TP.HCM kiến nghị khống chế ôtô dưới 9 chỗ để giảm ùn tắc

Giao thông 24h 24/01/2017 05:38

Chiều 23-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về giải pháp phòng chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM.

 

TP.HCM kiến nghị khống chế ôtô dưới 9
Lãnh đạo TP.HCM và đại diện các sở, ngành tham dự cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ chiều 23-1

Tham dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, lãnh đạo Sở GTVT cùng đại diện các sở ngành, cơ quan có liên quan.

Mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định tình hình ùn tắc giao thông ở TP.HCM hiện đang trở thành vấn đề cấp bách - cần giải pháp cụ thể để giải quyết.

Thủ tướng đề nghị các ý kiến đi thẳng vào bàn luận, đề xuất giải pháp cụ thể để khắc phục ngay tình hình.  

Sân bay Tân Sơn Nhất: điển hình ùn tắc cả trong lẫn ngoài

Báo cáo nhanh tình hình ùn tắc giao thông tại TP và các giải pháp TP.HCM đã thực hiện, Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cho biết trong năm 2016, TP có 37 vị trí thường xảy ra ùn tắc giao thông.

Các tuyến đường thường xảy ra ùn tắc như cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, khu vực trung tâm TP, các tuyến đường kết nối từ ngoại ô vào nội đô TP. Trong khi đó, dịch vụ hành khách công cộng chỉ mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.

Tốc độ lưu thông trung bình khu vực trung tâm TP vào giờ cao điểm sáng 19km/h, chiều 18km/h.

Nghe đến đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nói: “Sân bay Tân Sơn Nhất đã là một điển hình về ùn tắc cả trong lẫn ngoài sân bay”.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tình hình ùn tắc giao thông ở TP hiện còn rất lớn, thực tế phải có gần 50 điểm ùn tắc, có điểm kéo dài nhiều giờ. Thủ tướng lưu ý cần huy động xã hội hóa trong việc triển khai các dự án chống ùn tắc giao thông.

Còn theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, “để giải quyết ùn tắc, các dự án để giải tỏa ùn tắc phải được tiến hành nhanh, gấp. Hiện nay các dự án tiến hành quá chậm, nhất là dự án huy động theo hình thức BOT”.

Về nguồn vốn, ông Thăng kiến nghị trung ương áp dụng cơ chế về nguồn vốn cho TP.HCM như áp dụng cho Bộ GTVT thực hiện dự án quốc lộ 1.

“Các dự án nào sai cứ thanh tra, kiểm tra, còn dự án khác cứ ưu tiên thực hiện chứ không để quá trình thanh tra, kiểm tra các dự án sai phạm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án khác”, ông Thăng nói.

Khống chế lượng ôtô dưới 9 chỗ

Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, ông Khoa nêu ra hàng loạt kiến nghị với Thủ tướng về cơ chế, chính sách để “hạ nhiệt” vấn đề ùn tắc giao thông ở TP.HCM.

Cụ thể, ông Khoa kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho phép TP được quyết định khống chế số lượng ôtô dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sử dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách (như Grab, Uber) thông qua việc cấp phù hiệu xe chạy hợp đồng.

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh các thủ tục nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - cảng hàng không quốc tế Long Thành đồng bộ với tiến độ xây dựng, hoàn thành sân bay Long Thành.

Với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ông Khoa kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc đưa đoạn tuyến đường sắt Bình Triệu - Hòa Hưng lên cao để xóa bỏ các giao cắt giữa đường sắt và đường bộ trong nội đô.

Cân nhắc chi 25.000 tỉ đồng xây đường sắt trên cao

Đáng chú ý, ông Khoa kiến nghị Thủ tướng ủy quyền cho TP quyết định một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Thủ tướng như được quyết định bổ sung, điều chỉnh cục bộ quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM trên cơ sở quy hoạch đã được duyệt. 

Đối với các dự án như cầu thay thế phà Cát Lái, cầu thay thế phà Bình Khánh, đường song song quốc lộ 50, kiến nghị cho phép TP triển khai ngay các thủ tục đầu tư tiếp theo.

Dưới góc độ cơ quan trung ương, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá kiến nghị xây đường sắt trên cao của TP.HCM là một đề xuất hết sức chính đáng. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ công đang cao như hiện nay, chi phí thực hiện công trình lên đến khoảng 25.000 tỉ đồng là một con số cần phải cân nhắc.

Ý kiến của bạn

Bình luận