Trung Quốc chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất trong chiến tranh thương mại

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 30/08/2019 06:55

Chiến thuật của Tổng thống Trump làm gia tăng nghi ngờ, theo giới phân tích.Trung Quốc đã chuẩn bị kế hoạch dự phòng cho kịch bản không thỏa thuận với Mỹ.

photo-1-15669889758471909957074

Độ tin cậy của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở thành chướng ngại chính để Trung Quốc đạt một thỏa thuận lâu dài với Mỹ. Ảnh: Star Tribune.

Sau một cuối tuần với nhiều tín hiệu trái chiều, độ tin cậy của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở thành chướng ngại chính để Trung Quốc đạt một thỏa thuận lâu dài với Mỹ, theo các quan chức Trung Quốc giấu tên. Chỉ số ít các nhà đàm phán tại Bắc Kinh tin hai nước đạt thỏa thuận trước bầu cử Mỹ năm 2020, một phần bởi không ai muốn khuyến nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký một thỏa thuận có thể bị Tổng thống Trump hủy bỏ.

Phát biểu trước báo giới tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp hôm 26/8, ông Trump cho biết các quan chức Trung Quốc gọi điện cho phía Mỹ và nói “hãy quay lại bàn đàm phán”. Ông còn mô tả Trung Quốc rất mong có thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Thông tin trên lập tức được các báo đưa tin, giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không xác nhận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc “chưa nghe gì về hai cuộc điện thoại mà phía Mỹ nhắc đến trong cuối tuần trước”. Diễn biến làm dấy lên nghi ngờ về độ đáng tin cậy của ông Trump.

“Sự thay đổi của ông Trump khiến lòng tin ngày càng suy giảm”, Tao Dong, phó chủ tịch phụ trách Trung Quốc tại Suisse Private Banking, Hong Kong, nói. “Điều này khiến việc tìm một phương án giải quyết nhanh là không thể”.

Hai quan chức Trung Quốc mô tả cách tiếp cận của Trung Quốc đang là kiên quyết đấu tranh trong khi đàm phán, dùng đấu tranh để tăng tốc đàm phán. Trung Quốc đã chuẩn bị kế hoạch dự phòng cho kịch bản không thỏa thuận, bao gồm đưa các công ty Mỹ vào danh sách tổ chức không đáng tin và kích thích nền kinh tế.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã tác động đến Trung Quốc, khiến tăng trưởng kinh tế chững lại, xuống thấp nhất gần 3 thập kỷ trong quý II. Tuy nhiên, nhà chức trách Trung Quốc vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách như hạ lãi suất cho vay, cho phép các tỉnh phát hành trái phiếu để đầu tư hạ tầng.

Về mặt chính trị, ông Tập không thể đáp ứng hết yêu cầu từ ông Trump. Phe cứng rắn tại Trung Quốc ngày càng củng cố lập trường mỗi khi ông chủ Nhà Trắng hủy bỏ một thỏa thuận tạm thời và công kích Bắc Kinh, từ tăng thuế đến đưa Huawei vào danh sách đen.

Mỹ và Trung Quốc dự kiến tiếp tục đàm phán vào tháng 9. Từ phía Trung Quốc, tiến triển đàm phán chủ yếu phụ thuộc vào toan tính chính trị của ông Trump cho cuộc bầu cử năm 2020.

“Trump có thể nhận ra việc ông công kích Trung Quốc sẽ ‘gây tai họa’ cho kinh tế và công ty Mỹ”, theo Charles Liu, cựu đàm phán viên kinh tế thuộc phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. “Thay đổi duy nhất có thể hình dung được là ông Trump chịu áp lực phải ký thỏa thuận - không phải Trung Quốc, là Trump. Vị thế của Trung Quốc sẽ là nếu ông muốn đàm phán, cánh cửa luôn để ngỏ, nhưng bắt nạt sẽ không hữu ích cho đàm phán”.

Ý kiến của bạn

Bình luận