Từ đường 20 - Quyết thắng đến Ban 67 - Tổng 5 hôm nay

Tác giả: Thanh Biên

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 30/04/2017 06:25

Từ đầu năm 1965, Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc mà mục tiêu đánh phá ác liệt nhất là hủy diệt toàn bộ hạ tầng GTVT

 

duong 20
 


Từ đầu năm 1965, đế quốc Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc mà mục tiêu đánh phá ác liệt nhất là hủy diệt toàn bộ hạ tầng GTVT nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc XHCN với tiền tuyến miền Nam. Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, Bộ GTVT được tăng cường mà nhiệm vụ trọng tâm và đầy thử thách là đảm bảo GTVT trong mọi tình huống, GTVT trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Đồng chí Phan Trọng Tuệ - Bộ trưởng được Trung ương giao kiêm giữ chức Chính ủy, kiêm Tư lệnh Đoàn 559.

Trong cuộc chiến tranh khốc liệt trên dải đất miền Trung, các tuyến đường đặc biệt là những tuyến đường thuộc “vùng cán xoong” có vai trò quyết định trong việc đưa hàng hóa vào chiến trường. Trong lúc đó, các tuyến đường vượt Trường Sơn chỉ có đường 12 làm từ thời Pháp là ô tô cỡ nhỏ chạy được, nhưng đến mùa mưa thì "túi nước" Xiêng Phan làm ắch tắc, các tuyến đường khác chỉ có gùi, thồ, các vùng giáp ranh vĩ tuyến 17 thì bị “vùng trắng” điện tử Mác-na-ma-ra phong tỏa hoặc vùng núi ở đó hầu hết là đồi trọc.

Trước tình hình khó khăn đòi hỏi chúng ta phải hạ quyết tâm mở bằng được tuyến mới nhằm phá thế độc tuyến, trong đó khu vực từ Phong Nha đến A-ky Ta-lê nằm trong “tầm ngắm” của các đồng chí lãnh đạo Đảng và các cơ quan tham mưu. Khó khăn lớn nhất lúc này là mở đường ra Tây Trường Sơn,  tại đây gặp dãy núi đá tai mèo (dài khoảng 40km), ngay cả thời Pháp cũng không thể thực hiện được.

Với ý chí sắt đá và lòng quả cảm của quân và dân quyết tâm thực hiện nhiệm vụ với 02 phương án: Một là mở đường đất tránh dài hơn 30km phía Đoòng, hai là dùng bộc phá. Cuối cùng, chúng ta đã chọn phương án hai và chiến dịch đã được đặt tên "Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi" và con đường 20 (biểu tượng của tuổi trẻ - quyết thắng) thành tên Đường 20 - Quyết thắng từ đó. Để thực hiện thành công ý tưởng này, các lực lượng đã được tăng cường, phương tiện cơ giới của Ngành được điều động - các tiểu đoàn TNXP, 3 trung đoàn vừa công binh vừa bộ binh, các phương tiện cơ giới, chất nổ…, lực lượng phòng không yểm trợ đã tập kết nhanh chóng. Đúng 7h30 ngày 30/12/1965, đồng chí Nguyễn Tường Lân - Thứ trưởng Bộ GTVT - Phó Tư lệnh Đoàn 559 đã "điểm hỏa" phát mìn đầu tiên, cả công trường với khí thế hừng hực bước vào chiến dịch mới.

Mặc dù địch đánh phá ác liệt, Trường Sơn khí hậu khắc nghiệt, sốt rét, bệnh tật cũng không thể ngăn được khí thế như chẻ tre và chỉ trong 77 ngày đêm ta đã mở đường thông tuyến từ Phong Nha đến A-ky nối với mũi phái Tây sang tới Ta-lê thông xe 82km. Trước những chiến công vĩ đại đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phong tặng Đường 20 - Quyết thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sỹ và TNXP làm nên. Từ kinh nghiệm mở đường 20 thành công ta rút ra được nhiều bài học quý, đó là: Hiệp đồng giữa GTVT và Quốc phòng thành binh chủng hợp thành, giữa chiến sỹ và Thanh niên xung phong. Thực hiện cơ chế song trùng lãnh đạo, cụ thể là: Đồng chí Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ kiêm Chính ủy, Tư lệnh 559; đồng chí Phan Trầm - Chỉ huy trưởng; đồng chí Vũ Quang Bình - Chính ủy công trường và các cấp từ binh trạm xuống tiểu đoàn cũng vậy. Cuộc chiến ngày càng ác liệt thì "cơ chế" song trùng ấy càng được thể hiện mạnh mẽ hơn. Từ những chiến công và kỳ tích đó, ngày 23/4/1967, Bộ GTVT đã quyết định thành lập Ban Xây dựng 67, đồng chí Phan Trầm được cử làm Trưởng ban, đồng thời kiêm Tham mưu trưởng Cầu đường Bộ Tư lệnh Tiền phương hay gọi là Bộ Tư lệnh Đoàn 500.

CB, CNV Ban 67 đã chiến đấu như những người lính thực thụ từ khi mở đường 20 đến khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong chiến tranh đã thế, hòa bình lập lại họ cũng chưa kịp nghỉ ngơi, đất nước cần họ để khôi phục cầu đường, bến cảng… Họ cũng chưa kịp học hỏi kiến thức mới mà phải bắt tay ngay vào nhiệm vụ khôi phục đường sắt Bắc - Nam, cầu Hiền Lương, đường Hồ Chí Minh, mở rộng các đường chiến lược, đường 1…

Ban 67 đã trải qua nhiều tên gọi khác như: Xí nghiệp Liên hợp Công trình 3, sau đó đổi tên thành Liên hợp các Xí nghiệp Xây dựng công trình Giao thông 5. Đến năm 1995, Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 (Cienco 5) được thành lập, mở ra một chương mới trong sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Năm 2014, Cienco 5 đã hoàn thành việc chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần.

Ngày 23/4/2017, Ban 67 tròn 50 năm, từ đây người ta nhớ đến Ban Xây dựng 67 như là “tiền tuyến” của ngành GTVT. Trên mảnh đất từng bị bom cày đạn xới và đầy nắng gió ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, gần 1.200 chiến sỹ Ban 67 đã nằm lại tại 3 nghĩa trang Tân Ấp, Thọ Lộc, Vạn Ninh. Hơn 3.000 thương binh và hàng chục vạn CB, CNV, Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã không tiếc máu xương, tuổi trẻ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Nửa thế kỷ chiến đấu, lao động, Ban 67 xứng đáng được tổ chức “trống giong, cờ mở” nhưng do hoàn cảnh, Tổng công ty đã chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, do đó điều kiện tổ chức còn khiêm tốn. Nhưng với những chiến công của Ban vẫn lấp lánh trong lịch sử ngành GTVT nói riêng và lịch sử đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước nói chung o

Ý kiến của bạn

Bình luận