Trung úy đặc công bảo vệ lãnh đạo cấp cao ở sân bay Nội Bài

Nhật ký cảnh sát 01/07/2019 07:50

Bị chấn thương khi tập luyện, Nguyễn Bá Hạnh được khuyên chuyển công tác nhưng anh vẫn quyết tâm ở lại đội chống khủng bố.


 

PHAM4968-JPG-5887-1561363142
Chiến đấu viên Nguyễn Bá Hạnh. Ảnh: Ngọc Thành

Dưới cái nắng chói chang mùa hè, khuôn mặt trung uý Nguyễn Bá Hạnh (tổ trưởng tổ 3, đội chống khủng bố 12, Lữ đoàn 113, Binh chủng Đặc công) lã chã mồ hôi sau khi thực hiện xong các màn trình diễn võ thuật, vận khí công. Trên cổ anh có vài nốt đỏ, dấu vết của những mũi giáo vừa đâm vào đã bị anh dùng khí công đẩy cong.

33 tuổi với 14 năm quân ngũ, Hạnh phải mất 7 năm liên tục khổ luyện mới thuần thục được các màn võ thuật, vận khí công chống lại sự tác động ngoại lực rất mạnh mà không bị thương.

"Mới đầu tôi không khỏi bỡ ngỡ, sợ sệt vì nội dung huấn luyện đặc thù của đội chống khủng bố rất nguy hiểm, đòi hỏi chiến sĩ có nền tảng thể lực tốt, sức bền, dẻo dai", Hạnh chia sẻ và cho biết thêm, quá trình tập luyện miệt mài đã giúp anh lần lượt vượt qua các thử thách.

Đam mê võ thuật từ bé, chàng trai quê Bắc Ninh mơ ước được đứng trong hàng ngũ những người lính đặc công khi xem các phóng sự về lực lượng này trên tivi. 19 tuổi, Hạnh viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào Lữ đoàn 113, sau đó được cử đi học tại Trường sĩ quan Đặc công.

Học xong, trở về lữ đoàn, nhờ kết quả huấn luyện tốt, Hạnh được tuyển chọn làm chiến đấu viên đội đặc công 1, sau đó là chiến đấu viên đội chống khủng bố 12.

Hạnh chia sẻ, để nâng cao thể lực, anh cùng đồng đội phải chạy 5 km mỗi sáng, rồi chạy vũ trang kết hợp tập xà, tạ vào buổi chiều. Ngoài ra, các bài chạy vượt đồi, vượt địa hình dốc trong mọi điều kiện thời tiết cũng được thực hiện để nâng cao sức bền.

"Chiến đấu viên đội chống khủng bố có nhiệm vụ bảo vệ các sự kiện quan trọng của đất nước, giải thoát con tin... nên cấp trên đòi hỏi phải đặc biệt tinh nhuệ", anh nói.

Cùng với rèn luyện thể lực, những người lính đặc công phải tập luyện kỹ năng tác chiến với cường độ cao, cả ngày và đêm, trong mọi điều kiện thời tiết. Trong đó có các bài tập khó như tụt dây chiến thuật từ độ cao hàng chục mét, nhảy dù đổ bộ đường không, bắn súng chính xác bằng cả hai tay...

Các bài tập từ dễ đến khó giúp Hạnh dần quen với những kỹ thuật điêu luyện của lính đặc công. Dù vóc người tầm thước nhưng bù lại, Hạnh rất nhanh nhẹn, xử lý tình huống dứt khoát. Là võ sư võ, anh còn thường xuyên tham gia giao lưu, nghiên cứu các loại hình võ thuật khác nhau trong và ngoài nước, từ đó sáng tạo ra những động tác võ linh hoạt, mạnh mẽ để dạy lại cho đồng đội. 

Năm 2013, trong quá trình huấn luyện cường độ cao, Hạnh bị chấn thương, gãy xương quai xanh. Nhiều người thân khuyên anh xin về địa phương công tác, công việc nhẹ nhàng, ít nguy hiểm hơn. Thế nhưng chàng trai đất Kinh Bắc vẫn kiên quyết đi theo con đường mình đã chọn. Sau khoảng một năm, vết thương mới khỏi hẳn để anh quay trở lại với việc huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất với Hạnh là năm 2017 được Binh chủng đặc công cử đi tham gia giao lưu kỹ năng chiến đấu với lực lượng tác chiến đặc biệt Australia. Phái đoàn hai bên đã trao đổi kỹ chiến thuật, võ thuật, bắn súng...

"Lực lượng đặc biệt của Australia từng tham chiến tại Afghanistan nên có nhiều kinh nghiệm thực tế. Họ bắn súng, giải thoát con tin rất nhanh, chính xác, giúp chúng tôi rút ra bài học quý để về trao đổi lại với đồng đội", Hạnh nói.

PHAM4240-JPG-8043-1561516805
Chiến đấu viên Nguyễn Bá Hạnh vận khí công bẻ cong mũi giáo chọc vào yết hầu, trong khi đồng đội đập vỡ những viên gạch trên lưng anh. Ảnh: Ngọc Thành

Tổ trưởng chống khủng bố Nguyễn Bá Hạnh hai lần được tham gia nhiệm vụ đặc biệt. Lần đầu là bảo vệ Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam vào tháng 11/2017. Đơn vị của Hạnh tổ chức ém quân, lên phương án sẵn sàng xử lý tình huống, bảo đảm an toàn tại sân bay quốc tế Nội Bài.

"Lực lượng chống khủng bố phải nghiên cứu thực địa, lên các phương án có thể xảy ra, luyện tập thuần thục để không bị động, bất ngờ. Là tổ trưởng, tôi có nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu viên, nắm được nhiệm vụ từng người để triển khai ở thực địa", Hạnh nói.

Cuối tháng 2/2019, Hạnh cùng đồng đội tiếp tục nhận nhiệm vụ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Tổng thống Mỹ Donal Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội. Nhiệm vụ của đơn vị vẫn là ém quân tại sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 22/2 đến 2/3, trước khi khách tới cho đến lúc họ về nước.

"Để chuẩn bị đón các đoàn khách quốc tế, chúng tôi tổ chức trinh sát, kiểm tra địa hình, mục tiêu, kho xưởng, những vị trí tiếp cận với máy bay, ôtô gần nhất và lên phương án cần thiết", Hạnh nói và cho biết thêm, trong 10 ngày, anh cùng đồng đội trực 24/24 tại sân bay, luôn trong tư thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Theo anh, "cái khó của đội chống khủng bố là phải ở gần máy bay nhất nhưng không để lực lượng khác phát hiện ra". 

Bận rộn trong quân ngũ, Hạnh chỉ có thể bố trí mỗi tháng một lần về Bắc Ninh thăm gia đình, hai con nhỏ (8 và 4 tuổi). Những dịp có nhiệm vụ đột xuất thì phải đến 2-3 tháng anh mới về nhà một lần.

"May mắn là vợ thấu hiểu công việc của chồng nên thông cảm, ủng hộ, giúp tôi quyết tâm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình hơn", Trung úy Hạnh chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận