Trung Quốc đầu tư kỷ lục vào đường sắt để vực dậy nền kinh tế

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 22/01/2019 14:17

Bắc Kinh sẵn sàng đầu tư mạnh vào đường sắt và đưa ra thêm các gói kích cầu quy mô lớn dành cho người tiêu dùng khi kinh tế gặp khó.

trungquocduongsatreuters_clpz

Ảnh: Reuters

 Trung Quốc đang có kế hoạch đầu tư kỷ lục vào đường sắt trong năm nay, tổng giá trị khoản đầu tư ước tính khoảng 850 tỷ nhân dân tệ, tức khoảng 125 tỷ USD để vực dậy một nền kinh tế đang khó khăn bằng các biện pháp kích cầu. Ngoài đầu tư đường sắt, Trung Quốc đồng thời hỗ trợ mua ô tô và mua sắm thiết bị, theo tin từ báo Nikkei.

Một quản lý tại công ty China Railway nói: “Đầu tư trong năm 2019 nhiều khả năng sẽ lên mức khoảng 850 tỷ nhân dân tệ. Con số này sẽ cao hơn khoảng 6% so với tổng mức đầu tư 802,8 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái, và cao hơn kế hoạch ban đầu khoảng 10%”.

Không chỉ mở rộng chương trình giảm thuế trên quy mô lớn vào năm ngoái, Bắc Kinh cũng đang sẵn sàng đầu tư mạnh vào đường sắt và đưa ra thêm các gói kích cầu quy mô lớn dành cho người tiêu dùng khi mà kinh tế Trung Quốc gặp khó trong cuộc chiến thương mại với Washington.

Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chính phủ Trung Quốc đã mở rộng dự án đầu tư vào đường sắt, tổng mức đầu tư trong năm 2010 lên đến 846,2 tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên, đầu tư vào đường sắt tốc độ cao giảm sau vụ tai nạn và trật bánh đường sắt gây chết người tại tỉnh Chiết Giang vào năm 2011. Từ năm 2014 đến nay, đầu tư vào đường sắt ở Trung Quốc quanh mức khoảng 800 tỷ nhân dân tệ.

China Railway dự báo quy mô dự án xây dựng mới sẽ tăng 45% trong năm lên khoảng 6.800km. Quy mô dự án đường sắt cao tốc sẽ giảm xuống còn 3.200km, giảm 20%, thế nhưng tổng chi tiêu nói chung sẽ tăng nhanh chóng chủ yếu do Trung Quốc khởi động xây dựng tuyến đường sắt nối giữa Trùng Khánh và thành phố Côn Minh thủ phủ tỉnh Vân Nam với khu vực Tây Nam Trung Quốc - một khu vực miền núi cần đến sử dụng nhiều đường hầm.

Một số dự án khác bao gồm các tuyến đường sắt kết nối giữa tỉnh Hồ Nam và tỉnh Giang Tây cũng như dự án kết nối Trùng Khánh và tỉnh Tứ Xuyên. Ngoài ra phải kể đến dự án thành phố thông minh gần Bắc Kinh. Tuyến đường sắt kết nối giữa tỉnh Tứ Xuyên và khu tự trị Tây Tạng cũng có thể được tính đến.

Dù Bắc Kinh đặt mục tiêu khuyến khích tăng trưởng kinh tế, việc mở rộng tuyến đường sắt có thể khiến cho ngành đường sắt thêm khó khăn. Trong khoảng thời gian từ tháng 1 cho đến hết tháng 9/2018, ngành kinh doanh đường sắt tại Trung Quốc vẫn lỗ ròng ngay cả khi chi phí đi lại tăng 9%. Tổng khối nợ của China Railway vượt 5 nghìn tỷ nhân dân tệ, việc tăng đầu tư thêm có thể cản trở những nỗ lực cải tổ tình hình tài chính của doanh nghiệp này.

Ý kiến của bạn

Bình luận