Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM trước nguy cơ bị giải thể

30/09/2015 15:16

Sau bốn năm liên tiếp bị đình chỉ tuyển sinh, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đang có nguy cơ bị Bộ GD-ĐT đình chỉ hoạt động đào tạo.

đaihochungvuong
Mâu thuẫn nội bộ Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM kéo dài nhiều năm, đỉnh điểm là tranh chấp kiểm soát cơ sở trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Tân Bình, TP.HCM) giữa “hai bên” cuối năm 2013. Công an phải có mặt để vãn hồi trật tự 

Ngày 7-3-2012, Bộ GD-ĐT ra quyết định ngừng tuyển sinh năm 2012 đối với Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM vì mất đoàn kết nghiêm trọng trong bộ máy lãnh đạo, dẫn đến mất khả năng điều hành hoạt động của nhà trường, mâu thuẫn nội bộ kéo dài ảnh hưởng uy tín của trường và môi trường giáo dục.

Sau thời hạn ngừng tuyển sinh, nếu nguyên nhân dẫn đến ngừng tuyển sinh được khắc phục, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét cho phép trường tuyển sinh trở lại. Từ đó đến nay, các mâu thuẫn này vẫn chưa được giải quyết và trường đã bị ngừng tuyển sinh liên tục hơn bốn năm nay.

Hạn chót khắc phục: tháng 8-2016

Sau nhiều năm liên tục bị đình chỉ tuyển sinh, nội bộ vẫn mâu thuẫn nghiêm trọng, năm 2014 trường này đã đưa vào sử dụng cơ sở đào tạo của trường tại đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP.HCM. Ngày 28-3-2015, trường này có công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị xem xét cho trường tuyển sinh năm 2015.

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra các điều kiện theo quy định, ngày 2-6-2015 UBND TP.HCM đã có công văn trả lời. Theo công văn này, do trường chưa khắc phục các quy định của Bộ GD-ĐT về ngừng tuyển sinh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... theo quy định nên UBND TP.HCM chưa xem xét tiếp, đề nghị Bộ GD-ĐT cấp chỉ tiêu cho trường tuyển sinh.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cho rằng trường chỉ có hiệu trưởng tạm quyền, hội đồng quản trị không có khả năng triệu tập đủ 75% thành viên để bầu hiệu trưởng chính thức và đề nghị cơ quan thẩm quyền công nhận.

Hội đồng quản trị sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 14-6 nên cần kiện toàn tổ chức để hoạt động theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Tiếp đó, Bộ GD-ĐT đã có công văn “tối hậu thư” dành cho trường này, trong đó nêu rõ nếu đến ngày 31-8-2016 trường này vẫn chưa khắc phục xong nguyên nhân bị đình chỉ tuyển sinh, bộ sẽ đình chỉ hoạt động của trường.

Theo công văn ngày 21-8-2015 trả lời đề nghị tuyển sinh năm 2015 của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga ký, Bộ GD-ĐT chưa cho phép Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM tuyển sinh trở lại trong năm 2015 vì chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn tới ngừng tuyển sinh.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu trường khắc phục nguyên nhân dẫn đến ngừng tuyển sinh; chuẩn bị đủ các điều kiện đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý, nguồn lực tài chính và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết đình chỉ hoạt động đào tạo là một trong những bước dẫn đến giải thể trường.

Mời gọi nhà đầu tư mới

Theo bà Nguyễn Thị Mai Bình - trưởng phòng đào tạo nhà trường, hiện trường đang làm thủ tục để cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên khóa cuối cùng. Hiện trường chỉ còn chín sinh viên ngành xây dựng (học bốn năm rưỡi) và đây là số sinh viên cuối cùng của trường trong năm học này.

Trong khi đó, một cán bộ của trường cho biết lương cơ bản trường vẫn trả đủ nhưng lượng cán bộ, giảng viên đã nghỉ việc rất nhiều.

Trước nguy cơ bị đình chỉ hoạt động, không còn sinh viên đào tạo, nguồn thu “âm”, cán bộ - giảng viên bỏ đi, ông Đặng Thành Tâm - chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM - đã có “tâm thư” gửi toàn thể cán bộ nhân viên, giảng viên cơ hữu của trường kêu gọi đoàn kết, kêu gọi nhà đầu tư mới; đề xuất phương án hoạt động đào tạo...

Theo "tâm thư", hiện trường không còn nguồn thu, thời gian sắp tới trường hết sinh viên; cán bộ, giảng viên sẽ hầu như không còn việc làm, giảng viên không có giờ giảng nên các phòng, khoa cần đề xuất phương án đào tạo để tạo nguồn thu duy trì hoạt động.

Do thực tế khắc nghiệt này, hội đồng quản trị sẽ gửi đơn đăng ký để mỗi cán bộ, giảng viên tự nguyện quyết định tương lai của mình. Người ở lại sẽ chấp nhận rủi ro, thu nhập khiêm tốn, kể cả chia sẻ khó khăn với trường.

Ngoài ra, hội đồng quản trị sẽ làm việc nghiêm túc, xem xét thấu đáo các nguyên nhân cụ thể và trách nhiệm của từng thành viên hội đồng quản trị, ban giám hiệu và các bộ phận trong trường (sai phạm về kinh tế và các sai phạm khác) cũng như kiểm điểm các cá nhân, đơn vị trước đây trên tinh thần xử lý dứt điểm những tồn tại.

Cũng theo ông Tâm viết trong thư, dù lãnh đạo trường đã cố gắng làm việc với Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM để giải trình là nội bộ của trường đã đoàn kết nhưng không đủ sức thuyết phục các cơ quan này bởi thực tế vẫn còn đơn khiếu nại gửi các cấp.

Để được tuyển sinh trở lại trong năm 2016, hai vấn đề trọng tâm phải thực hiện là đoàn kết nội bộ và xây dựng cơ sở vật chất.

● Thành lập ngày 14-5-1995 theo quyết định số 470/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trường hoạt động theo mô hình trường dân lập.

● Ngày 19-5-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 703/QĐ - TTg chuyển Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM từ loại hình dân lập sang loại hình trường tư thục.

● Năm 2012 trường bị thanh tra toàn diện. Kết luận thanh tra cho thấy trường có nhiều sai sót về tài chính, bổ nhiệm cán bộ. Ông Đặng Thành Tâm bị tạm đình chỉ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị, ông Lê Văn Lý bị tạm đình chỉ chức vụ hiệu trưởng.

● Tháng 3-2012, Bộ GD-ĐT ra quyết định ngừng tuyển sinh đối với Trường ĐH Hùng Vương. Việc đình chỉ tuyển sinh kéo dài đến nay.

● Tháng 6-2013, UBND TP.HCM ra quyết định không công nhận hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương đối với ông Lê Văn Lý. Ông Lý kiện quyết định hành chính này ra tòa và bị xử thua kiện.

● Từ thời điểm này, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM không có hiệu trưởng, chỉ bổ nhiệm hiệu trưởng tạm quyền.

● Ngày 16-3-2015, hội đồng quản trị Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM gửi tờ trình đến UBND TP.HCM đề nghị công nhận hiệu trưởng của nhà trường đối với ông Bế Nhật Dục. Tuy nhiên UBND TP.HCM không công nhận vì cuộc họp hội đồng quản trị chưa đủ tỉ lệ biểu quyết theo quy định.

Tăng cường cơ sở, tuyển dụng giảng viên

Theo hội đồng quản trị Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, tháng 7-2015 trường đã tuyển bổ sung giảng viên nên hiện đội ngũ giảng viên đáp ứng đủ yêu cầu của Bộ GD-ĐT.

Về cơ sở vật chất, ngoài trụ sở có diện tích gần 3.000mtại đường Nguyễn Trãi, cơ sở Chế Lan Viên (Tân Phú) có diện tích trên 3.700m2, trường đã ký thỏa thuận góp vốn với một công ty là cổ đông của trường để sử dụng 2.000m2 tòa nhà hiện hữu của công ty này và xây dựng một tòa nhà 10 tầng với diện tích sàn 20.000m2 tại công viên phần mềm Quang Trung.

Đối với dự án xây dựng trường tại xã Tân Kiên (Bình Chánh), đến cuối năm 2010 trường đã mua được 3ha nhưng do xảy ra nhiều việc nên công tác đền bù mua đất đã tạm dừng cho tới nay. Hiện dự án đang được triển khai lại và sẽ mua thêm 2ha nữa là đáp ứng được yêu cầu của bộ.

Ý kiến của bạn

Bình luận