Trẻ em cần học cách sống an toàn trước vấn nạn đuối nước

Tác giả: Hoàng Thạch

saosaosaosaosao
23/09/2017 02:47

Tai nạn do đuối nước đối với trẻ em không những gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội, để lại hậu quả lâu dài cho nhiều gia đình và xã hội.

 

11_1628796
 

Ngăn chặn đuối nước - tìm giải pháp bản chất

Qua thực tế, hầu hết các vụ tai nạn đuối nước hiện nay, nhiều trẻ dù biết bơi nhưng vẫn gặp tai nạn đuối nước bởi không có hồ bơi an toàn mà phải bơi ở những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước rất cao như sông, hồ, hố nước xây dựng, ao tù… Mặt khác, các thiết bị an toàn cho việc bơi lội như phao bơi, áo phao, đồ bảo hộ... hiện còn bị xem nhẹ.

Phân tích nguyên nhân dẫn tới đuối nước, các chuyên gia về bảo vệ và chăm sóc trẻ em đều cho rằng, điều quan trọng không phải chỉ là dạy bơi mà còn phải dạy cho trẻ những kỹ năng ở dưới nước an toàn. Cụ thể là đi bơi ở ao, hồ thì phải có áo phao, chỉ đi bơi khi có người lớn giám sát trên bờ, khi gặp bất trắc thì phải biết cách cứu nạn, cấp cứu. Thậm chí, cha mẹ, nhà trường còn phải chủ động cung cấp hướng dẫn, chỉ cho các em những nơi có thể bơi lội an toàn, tránh xa những nơi sông suối, ao hồ, có vùng nước xoáy, nguy cơ cao.

Khi tìm giải pháp để giảm thiểu nỗi đau do đuối nước gây ra, hầu hết những chuyên gia về trẻ em đều cho rằng, ngoài việc thí điểm dạy bơi còn phải cần nâng lên thành một môn học chính khóa bắt buộc với trẻ em ở bậc tiểu học. Trong bộ môn bơi, cần dạy cả những kỹ năng xử lý khi ở dưới nước, kỹ năng cấp cứu khi xảy ra tai nạn, cách lựa chọn bể bơi, nơi bơi an toàn.

Bởi vậy mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Công văn số 1266 về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em. Đây là hành động thiết thực thực hiện Quyết định số 234 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 và Chỉ thị số 17 của Thủ tướng Chính phủ. 

day-tre-em-tap-boi_1
 

 

Công văn nêu rõ, các bộ, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo ngành dọc và UBND các cấp, các sở, ban, ngành tại địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng chống đuối nước ở trẻ em. 

Các địa phương cần vận động mọi gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, nhất là dịp nghỉ hè, mùa mưa bão, mùa nước nổi sắp đến. Phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi học bơi, học các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Để đảm bảo an toàn cho trẻ em, các địa phương cần chú trọng việc làm nắp đậy giếng hay bể nước và các dụng cụ chứa nước sinh hoạt; cần có rào chắn, biển cảnh báo tại các khu vực hồ nước, ao làng, các khu vực nước sâu, nguy hiểm.

Nhưng trên hết, việc phổ biến kỹ năng phòng tránh và ứng phó với đuối nước dưới nhiều hình thức là yếu tố quan trọng bậc nhất. Bởi lẽ, dù xã hội đau xót khi phải liên tục chứng kiến những vụ đuối nước của trẻ em, nhưng không phải ai cũng biết cách phòng ngừa và có nhận thức rõ ràng với nguy cơ dẫn đến đuối nước.

Chính vì vậy, đưa học bơi trở thành môn học bắt buộc tại các trường học sẽ là giải pháp có hiệu quả cao trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh phải nhận thức rằng, trước khi bắt con học giỏi tri thức thì phải giúp con học được cách sống an toàn.

 Tỷ lệ trẻ em đuối nước chiếm trên 50%

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, trong 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm có khoảng 2.800 trẻ em tử vong vì đuối nước. Trong đó, nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao từ 5 - 14 tuổi. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam được đánh giá là cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển.

Còn theo báo cáo sơ bộ của Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), từ đầu năm 2017 đến nay, các vụ đuối nước đã cướp đi sinh mạng gần 30 trẻ em trên cả nước.

Hàng năm, mỗi khi vào mùa mưa lũ, tai nạn đuối nước là mối đe dọa thường trực đến an toàn và sức khỏe của trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước. Phần lớn các vụ đuối nước xảy ra là do trẻ em tự ý đi tắm sông, hồ, biển mà không có phương tiện bảo hộ an toàn, không có người lớn giám sát. 

Chung tay đảm bảo an toàn cho trẻ em trước thiên tai nói chung, đuối nước nói riêng là trách nhiệm của toàn xã hội. Từ gia đình đến nhà trường cũng như cộng đồng xã hội phải xác định rõ rằng, mỗi trẻ em cần được rèn luyện các kỹ năng đầy đủ hơn. Các địa điểm sông suối, ao hồ, ngầm tràn và những nơi nguy hiểm được che chắn an toàn và cảnh báo kịp thời. Công tác tuyên truyền, cảnh báo cho các bậc phụ huynh và trẻ em triển khai một cách có hiệu quả, qua đó sẽ giảm thiểu những tai nạn thương tâm liên quan đến đuối nước.

Mới đây, tại Chương trình “Chiến dịch phòng ngừa rủi ro thiên tai liên quan đến đuối nước cho trẻ em năm 2017” tổ chức tại TP. Hải Phòng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn khẳng định: “Phòng chống thiên tai nói chung, đuối nước nói riêng hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu chúng ta có những nhận thức rõ ràng và hành động quyết liệt hơn”.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh, công tác tuyên truyền là yếu tố quan trọng hàng đầu để giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em. Bởi lẽ, khi nhận thức của mọi tầng lớp trong xã hội được nâng cao thì sẽ có thể chủ động ứng phó thiên tai, thích ứng nhanh với những biến đổi.

Mặc dù Việt Nam đã có chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nhưng việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu đặt ra của chương trình là giảm tỷ lệ tử vong do đuối nước xuống dưới 15% vẫn không đạt được.

Thậm chí, do kinh phí hạn chế nên chỉ có 30/63 tỉnh/thành có kế hoạch triển khai, số còn lại phải lồng ghép với các chương trình khác. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 nhưng đến nay các địa phương cũng chưa có báo cáo thực hiện cụ thể.

Ngày 5/02/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ tử vong trẻ em do đuối nước xuống dưới 6% so với năm 2015 (khoảng 170 người). 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 90% trẻ em sử dụng phao bơi khi tham gia giao thông đường thủy; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn.

Ý kiến của bạn

Bình luận