Trường Cao đẳng Hàng hải II:Đổi mới đào tạo xây dựng lợi thế cạnh tranh

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
30/11/2018 10:34

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng trong việc đổi mới công tác đào tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường Cao đẳng Hàng hải II đã có nhiều cố gắng, tạo bước đột phá và bước đầu thu được kết quả nhất định.

 

Image703075
Một số hoạt động của Trường Cao đẳng Hàng hải II

Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015 quy định rất nhiều điểm mới có tính đột phá trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Việc chuyển các trường cao đẳng thuộc giáo dục đại học sang hệ thống giáo dục nghề nghiệp, thống nhất trình độ cao đẳng và cao đẳng nghề, trung cấp và trung cấp nghề sẽ làm cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở rộng cả về mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và quy mô tuyển sinh. Bên cạnh đó, một trong những đột phá của Luật Giáo dục nghề nghiệp là mở rộng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về chương trình, giáo trình, nhân sự và tài chính.

Image703082
Một số hoạt động của Trường Cao đẳng Hàng hải II

Trường Cao đẳng Hàng hải II được Bộ GTVT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ nguồn kinh phí đáng kể từ Chương trình mục tiêu quốc gia, nghề trọng điểm, dự án ODA… Nhờ vậy, Nhà trường đã được đầu tư trang thiết bị thực hành tương đối đầy đủ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên cho hai nghề Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu thủy theo chuẩn cấp độ quốc tế, góp phần hiện đại hóa công tác đào tạo nghề.

Mục tiêu chung trong chiến lược phát triển đào tạo của Nhà trường giai đoạn 2015 - 2030 là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động trong và ngoài nước, nhằm thỏa mãn nhu cầu học nghề gắn với việc làm của người dân và phát triển của cộng đồng.

Để đạt được mục tiêu đó, trong hệ thống các giải pháp, Nhà trường chú trọng một số giải pháp sau:

Xây dựng đề án đổi mới công tác đào tạo: Đề án được xây dựng trên cơ sở tham khảo ý kiến đóng góp rộng rãi của toàn bộ giảng viên và cán bộ quản lý tạo đồng thuận trong quá trình thực hiện. Đổi mới đào tạo theo cách tiếp cận mới là đổi mới toàn diện, vì vậy phải xác định các vấn đề mới, đánh giá đúng thực trạng, những khó khăn, thuận lợi, khả năng huy động các nguồn lực; phân chia ra nhiều giai đoạn, xác định mục tiêu cho từng giai đoạn, đề ra các giải pháp và nhiệm vụ, kế hoạch hành động cụ thể.

Đa dạng hóa các hình thức, loại hình dạy nghề (chính quy, thường xuyên, dạy nghề tại doanh nghiệp...): Tập trung vào các chương trình, khóa đào tạo phù hợp; coi trọng việc mở rộng hình thức dạy nghề theo hợp đồng, đặt hàng giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp sử dụng lao động; đáp ứng nhu cầu học nghề của mọi người.

Phát triển đội ngũ giảng viên: Giảng viên là lực lượng chính thực hiện tất cả các khâu của quá trình đào tạo, vì vậy họ là yếu tố quyết định. Cách đào tạo truyền thống đã ăn sâu vào từng giảng viên cho nên khi thay đổi không tránh khỏi tư tưởng băn khoăn e ngại, trong khi đó đổi mới toàn diện là một công việc vô cùng khó khăn, gian khổ, đòi hỏi phải kiên trì, phải hành động quyết liệt, nếu tư tưởng không tốt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đổi mới. Theo phương pháp tiếp cận mới, giảng viên được bồi dưỡng để có được hệ thống các năng lực đáp ứng yêu cầu của công nghệ dạy học mới, họ được bồi dưỡng về một số vấn đề quan trọng sau:

- Phương pháp học hiệu quả: Với cách dạy và học mới, người học phải tự học, tự tìm hiểu rất nhiều, vì vậy giảng viên phải hướng dẫn cho người học cách học tập hiệu quả.

Năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề: Theo phương pháp đào tạo mới, giảng viên phải hết sức linh hoạt và sáng tạo, trong quá trình đào tạo phải đề ra cũng như phải giải quyết được nhiều tình huống thực tế. Năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề có tác dụng rất nhiều cho việc hình thành các năng lực khác, vì vậy nó là năng lực cần phát triển cho người học.

Năng lực tổ chức hoạt động dạy và học: Theo cách đào tạo mới, các bài học chủ yếu là bài tích hợp, phương pháp dạy và học là phương pháp lấy người học làm trung tâm, việc tổ chức các hoạt động dạy và học có rất nhiều điểm khác biệt so với dạy học truyền thống, giảng viên phải được bồi dưỡng cả về thiết kế và thực hiện bài học. Thay đổi cách dạy cách học là một trong những công việc quan trọng nhất của quá trình đổi mới.

Năng lực đánh giá: Đánh giá là một trong các trụ cột của phương pháp đào tạo mới. Đánh giá năng lực là đánh giá đa chiều, đánh giá theo tiêu chí, tiêu chuẩn. Giảng viên phải đánh giá đầu vào, đánh giá tiến bộ trong quá trình hình thành năng lực, đánh giá tổng kết đồng thời cũng phải hướng dẫn người học biết tự đánh giá.

Xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp:

Trước đây, các chương trình đào tạo phải xây dựng theo chương trình khung, chỉ được tự chủ 30% nên chưa phù hợp với thực tế. Giáo trình đào tạo nghề còn nhiều nội dung mang tính hình thức, chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa gắn với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương; học sinh, sinh viên tốt nghiệp còn yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm.

Vì vậy, khi triển khai xây dựng lại các chương trình đào tạo, giáo trình giảng dạy nhà trường đã thực hiện theo định hướng như sau:

- Các chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả trên cơ sở bám sát và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động cả trong và ngoài nước, huy động các doanh nghiệp tham gia dạy nghề.

- Xây dựng cơ chế định kỳ đối thoại, lắng nghe ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp về nhu cầu lao động, chương trình đào tạo, chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong công tác quản lý và đào tạo, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học…Công tác đào tạo được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của xã hội, định hướng của Nhà nước và mục tiêu của trường và tình hình thực hiện liên quan đến 3 mảng lớn:

Đào tạo - nghiên cứu khoa học - môi trường giáo dục;

Tổ chức quản lý và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ - giảng viên - nhân viên;

Cơ sở vật chất - tài chính.

Môi trường hoạt động của Nhà trường luôn luôn biến động và ngày càng cạnh tranh. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, trong thời gian tới phương hướng phát triển của Trường sẽ tập trung đến các vấn đề sau:

- Thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp quản lý, tổ chức quá trình đào tạo để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo;

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin về nhu cầu việc làm trên website của Nhà trường;- Tiếp tục tạo mối quan hệ thân thiết với các doanh nghiệp đã hợp tác và tìm kiếm các doanh nghiệp mới;

- Tiếp tục tạo mối quan hệ thân thiết với các tổ chức quốc tế đã liên kết, đầu tư và mở rộng tìm kiếm liên kết hợp tác với các cơ sở đào tạo, tổ chức quốc tế khác để tăng cường trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong giảng dạy và chuyển giao công nghệ máy móc, trang thiết bị nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy.

Để đứng vững trong quá trình hội nhập, Nhà trường cần xây dựng cho mình những lợi thế cạnh tranh thích hợp trong môi trường hoạt động đào tạo nghề luôn thay đổi, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế; tìm ra cách tồn tại, tăng trưởng để nâng cao vị thế cạnh tranh và đưa Nhà trường ngày một phát triển vững chắc, phù hợp với Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020

Ý kiến của bạn

Bình luận