Trung Quốc tuyên bố đạt 'đột phá' trong chế tạo động cơ khu trục hạm

Tác giả: vnexpress

saosaosaosaosao
Ứng dụng 31/12/2018 07:46

Trung Quốc khẳng định đã tự chế tạo thành công lá cánh động cơ tuốc bin trên tàu chiến Type-055, giúp tăng đáng kể hiệu suất.

photo-1-1545707253184202739371-7991-3700-154590653
Tàu khu trục Type 055 đầu tiên của Trung Quốc trong lễ hạ thủy. Ảnh: Sina.

Tập đoàn Đầu tư Điện lực Nhà nước Trung Quốc (SPIC) ngày 25/12 tuyên bố đã đạt được đột phá lớn trong công nghệ chế tạo lá cánh, bộ phận cốt lõi trong các động cơ tuốc bin khí cỡ lớn trên tàu chiến của nước này, theo SCMP.

SPIC khẳng định đây là "thành tựu mang tính bước ngoặt quan trọng nhất" kể từ năm 2015, khi một nhóm chuyên gia đặc biệt của nước này được thành lập để nghiên cứu động cơ tuốc bin khí nội địa.

Trong động cơ tuốc bin khí, không khí và nhiên liệu được hòa trộn và đốt cháy, giúp cánh tuốc bin quay để chạy máy phát điện. Lá cánh tuốc bin thường được chế tạo bằng siêu hợp kim nhằm chịu được áp lực cao bên trong động cơ. Đây là công nghệ mới mẻ với Trung Quốc, dù các tập đoàn lớn trên thế giới như Mỹ, Đức, Nhật và Italy đã chế tạo động cơ tuốc bin khí trong hơn 50 năm qua.

Một nguồn tin thân cận với ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh đạt được thành tựu trong công nghệ chế tạo lá cánh động cơ tuốc bin khí là nhờ phần lớn sự giúp đỡ của các đối tác nước ngoài, đặc biệt là Tập đoàn Năng lượng quốc gia Nga (RUEC).

Hồi tháng 7/2017, RUEC ký một thỏa thuận hợp tác đặc biệt với công ty chế tạo tuốc bin Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc, nhằm đổi lấy việc Bắc Kinh sẽ giúp Moskva sửa chữa và nâng cấp tàu sân bay Kuznetsov.

Chuyên gia quân sự Lý Kiệt nhận định lá cánh mới này sẽ được SPIC sử dụng để chế tạo động cơ tuốc bin lắp trên các khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường tối tân Type-055 của hải quân Trung Quốc.

Trước đó, giới phân tích quân sự nhận định động cơ tuốc bin khí của Type-055 hoàn toàn lép vế trước các động cơ mạnh mẽ được trang bị trên khu trục hạm lớp Arleigh Burke hải quân Mỹ. Tuy nhiên, với thành tựu này, khoảng cách giữa hai lớp tàu chiến sẽ được thu hẹp đáng kể.

Type-055 được thiết kế dựa trên tàu khu trục mang tên lửa Type-052D và được hải quân Trung Quốc kỳ vọng sẽ trở thành đối thủ của lớp tàu khu trục tàng hình Zumwalt Mỹ. Một khi đi vào biên chế, Type-055 sẽ là tàu chiến mạnh nhất của Trung Quốc.

Ý kiến của bạn

Bình luận