Trúng tuyển Oxford, chàng trai da đen kêu gọi quyên góp để nhập học

24/08/2018 15:21

Roy Potter thiếu 5.000 bảng Anh mới có thể nhập học ngành nhân chủng học trình độ thạc sĩ ở Đại học Oxford.

chang-trai-da-den-trung-tuyen-5439-9729-1535019187
Roy Potter đã tốt nghiệp thạc sĩ ở Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, đang có cơ hội học tiếp thạc sĩ ở Đại học Oxford. Ảnh: Roy Celaire

Nếu nhập học, Roy Potter (30 tuổi) không phải sinh viên Oxford điển hình. Anh có làn da đen, lớn lên ở một trong những khu nhà nghèo nhất London và được một mình mẹ nuôi dưỡng. Tuy nhiên, anh đã đánh bại hàng nghìn ứng viên đến từ gia đình khá giả, theo học các trường tư thục, hầu hết là người da trắng, theo Indy100 ngày 23/8. 

Đại học Oxford yêu cầu sinh viên hoàn thành tờ khai tài chính chứng minh có 30.000 bảng để trả học phí và chi phí sinh hoạt. Potter đã cố kiếm tiền bằng mọi cách, thông qua học bổng, việc làm và khoản vay, nhưng không đủ. Do đó, anh lập một trang GoFundMe kêu gọi mọi người giúp đỡ hoàn thành ước mơ.

Potter sinh ra và lớn lên ở Holly Street Estate, nơi nổi tiếng với nạn đói nghèo và tỷ lệ tội phạm cao, thuộc khu Hackney ở phía đông London. Trong môi trường đó, anh đã cố gắng rèn giũa trí tuệ của bản thân. “Tôi không phải là đứa trẻ nghịch ngợm. Tôi rất giàu nghị lực”, Roy Potter cười khi mô tả về bản thân.

Hết trung học, Potter trúng tuyển Đại học Southampton, nhưng vấn đề tài chính và quãng đường di chuyển quá xa buộc anh phải bỏ học sau một năm. “Hai tháng đầu, tôi thức dậy lúc 5h để kịp đến giảng đường lúc 9h, nhưng vẫn trễ!”, Potter kể. Anh đã nghĩ đại học không dành cho mình.

Vài năm sau đó, khi đã trải qua nhiều công việc, anh nhận ra khao khát học tập vẫn chưa hề bị dập tắt. Do vậy, anh quyết định cố gắng thêm lần nữa.

Năm 2010, Potter vào Đại học Brunel và ba năm sau, anh lấy bằng danh dự về ngành nhân chủng học và xã hội học. Chàng trai tiếp tục học lên thạc sĩ tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) uy tín, nơi khiến anh phải làm ba công việc, chiếm 50-70 tiếng mỗi tuần để trang trải.

Tốt nghiệp LSE với số điểm cao, Potter nhận ra giấc mơ của mình. “Tôi muốn trở thành một nhà nhân chủng học, một nhà khoa học xã hội. Tôi muốn làm một học giả”, anh nói.

Việc học tập của Potter cứ thế tiếp tục. Năm 2017, anh được Đại học Oxford gửi thư mời theo học chương trình thạc sĩ khoa học ngành nhân chủng tộc.

Không lo đủ mức yêu cầu tài chính tối thiểu là 30.000 bảng, anh đề nghị bảo lưu một năm, nhưng thời hạn đó sắp kết thúc. Hiện anh thiếu 5.000 bảng để theo đuổi ước mơ khi đã ở rất gần.

Potter vốn tích lũy nhiều kiến thức về nhân chủng học thông qua trải nghiệm cá nhân. Là người da đen, anh từng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. 

“Nhiều người tỏ ra khinh miệt vì tôi là người da đen. Khi ra đường, không ai nghĩ tôi có bằng từ LSE, chỉ vì tôi là một gã da đen. Mọi người vẫn thường hỏi tôi chỗ mua ma túy, dù tôi không uống rượu và không dùng ma túy. Đó là ấn tượng của xã hội về người da đen”, anh chia sẻ. Potter nhận định chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại, dù nhiều người khẳng định rằng nó đã kết thúc. 

Đại học Oxford và Đại học Cambridge, hai ngôi trường danh giá nhất nước Anh bị đánh giá gặp vấn đề nghiêm trọng về tính đa dạng. Một số trường trực thuộc hai đại học này đã không nhận bất kỳ sinh viên da đen nào trong nhiều năm. Tuy nhiên, Roy không lo lắng về việc trở thành thiểu số trong trường đại học. 

“Không quan trọng bạn bao nhiêu tuổi, bị tụt lại so với bạn bè một hay hai năm, không bao giờ quá muộn để thực hiện ước mơ, chỉ cần bạn đừng từ bỏ”, Potter nói. 

Ý kiến của bạn

Bình luận