Trạm bê tông Sông Đà Việt Đức hoạt động "chui", ai "to gan" bảo kê?

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Ý kiến 24/10/2016 15:12

Dù chưa có Giấy phép xây dựng, Giấy phép khai thác nước ngầm, Giấy phép xả thải… tuy nhiên, trạm trộn bê tông Sông Đà Việt Đức (thuộc Công ty CP Đầu tư Sông Đà Việt Đức) đặt trên địa bàn xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội vẫn ngang nhiên hoạt động nhiều năm qua mà không bị cơ quan chức năng xử lý.


unnamed (18)
Trạm trộn bê tông Sông Đà Việt Đức do Công ty CP Đầu tư Sông Đà Việt Đức hoạt động không phép trong nhiều năm liền, song không bị xử lý triệt để.

Theo đó, Trạm trộn bê tông Sông Đà Việt Đức do Công ty CP Đầu tư Sông Đà Việt Đức làm chủ đầu tư, lắp đặt tại khu đô thị mới Nam An Khánh (Km8+600 đường Đại Lộ Thăng Long).                            

Lô đất xây dựng trạm trộn này thuộc dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh có chức năng là xây dựng nhà ở (chung cư cao tầng), thuộc sự quản lý, sử dụng của Công ty TNHH một thành viên SUDICO An Khánh.

Sau khi được sự đồng ý của UBND huyện Hoài Đức về việc xây dựng trạm trộn bê tông để phục vụ cho các dự án xây dựng hạ tầng thuộc dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh, Công ty TNHH MTV SUDICO An Khánh đã cho Công ty CP Đầu tư Sông Đà Việt Đức mượn đất với mục đích xây dựng trạm trộn bê tông.

Từ nhiều năm nay, Công ty CP Đầu tư Sông Đà Việt Đức đã đầu tư xây dựng Trạm trộn bê tông Sông Đà Việt Đức trên phần đất này và đi vào hoạt động. Song, đến nay trạm trộn bê tông này vẫn chưa có giấy phép hoạt động.

unnamed (17)
Trạm trộn bê tông Sông Đà Việt Đức do Công ty CP Đầu tư Sông Đà Việt Đức xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây bức xúc trong dư luận.

Theo báo cáo số 60/BC-TCT ngày 28/9/2016 của Tổ công tác liên ngành huyện Hoài Đức về việc kiểm tra xử lý vi phạm các trạm trộn bê tông trên đại bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội) nêu rõ hàng loạt sai phạm của trạm trộn bê tông này.

Cụ thể: Về xây dựng, Trạm trộn bê tông của Công ty CP Đầu tư Sông Đà Việt Đức không có giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền; hiện tại công ty đã xây dựng 3 dây truyền sản xuất bê tông thương phẩm, 1 nhà bảo vệ, 1 khu nhà văn phòng, 1 khu nhà kho, 1 nhà lấy mẫu,1 khu để vật liệu khu lợp mái tôn để vật liệu cát, 1 bãi rác thải, 3 bể lắng nước thải.

Về môi trường, công ty đã khoan giếng khai thác nước ngầm để sản xuất bê tông với công xuất khai thác khoảng 30 m3/ ngày đêm. Công ty xây dựng 3 bể lắng để xử lý nước thải. Nước thải sau khi qua hệ thống bể lắng thì xả vào hệ thống thoát nước chung. Tại thời điểm kiểm tra, Công ty CP Đầu tư Sông Đà Việt Đức chưa cung cấp được Giấy phép khai thác nước ngầm, Giấy phép xả thải theo đúng quy định.

Qua quá trình kiểm tra, Tổ công thác liên ngành kết luận: Trạm trộn bê tông của Công ty CP Đầu tư Sông Đà Việt Đức chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định về hoạt động trạm trộn bê tông; Giấy phép khai thác nước dưới đất, Giấy phép xả thải, Giấy phép xây dựng; Đồng thời lập biên bản kiểm tra, yêu cầu Công ty CP Đầu tư Sông Đà Việt Đức dừng hoạt động trạm trộn bê tông này, khi có đầy đủ hồ sơ pháp lý về hoạt động của trạm trộn bê tông theo đúng quy định của pháp luật mới được phép hoạt động trở lại.

unnamed (19)
Hàng loạt xe quá trải phục vụ cho trạm trộn bê tông này hàng ngày tàn phá hạ tầng giao thông, gây ô nhiễm môi trường

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Viết Hướng, Phó chủ tịch xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: “Về hoạt động của trạm trộn bê tông Sông Đà Việt Đức, chúng tôi chỉ biết kiến nghị lên huyện đề nghị xử lý, bởi xã không có thẩm quyền. Ngoài ra do trạm trộn này xây dựng trên đất dự án, phục vụ cho dự án, nên chúng tôi không có thẩm quyền xử lý…”.

Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Lý – Chánh văn phòng UBND huyện Hoài Đức, cho biết: “Trạm trộn của Công ty CP Sông Đà Việt Đức không hề có phép . Huyện sẽ kiên quyết xử lý triệt để, những trường hợp nào thực sự có giấy phép thì mới cho hoạt động, nếu không có sẽ yêu cầu dừng hết và di dời. Về biện pháp xử lý, huyện sẽ áp dụng đúng theo quy định của pháp luật…”

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên (vào các ngày trung tuần tháng 10) Trạm trộn bê tông Sông Đà Việt Đức vẫn hoạt động bình thường. Bên trong trạm, hệ thống máy móc, băng truyền vẫn hoạt động hết công suất, âm thanh từ phương tiện máy móc phát ra inh ỏi khắp một vùng. Hàng loạt xe trọng tải lớn vẫn nối đuôi nhau ra vào trạm, tàn phá đường sá, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tạp chí GTVT sẽ tiếp tục thông tin.

Ý kiến của bạn

Bình luận