng bay đối với loại máy bay này, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cũng từng mắc kẹt với Boeing trong thảm kịch của 727 vào những năm 1960. 

Ngay sau vụ tai nạn thứ 3, FAA ra thông báo không tìm thấy lỗi thiết kế trong các vụ tai nạn và từ chối dừng bay 727. Cuối cùng Ủy ban Hàng không Dân dụng, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia được thành lập sau vụ tai nạn đã kết luận 727 an toàn và đổ lỗi cho phi công trong các vụ tai nạn.

“Hội đồng xác định nguyên nhân tai nạn là do cơ trưởng không hành động kịp thời để kiểm soát việc hạ độ cao quá nhanh trong quá trình tiếp cận hạ cánh”, trích kết luận của các nhà điều tra sau vụ tai nạn thứ 3 ở Salt Lake City, bang Utah.

Nỗ lực của Boeing và sự chấp nhận của công chúng

zing_727_4
Từ chỗ "tử thần", 727 trở thành dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing thập niên 70. Ảnh: Flickr.

 Trong các vụ tai nạn của 727, các phi công đã không chuẩn bị đúng cách để thích nghi với những thay đổi trong việc điều khiển máy bay mới so với các phiên bản cũ. Shem Malmquist, nhà điều tra tai nạn hàng không, từng là cơ trưởng của Boeing 777, người trước đó đã bay 727, cho biết các nhà điều tra đã đúng, bản thân máy bay là an toàn, vấn đề là các phi công không được đào tạo đầy đủ để thích nghi với những thay đổi trên máy bay mới.

Boeing đã vượt qua cuộc khủng hoảng 727 bằng cách tăng cường đào tạo, giúp hoạt động bay an toàn hơn và tai nạn đã kết thúc. 727 trở thành dòng máy bay bán chạy nhất thời đó của Boeing. Đến những năm 1980, Boeing đã bán được 1.831 chiếc 727, gấp đôi so với đối thủ DC-9 của Douglas Airplane.

Douglas sau đó đã sáp nhập với McDonnell Airplane để trở thành McDonnell Douglas và cuối cùng được Boeing mua lại vào năm 1997. Brian Baum, tác giả, sử gia hàng không, cho biết mối quan tâm của công chúng về máy bay bị rơi thường khá ngắn ngủi.

Baum chỉ ra vấn đề trước đó của dòng 787 Dreamliner mới của Boeing vào năm 2013 liên quan đến vấn đề cháy pin. “Mọi người đã khá lo lắng về vấn đề pin của 787. Nhưng hôm nay tôi không biết bất kỳ ai gặp vấn đề với chiếc 787”, ông Baum nói.

Khi các vấn đề được công bố và giải quyết, người tiêu dùng đưa ra quyết định dựa trên chi phí. “Tôi không thấy mọi người quan tâm đến vấn đề của máy bay trong thời gian dài, họ chỉ quan tâm đến giá vé”, ông Malmquist nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận