Trump coi ô tô nhập khẩu là mối đe dọa an ninh quốc gia

Doanh nghiệp 24/05/2019 08:01

Các hãng xe Nhật và nhiều hãng xe khác thất vọng và bày tỏ sự không đồng tình với nhận định của tổng thống Mỹ.

 

xe-hoi-nhat-my-vnexpress-15586-7375-6570-155860277
Những mẫu xe gầm cao của Honda, Toyota tập kết tại cảng Yokohama, Nhật Bản trước khi xuất khẩu. Ảnh: Bloomberg

Tổng thống Donald Trump đồng ý với kết luận của Bộ Thương mại Mỹ, rằng xe hơi và các linh kiện nhập khẩu vào Mỹ là "mối đe dọa cho an ninh quốc gia". Nhận định này khiến các hãng xe Nhật phản ứng mạnh.

"Chúng tôi rất thất vọng khi ông Trump nói như vậy. Điều này như thể coi những đóng góp về đầu tư cũng như việc làm trong thời gian dài của chúng tôi ở Mỹ chẳng được chào đón chút nào", Akio Toyoda, CEO Toyota kiêm chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản (JAMA), nói. "Với tư cách chủ tịch JAMA, tôi thật sự rất buồn khi nghe điều này".

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, Nhật Bản chiếm khoảng 25% mức thâm hụt thương mại 208,8 tỷ USD mà nước này phải gánh chịu, trong đó có mảng kinh doanh ôtô và linh, phụ kiện đi kèm. Chính vì thế, ông Trump muốn giảm lượng xe nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời lập luận rằng chính việc doanh số suy giảm khiến cho các công ty nội địa suy yếu cả về khả năng đầu tư lẫn nghiên cứu phát triển.

Từ những năm 1980, các hãng xe Nhật từng bước khiến thị phần của các hãng xe Mỹ nhỏ lại. Bên cạnh đó là sự bành trướng của các hãng xe hơi phổ thông lẫn hạng sang châu Âu. Chính phủ Mỹ đặt ra mục tiêu với thời hạn 180 ngày để đàm phán với Nhật Bản, liên minh châu Âu (EU) với mong muốn xe hơi nước ngoài không còn tự do đổ vào xứ cờ hoa.

Trước những động thái cứng rắn của chính quyền Mỹ, người đứng đầu JAMA, ông Toyoda cảnh báo: "Những biện pháp cản trở thương mại có thể là một đòn đánh nghiêm trọng vào nền kinh tế cũng như ngành công nghiệp ôtô Mỹ".

"Nó không những gây bất lợi cho người tiêu dùng Mỹ, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh toàn cầu của xe hơi Mỹ. Đầu tư nước ngoài vì thế cũng bị triệt tiêu", ông Toyoda nói thêm.  

Theo thống kê của JAMA, các hãng xe Nhật hiện có tổng cộng 24 nhà máy, 45 trung tâm thiết kế, nghiên cứu-phát triển đặt tại 28 bang của Hoa Kỳ. Đầu tư của ôtô Nhật Bản vào các cơ sở sản xuất đến nay khoảng 51 tỷ USD, trực tiếp tạo ra 93.000 việc làm cho người Mỹ. Toyota hiện là hãng xe Nhật có thị phần lớn nhất tại Mỹ với 23%, con số tại quê nhà là 21%.

Kinh doanh xe hơi tại Nhật của các công ty Mỹ và ngược lại là hai bức tranh đối lập. Trong một thống kê của Nikkei, 2016 là năm đỉnh điểm khi các hãng xe Nhật thâu tóm khoảng 40% thị phần ôtô tại Mỹ.

Trong 2018, riêng tổng thị phần của các hãng Toyota, Honda và Nissan tại thị trường Mỹ là 30%. Ngược lại, cộng thị phần của cả General Motors (GM), Ford và Fiat Chrysler ở Nhật chỉ vỏn vẹn 3%.

Năm 2016, Ford chấm dứt toàn bộ hoạt động kinh doanh tại Nhật vì đánh giá "không có tương lai". GM, theo thống kê của JAMA, có khoảng 1.600 xe hơi của hãng này bán ra tại Nhật trong 2018. Con số này thậm chí chỉ bằng một đại lý của Toyota tại Mỹ kinh doanh trong một năm. 

Ý kiến của bạn

Bình luận